Bình Định cũng là tỉnh có nhiều hồ chứa hư hỏng nhất khu vực Nam Trung Bộ, phần nhiều là các hồ nhỏ do địa phương quản lý, trong khi năng lực quản lý, vận hành của các chủ hồ này chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi kiểm tra an toàn hồ chứa tại Bình Định |
Để đảm bảo an toàn và phát huy cao nhất hiệu quả của các công trình thủy lợi (CTTL), Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 40/2011 ngày 27/5/2011, quy định về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ quản lý, khai thác CTTL.
Theo đó, đối với hồ có dung tích chứa từ 100 triệu m3 trở lên, đơn vị trực tiếp quản lý phải có ít nhất 3 kỹ sư thủy lợi, trong đó có ít nhất 1 người có thâm niên công tác từ 7 năm trở lên, có giấy chứng nhận đã qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý hồ đập do các cơ sở đào tạo do Bộ NN-PTNT cấp giấy chứng nhận.
Hồ có dung tích chứa từ 50 triệu m3 đến dưới 100 triệu m3, đơn vị quản lý hồ đập phải có ít nhất 2 kỹ sư thủy lợi, trong đó có ít nhất 1 người có thâm niên công tác từ 5 năm trở lên, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý hồ đập do các cơ sở đào tạo do Bộ NN-PTNT cấp.
Những hồ nhỏ có dung tích chứa từ 10 triệu m3 đến dưới 50 triệu m3, đơn vị quản lý hồ đập phải có ít nhất 1 kỹ sư thủy lợi, 1 cao đẳng thủy lợi, trong đó có ít nhất 1 người có thâm niên công tác từ 3 năm trở lên, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý hồ đập do các cơ sở đào tạo do Bộ NN-PTNT cấp...
Tuy nhiên theo ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, nhân lực quản lý, khai thác, bảo dưỡng các CTTL, hồ chứa nước tại các địa phương trong tỉnh không đáp ứng được các quy định theo Thông tư 40/2011 của Bộ NN-PTNT.
Trong số 2.000 người làm công tác quản lý các CTTL, chỉ có khoảng trên 100 người có bằng trung cấp chuyên ngành thủy lợi trở lên hiện đang công tác tại Cty TNHH KTCTTL Bình Định, số còn lại đang làm việc ở các xã, HTXNN. Hầu hết những người tham gia công tác thủy lợi ở cơ sở hầu như không có nghiệp vụ, làm kiêm nhiệm trái ngành nghề. Công việc thường xuyên của họ chỉ là tháo, dẫn nước tưới; ít ai am hiểu về quy chế, quy phạm vận hành, bảo vệ, bảo dưỡng CTTL, nên các công trình chưa phát huy hết hiệu quả. Khi công trình hư hỏng, xuống cấp, họ không phát hiện và cũng không đề xuất để sửa chữa kịp thời, nên công trình ngày càng xuống cấp.
Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định bộc bạch: “Với cơ chế, chính sách và thu nhập như hiện nay, các xã, HTXNN rất khó thu hút được cán bộ có chuyên môn thủy lợi về làm việc. Mặt khác, những người có bằng cấp chuyên ngành thủy lợi, năng lực chuyên môn tốt cũng không muốn làm việc ở nông thôn, tại các HTXNN. Do vậy, rất khó thực hiện được các quy định tại Thông tư 40/2011 của Bộ NN-PTNT”.
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), đa số những hồ chứa ở Bình Định đều được xây dựng từng thập niên 70 - 80 của thế kỷ 20 trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn. Thêm vào đó, công nghệ khi ấy còn lạc hậu, nên về mặt kỹ thuật là chưa đảm bảo. Đáng quan ngại nhất là những hồ chứa nhỏ dưới 1 triệu m3 đều có đập đất, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay dẫn đến mưa lũ cực đoan, khi mưa lớn trên lưu vực xảy ra, nước tràn qua đập đất thì đập đất mất an toàn. Đây lại là mối an nguy của người dân ở dưới hạ lưu. Tuy nhiên các hồ này đều do cấp xã, HTXNN quản lý. Những chủ hồ đều thiếu trầm trọng về chuyên môn và kỹ thuật nên mất sự an toàn càng tăng cao.
Để khắc phục, ngành nông nghiệp Bình Định không ngừng nâng cao năng lực quản lý, vận hành cho các chủ hồ do địa phương quản lý. Nhưng để bảo đảm an toàn hồ chứa một cách căn cơ, ông Nguyễn Hữu Vui đề xuất Bộ NN-PTNT điều chỉnh quy định yêu cầu năng lực cán bộ quản lý khai thác CTTL, cho phép tổ chức trạm quản lý thủy lợi cấp huyện để thực hiện nhiệm vụ quản lý các CTTL hoặc hỗ trợ về chuyên môn cho các HTXNN trong công tác quản lý hồ đập; tạo điều kiện hình thành các DN cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật trong quản lý, khai thác CTTL cho các tổ chức hợp tác dùng nước, không bắt buộc chủ công trình phải có cán bộ kỹ thuật. Kinh phí hoạt động của các tổ chức nói trên sẽ được trích từ nguồn thu thủy lợi phí.