Tôm hùm phát sinh dịch bệnh
Thời gian qua, nắng nóng trên địa bàn Khánh Hòa diễn ra gay gắt gây bất lợi cho tôm hùm nuôi, từ đó khiến sức đề kháng vật nuôi giảm và dễ phát sinh dịch bệnh.
Tại vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, một trong những nơi nuôi tôm hùm chủ lực tại Khánh Hòa với trên 35.000 lồng, chủ yếu tôm hùm bông. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nắng nóng kéo dài, tôm nuôi phát sinh dịch bệnh và chết rất nhiều.
Ông Nguyễn Thanh Sang, thị trấn Vạn Giã đang nuôi tôm hùm bông ở khu vực biển thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh cho biết, tình trạng tôm hùm chết diễn ra khoảng 2 tháng nay, bè nào cũng bị thiệt hại không nhiều thì ít.
Như gia đình ông Sang có 20 lồng nuôi tôm hùm, trung bình mỗi ngày chết từ 6-7 con, trọng lượng từ 0,6-0,7kg/con. Do tôm chết rải rác nên đến nay gia đình đã hao hụt khoảng 40 - 50% sản lượng.
Về nguyên nhân gây chết tôm hùm, cơ quan chức năng đã phát hiện thấy tác nhân gây bệnh đen mang trong tơ mang tôm hùm bông (nấm Fusarium sp.) trên các mẫu thu tại Mũi Nai (xã Vạn Thạnh).
Bên cạnh đó, mật độ vi khuẩn Vibrio tổng số cao trong các mẫu tôm, mẫu nước và mẫu trầm tích vùng khảo sát, đặc biệt V. alginolyticus tìm thấy với mật số cao trong các mẫu tôm rất có thể là tác nhân thứ phát góp phần gây hiện tượng tôm chết.
Ngoài ra, hàm lượng oxy hòa tan trong nước ở tầng đáy thấp, nhiệt độ nước tăng cao so với cùng kỳ, cùng với việc thả tôm với mật độ dày, giai đoạn thời tiết đang chuyển mùa nắng nóng đã góp phần làm sức đề kháng của tôm giảm, tôm yếu và dễ mắc bệnh.
Khuyến cáo điều trị bệnh theo phác đồ
Trước kết quả xác định nguyên nhân gây tôm lồng bị chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị huyện Vạn Ninh chỉ đạo Phòng Kinh tế huyện UBND xã Vạn Thạnh và Vạn Hưng tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình tôm nuôi.
Rà soát, thống kê tình hình thiệt hại trên tôm hùm nuôi lồng; kịp thời thông tin đến cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện, cấp tỉnh về các diễn biến mới trên đàn tôm hùm nuôi.
Đồng thời, khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi tôm hùm nói riêng và người nuôi thủy sản lồng bè nói chung nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về vùng nuôi, phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản nuôi. Đồng thời điều trị bệnh cho thủy sản nuôi theo đúng phác đồ đã được cơ quan nhà nước công nhận và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Ngày 6/5, UBND huyện Vạn Ninh đã có văn bản chỉ đạo Phòng Kinh tế, Trạm Kiểm ngư, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện và UBND các xã, thị trấn tăng cường giám sát tình hình nuôi tôm hùm lồng theo đề nghị của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.
Về điều trị bệnh đen mang trên tôm hùm do nhiễm nấm Furasium sp gây ra, theo ông Huỳnh Giao, Phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vạn Ninh cho biết, hiện chưa có phác đồ điều trị. Đối với bệnh này thường rất khó điều trị, khả năng chỉ có thể khôi phục 30% đàn nuôi nếu tôm chưa yếu và giảm ăn.
Do đó, người nuôi có thể áp dụng các biện pháp theo khuyến cáo của Bộ NN- PTNT: Điều trị những con chưa có dấu hiệu bệnh trong lồng nuôi có phát hiện những con yếu nghi bệnh đen mang. Sử dụng Formaline tắm cho tôm với nồng độ 15-25ml/m3, trong thời gian 10-15 phút mỗi ngày, có sục khí.
