| Hotline: 0983.970.780

Nhân Quyết định số 922, nghĩ về phát triển du lịch nông thôn

Thứ Tư 14/09/2022 , 08:05 (GMT+7)

10 năm trước, TS Ngô Kiều Oanh đã cảnh báo những áp lực của việc phát triển ồ ạt các khu du lịch sinh thái ở nhiều nơi với nhiều bất cập...

Các mục tiêu cụ thể

Theo đó, mục tiêu cụ thể Chính phủ đặt ra đến năm 2025 là phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 nhân viên thành thạo ngoại ngữ…

Empty

Du lịch nông nghiệp tại Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Trang trại Đồng Quê.

Ngày 2/8/2022, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mục tiêu là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù.

Người đi tiên phong

Những nội dung trên làm cho tôi lại nhớ đến TS Ngô Kiều Oanh- người đi tiên phong trong việc làm du lịch trải nghiệm nông nghiệp ở Hà Nội khi hơn 10 năm trước lập ra Trang trại Đồng quê tại Ba Vì. Theo bà, sản phẩm du lịch nông nghiệp có thể phát triển rất mạnh ở các vùng ngoại thành bổ sung cho các tour du lịch nội đô và rất phù hợp với chính sách nông thôn mới hiện nay để thu hút vốn đầu tư. Trên sản phẩm này có thể phát triển du lịch “home-stay”, du lịch học đường, du lịch ẩm thực, văn hoá lễ hội âm nhạc đồng quê...

Ở Ba Vì có các làng thảo dược người Dao, làng chè Ba Trại, làng cổ Đường Lâm, các trang trại, nông trường trồng hoa, cây cảnh, rau, các cây con mang  tính bản địa, bò sữa, ong mật…rất tiện lợi để phát triển du lịch nông nghiệp. Trên cơ sở đánh giá các tiềm năng du lịch của vùng, cần lựa chọn một số nội dung hấp dẫn nhất để tiến hành xúc tiến du lịch trước, xây dựng tour để du khách lựa chọn.

Empty

TS Ngô Kiều Oanh. Ảnh: NNVN.

Thông thường cần có một điểm dừng chân chính để du khách nghỉ ngơi, ăn uống, chuẩn bị trang thiết bị cần thiết thực hiện các tour nhánh theo chủ đề. Ở Ba Vì, điểm dừng chân chính là Trang trại Đồng Quê. Tại đây, có vườn cây mắc nhiều võng, có phòng nghỉ, có nhà hàng, có một số dịch vụ vui chơi, giải trí…Từ điểm này, khách thực hiện các tour nhánh bằng nhiều cách như đi bộ, đi xe đạp, xe ngựa, ô tô…

Chủ đề thứ nhất là cây lúa nước và nền văn minh lúa nước Việt Nam từ cổ xưa đến đương đại. Điển hình là ngôi nhà tre, vách đất là một địa điểm đẹp được bao quanh bởi cánh đồng lúa và dòng suối nhỏ từ núi Ba Vì chạy quanh. Nó là minh chứng về sự sử dụng thông minh các chất liệu tự nhiên tại chỗ như vách được trát bằng đất của tổ mối đùn lên trộn với rơm băm nát, khung vách bằng tre ngâm, được chẻ thành các thanh nhỏ và dài, buộc vào với nhau bằng lạt. Mặc dù làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công như thế nhưng nó vẫn còn rất bền chắc sau hơn 60 năm. Tại đây du khách có thể tham gia vào các hoạt động nông nghiệp như xay lúa, giã gạo, tráng bánh cuốn, úp nơm bắt cá, tát gầu sòng, cấy lúa…

Chủ đề thứ hai là thăm quanh các nông trại chăn nuôi gắn với sinh hoạt cộng đồng làng xóm như Trung tâm Nghiên cứu dê cừu thỏ, các nông hộ nuôi bò sữa, đà điểu, ong mật…Chủ đề thứ ba là rau hữu cơ, rau rừng tự nhiên và đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên nhiệt đới. Du khách có thể tham quan hoạt động trồng rau, trồng cây, tham gia lớp học nấu ăn, thu hoạch rau và làm súp rau, nem cuốn rau, làm pho mát từ sữa tươi Ba Vì. Chủ đề thứ tư là kiến trúc và cảnh quan truyền thống của cư dân nông nghiệp Việt Nam vùng trung dư, đồng bằng gắn với các làng nghề nông nghiệp truyền thống. Chủ đề thứ năm là thảo dược và văn hóa chữa bệnh của dân tộc Dao, Mường. Chủ đề thứ sáu là bảo tồn văn hóa dân tộc.

