| Hotline: 0983.970.780

Nhãn Hưng Yên ra hoa khá nhờ tiến bộ kỹ thuật

Thứ Hai 06/03/2017 , 13:45 (GMT+7)

Anh Nguyễn Văn Đạt (Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khoái Châu) cho hay: “Tuy thời tiết vụ đông mới đây diễn biến phức tạp, nhưng vẫn có 50 - 60% diện tích nhãn của huyện đang nhú giò hoa..."

Hưng Yên được coi là cái nôi của đặc sản nhãn lồng ngon nổi tiếng trong cả nước. Và Hưng Yên cũng là địa phương có diện tích nhãn trồng tập trung thâm canh cao nhất nước. Trong vụ đông xuân 2016-2017, mặc dù thời tiết có nhiều biến động bất thường, nhưng Hưng Yên vẫn có hơn 60% diện tích nhãn ra hoa.

img-6071-1114959784
Khi nhãn ra hoa không tiến hành xới xáo dưới tán cây để bón phân
 

Theo số liệu thống kê năm 2015, diện tích nhãn toàn tỉnh Hưng Yên là trên 3.000ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên. Hầu hết diện tich nhãn Hưng Yên đều được cơ cấu gieo trồng theo 3 trà chính: chín sớm, chín muộn và chín chính vụ.

Trà nhãn chín muộn (khoảng 40% tổng diện tích) gieo trồng chủ yếu ở huyện Khoái Châu và khu vực phụ cận, cơ cấu giống trồng chính bao gồm: HTM-1; HTM-2... Trà nhãn chính vụ và trà nhãn chín sớm, trồng tập trung ở huyện Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên. Trong đó, trà nhãn chín sớm chiếm khoảng 10% tổng diện tích, giống trồng phổ biến là PHS, còn lại là trà nhãn chính vụ (chiếm gần 50% tổng diện tích), chủ yếu trồng giống nhãn Hương Chi.

Ông Bùi Xuân Tám (nhà vườn thâm canh nhãn nổi tiếng ở thành phố Hưng Yên) cho biết: “Nhãn năm nay ra hoa muộn hơn cùng kỳ năm trước gần 1 tháng. Nguyên nhân, do vụ đông vừa qua ấm nóng nhiều và năm 2016 nhãn ra hoa đậu quả sai hiếm có, đồng thời năm âm lịch 2017 này nhuận 2 tháng 6... đã làm cho cây nhãn khó phân hóa mầm hoa. Tuy nhiên từ nhiều năm nay các nhà vườn ở đây đã rất thuần thục kỹ năng xử lý nhãn ra hoa bằng chế phẩm KCLO3 và NaCLO3, nên nhãn ở đây vẫn ra hoa khá”.

Riêng vườn nhãn hơn 200 gốc nhà ông Tám, vẫn đạt tỷ lệ ra hoa trên 90%. Là do suốt vụ đông ông Tám luôn theo dõi sát dự báo thời tiết và kiểm tra nhãn hàng ngày. Tới cuối tháng 1 đầu tháng 2, nếu cây nhãn chưa nhú giò hoa, cành lá mỡ màng, xanh bóng và dự báo có nhiệt độ không khí trung bình ngày trên 16 độ C, ẩm độ không khí trên 70% kéo dài 4 - 5 ngày liên tục, ông Tám đã xử lý bổ sung thêm KCLO3 hoặc NaCLO3. Theo ông Tám, mùa thu hoạch nhãn năm nay sẽ chậm hơn cùng kỳ năm trước khoảng 15 - 20 ngày.

Anh Nguyễn Văn Đạt (Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khoái Châu) cho hay: “Tuy thời tiết vụ đông mới đây diễn biến phức tạp, nhưng vẫn có 50 - 60% diện tích nhãn của huyện đang nhú giò hoa. Các nhà vườn địa phương vẫn chủ yếu xử lý nhãn ra hoa bằng thủ công cơ giới như, chặt bớt rễ tơ (với cây lâu năm), khoanh vỏ thân cây, thân cành (với cây dưới 15 năm) và dừng tưới nước, bón phân... từ tháng 10 đến hết tháng 12.

Quan sát các vườn nhãn trong tỉnh, chúng tôi thấy, trà nhãn chín sớm đã nở hoa rộ, trà nhãn chính vụ và trà nhãn muộn, giò hoa đang nhú “mắt cua”, một số cây giò hoa đã vươn cao. Tại thời điểm, thời tiết đang khá thuận lợi cho cây nhãn vươn giò, nở hoa. Tuy nhiên, từ nay đến cuối vụ thời tiết còn nhiều diễn biến khó lường, có thể ảnh hưởng tới sự nở hoa, đậu quả trên cây nhãn.

Để giảm thiểu rủi ro, khắc phục kịp thời các yếu tố thời tiết bất lợi cho cây nhãn, các nhà vườn cần tiến hành ngay một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc trên vườn nhãn như sau:

Tưới đủ ẩm cho các vườn nhãn khô nước.

Dùng chế phẩm Atonik phun 2 lần cho cây: Khi giò hoa mới nhú và sau hoa nở 7 ngày.

Bón bổ sung/1 gốc 4 - 5kg phân hữu cơ vi sinh và 3 - 5kg NPK Đầu trâu 13-13-13+TE (tùy theo tuổi cây và thực tế sinh trưởng của cây). Nên bón phân kết hợp tưới nước, để tránh cuốc xới đất dưới tán cây, gây tổn thương bộ rễ nhãn.

Chú ý:

Khi nhãn đang ra hoa, đậu quả non, tuyệt đối không tiến hành xới xáo trong và cận tán cây để bón phân và thực hiện các biện pháp kỹ thuật khác.

Nếu có mưa axit, cần dùng nước sạch (lọc qua cát) phun rửa giò hoa, chùm hoa và quả non, rồi dùng cù nèo rung cho rũ hết nước trên chùm hoa và quả. Tuyệt đối không xối thẳng vòi nước vào các chùm hoa, quả non.

Thuốc phòng trừ kịp thời một số sâu bệnh hại chính:

Ridomil 72MZ hoặc Zineb 80WP phòng trừ bệnh sương mai phun khi giò hoa mới nhú và rụng hoa lộ quả non.

Anvil 0,2% phòng trừ bệnh phấn trắng phun phòng trước khi cây nở hoa.

Trebon (0,1 - 0,2%); Actara 0,02% hoặc Suprathion 0,2%... phun trừ rệp các loại. Khi phun thuốc nên trộn thêm nước rửa bát để tăng độ bám dính của thuốc, tăng hiệu quả phòng trừ. Cần phun kép 2 - 3 lần cách nhau 5 - 7 ngày.

Sherpa (0,1 - 0,2%) hoặc Fastac 0,1% phun trừ bọ xít nâu khi bọ xít non mới xuất hiện thời kỳ quả non.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.