Thời gian điều trị 5 - 7 ngày, tắm cho tôm bằng sulfat đồng, nồng độ 0,5g/m3 nước trong 5-7 phút, có sục khí. Người nuôi có thể sử dụng một số kháng sinh như Norfloxacin, Nalidicin acid, Ciprofloxacin để điều trị bằng cách trộn vào thức ăn với lượng 30-50mg/kg thức ăn. Đồng thời, treo túi vôi ở giữa lồng tôm hoặc đặt ở vùng đáy lồng nuôi bị ô nhiễm để diệt ký sinh trùng, nấm và vi khuẩn.
Đối với điều trị bệnh đỏ thân trên tôm nhiễm bệnh phải tuân thủ theo khuyến cáo của cơ quan thẩm quyền (TBKT 03-02:2017/BNNPTNT).
Cụ thể, bước 1: Tách và tiêu hủy các cá thể bị bệnh nặng, chỉ giữ lại những cá thể còn ăn được thức ăn để tiến hành điều trị. Bước 2: Cho tôm ăn thức ăn trộn với kháng sinh doxycyclin doxycyclin (thuốc dùng trong thú y) có bổ sung hoạt chất sinh học và chất kết dính. Thứ tự thực hiện gồm chọn thức ăn tươi sống (cá liệt, cá mối…) và cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ phù hợp cỡ miệng tôm hùm theo từng giai đoạn nuôi.
Rửa thức ăn bằng thuốc tím nồng độ 2-3ppm và để ráo thức ăn trong 10 phút trước khi cắt nhỏ. Sau đó, trộn thức ăn cắt nhỏ với kháng sinh doxycyclin, hoạt chất sinh học và chất kết dính theo tỷ lệ: 2,5g kháng sinh + 5,0 g hoạt chất sinh học + 5,0 g chất kết dính/1 kg thức ăn.
Tiếp đến, cho tôm ăn thức ăn đã trộn thuốc liên tục trong 7 ngày, mỗi ngày 1 lần vào lúc 17-18 giờ. Sau 7 ngày dùng thuốc, nếu thấy tôm vẫn còn bệnh thì tiếp tục cho tôm ăn thức ăn đã được trộn thuốc trong 3 ngày, mỗi ngày 1 lần vào lúc 17-18 giờ. Cách trộn cũng như cách trên nhưng tỷ lệ thuốc kháng sinh giảm một nửa: 1,25g kháng sinh/kg thức ăn.
Bước 3: Cho tôm ăn thức ăn bổ sung chế phẩm và hoạt chất sinh học. Tiến hành như sau: Trộn thức ăn (đã được xử lý như bước 2) với chế phẩm sinh học, hoạt chất sinh học và chất kết dính theo tỷ lệ: 5,0g chế phẩm sinh học + 5,0g hoạt chất sinh học + 5,0g chất kết dính/kg thức ăn. Sau đó, cho tôm ăn thức ăn đã trộn như trên trong 7-10 ngày liên tục, mỗi ngày 1 lần vào lúc 17-18 giờ.
Ngoài ra, việc bổ sung Beta - glucan để tăng sức chống chịu cho đàn tôm nuôi đối với nấm và nhiễm khuẩn là rất hữu hiệu. Người nuôi có thể mua sản phẩm này tại các cửa hàng thuốc thú y và sử dụng theo liều lượng của nhà sản xuất.
Phòng bệnh trong mùa nắng nóng
Trước diễn biến dịch bệnh nắng nóng gay gắt, ông Huỳnh Giao khuyến cáo người nuôi cần theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường trong thời điểm thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là oxy để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, che mát lồng nuôi bằng lưới lan khi thời tiết nắng nóng.
Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của đàn tôm nuôi, loại bỏ tôm chết, xác tôm lột, thức ăn thừa trong ngày ra khỏi lồng nuôi nhằm hạn chế tích lũy chất hữu cơ trong môi trường nước và chất hữu cơ lắng đáy.
Bổ sung vitamin và khoáng chất vào khẩu phần ăn để nâng cao sức đề kháng cho tôm hùm nuôi, giảm khẩu phần ăn theo biến động thời tiết cho phù hợp với sức khoẻ của tôm nuôi, tránh dư thừa thức ăn gây lắng đọng chất thải và tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển.
Ngoài ra, người nuôi cần san thưa mật độ nuôi 2-5 con/m2 lồng đối với tôm hùm kích cỡ từ 200g/con trở lên,giãn cách lồng bè nuôi ở mật độ lồng nuôi từ 30 - 60 lồng/ha mặt nước (nếu được) nhằm tạo sự thông thoáng nước cho lồng bè nuôi theo quy định.