Empty

Hoạt động trải nghiệm bắt cá tại Trang trại Đồng quê. Ảnh: Trang trại Đồng quê.

Những cảnh báo

Ngay từ 10 năm trước, TS Ngô Kiều Oanh đã cảnh báo: “Hiện nay áp lực của việc phát triển ồ ạt các khu du lịch sinh thái lên các khu bảo tồn thiên nhiên, các làng nông nghiệp truyền thống với các bất cập như:  Các chủ đầu tư chỉ mới ở giai đoạn thông qua các dự án du lịch để chiếm giữ những khu đất rộng lớn rừng, hồ, ven sông. Các khu này đều được đặt trong cùng một không gian địa lý nhỏ hẹp với các mô hình giải trí giống nhau. Các chủ đầu tư không có đủ vốn và kinh nghiệm cho việc cập nhật  các thiết bị vui chơi giải trí công nghệ cao và mô hình quản lý hiện đại.

Điều này đã và tiếp tục dẫn đến sự nhàm chán cho du khách, đưa đến sản phẩm sẽ chết yểu dần (thác Đa, hồ Tiên Sa tại Ba Vì) cộng thêm sự xung đột với dân cư bản địa khi giữ nhiều khu đất lớn mà sản phẩm du lịch không hiệu quả. Thêm vào nữa, do khoảng cách khá gần với trung tâm thành phố nên phần lớn khách chỉ đi trong ngày, nhất là đối với gia đình có các trẻ nhỏ ,các sinh viên học sinh, các cán bộ công nhân viên chức.

Thay vào việc đầu tư các khu khách sạn lớn, các sân gôn, trước mắt cần đầu tư cho hình thức lưu trú “home-stay” trong các làng nông nghiệp truyền thống có môi trường và cảnh quan đẹp. Hình thức đầu tư này không những thu hút được sự đóng góp rất lớn của cộng đồng bản địa mà còn hài hòa được lợi ích của cả ba chủ thể chính trong hệ thống du lịch là nhà đầu tư, du khách và người dân. Thêm vào đó không nên để xảy ra xung đột về lợi ích đất đai như hiện nay đối với dân cư bản địa khi họ là lực lượng chủ đạo để giữ gìn phát triển văn hoá lịch sử của Thủ đô.

Empty

Trải nghiệm tại một trang trại nuôi dê. Ảnh: Trang trại Đồng Quê.

Trong bối cảnh môi trường đang bị suy thoái và biến đổi khí hậu nặng nề, dịch bệnh tràn lan, nhu cầu cần được nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian nông nghiệp, nông thôn xanh trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Hà Nội cần quy hoạch định rõ về việc xây dựng các luật hoá về công tác bảo tồn giữ gìn nghiêm ngặt các tài nguyên văn hoá nhân văn và văn hoá thiên nhiên trong các quy hoạch chi tiết theo đặc thù của từng khu vực (giống như việc bảo tồn phố cổ) và coi việc này là ưu tiên số một để tránh tình trạng tư nhân hoá các khu bảo tồn thiên nhiên và đặc biệt các vị trí linh địa của Thủ đô và Quốc gia.

Các sản phẩm du lịch ngày càng phải mang tính cộng đồng và bền vững rất lớn chưa kể phải bảo đảm tính môi truờng và văn hoá bản địa mới có đủ sức cạnh tranh lâu dài. Do vậy rất cần tập trung xây dựng một vài mô hình mẫu đối với sản phảm hấp dẫn để có thể đưa được hệ thống đồng bộ bài bản về mặt quy hoạch, quản lý, pháp lý, tài chính, ngân hàng, quảng bá, thông tin, đào tạo…ứng dụng được rộng rãi trong thực tế”.

Và thực tế ngày hôm nay, nhiều nơi ở Ba Vì đã bị “băm nát” vì người dân thành phố đua nhau lên mua đất, xây nhà, dựng tường rào ngăn cách. Nó làm xáo trộn cuộc sống của cộng đồng người Mường, người Dao ở đây, biến dạng cảnh quan thiên nhiên ở đây khiến cho nhiều du khách quay lưng lại với du lịch Ba Vì. Đó là bài học mà Hà Nội cần phải rút ra để khắc phục những ảnh hưởng xấu đến du lịch nông thôn cũng như định hướng phát triển nó một cách dài hơi trong tương lai.  

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.