Khởi động sáng kiến Một sức khỏe. Chuẩn hóa điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Bất thường thời gian thông quan xuất khẩu tôm vào Úc. Xuất khẩu cá ngừ sang Pháp tăng 203%.
KHỞI ĐỘNG SÁNG KIẾN MỘT SỨC KHỎE
Sáng 3/8, Phát biểu khai mạc Hội thảo tham vấn sáng kiến mới của CGIAR ‘Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe’, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã cho thấy rõ nét hơn tính liên kết giữa con người, động vật và môi trường, đòi hỏi chúng ta phải xác định và hoàn thiện các chiến lược phối hợp liên ngành giữa nông nghiệp, y tế và môi trường.
Thứ trưởng cho rằng, sáng kiến Một sức khỏe của CGIAR và dự án ICT4Health sẽ giúp các bên liên quán hiểu rõ hơn về thực trạng bệnh truyền nhiễm từ động vật, kháng kháng sinh và an toàn thực phẩm ở Việt Nam, mạng lại các giải pháp không chỉ cho Việt Nam mà còn cho toàn cầu.
Theo Tiến Sỹ James Wilson Smith - Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế, Sáng kiến 'Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe' của CGIAR và dự án 'Cải thiện sức khỏe con người thông qua chuỗi giá trị bền vững trong tương tác giữa con người - động vật - môi trường bằng cách sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam.
Nhân dịp này, lãnh đạo Bộ NN&PTN trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn" ghi nhận sự đóng góp của Tiến Sỹ James Wilson Smith và TS. Nguyễn Việt Hùng - Trưởng Đại diện Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế tại Việt Nam từ năm 2014 đến 2020.
CHUẨN HOÁ ĐIỂM ĐẾN VÀ SẢN PHẨM DU LỊCH NÔNG THÔN
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Một trong các nhiệm vụ của Chương trình là nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, định hướng, bố trí và tổ chức không gian lãnh thổ các khu du lịch, điểm du lịch nông thôn phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương.
BẤT THƯỜNG THỜI GIAN THÔNG QUAN XUẤT KHẨU TÔM VÀO ÚC
Theo bà Liêu Kim Thuý, Phụ trách nhóm bán hàng thị trường Úc, New Zealand của Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú, đơn vị xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, doanh số xuất khẩu tôm của đơn vị này vào thị trường Úc tăng trưởng rất tốt.
Tuy nhiên, do phía Úc thiếu hụt nhân sự nên doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong vấn đề thông quan. “Nhiều container hàng của Minh Phú sang Úc phải nằm chờ 6-7 tuần để được tháo dỡ thông quan”.
Vì chậm thông quan nên doanh nghiệp buộc phải lưu kho với chi phí rất lớn, chiếm 10% trị giá lô hàng. Do đó, doanh nghiệp mong muốn Tổng lãnh sự Úc tại TPHCM góp ý với các cơ quan chức năng để sớm tháo gỡ khó khăn nhằm giúp các lô hàng có thể thông quan sớm hơn
Liên quan kiến nghị nêu trên, bà Sarah Hooper, Tổng lãnh sự Úc tại TPHCM cam kết, sẽ phản ánh đến các cơ quan của Úc để giúp dòng lưu thông hàng hoá giữa Việt Nam và Úc được thuận lợi, thông suốt.
XUẤT KHẨU CÁ NGỪ SANG PHÁP TĂNG 203%
Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang Pháp đạt gần 3 triệu USD, tăng 203% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, thịt cá ngừ đông lạnh vẫn là mặt hàng chủ lực, chiếm 63% tổng giá trị xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam - VASEP, Việt Nam hiện đang là thị trường cung cấp cá ngừ lớn thứ 14 cho Pháp trong số các nguồn cung ngoài khối EU.
Việc các nước EU mở cửa đón khách du lịch trở lại và gia tăng nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ đóng hộp cỡ lớn phục vụ cho chuỗi dịch vụ thực phẩm, nhà hàng… đã giúp khôi phục nhập khẩu cá ngừ trong 6 tháng đầu năm nay tại Pháp nói riêng và thị trường EU nói chung.