Cụ thể, sau 80 năm thực dân Pháp chiếm đóng, nước Việt Nam cái gì cũng kém cỏi. Đất nước vừa giành được độc lập, thì đã đứng trước nguy cơ thù trong giặc ngoài. Từ vĩ tuyến 16 vào Nam, quân Anh thay mặt Đồng Minh vào giải giáp vũ khí của quân đội phát xít Nhật Bản, đã cho quân Pháp núp bóng, nổ súng tấn công vào đoàn mít tinh của nhân dân Nam Bộ ngày 23/9/1945. Từ vĩ tuyến 16 ra Bắc, quân đội Tưởng Giới Thạch dung túng cho các đảng phái đối lập chống lại Chính phủ Lâm thời.
Muốn giữ vững nền độc lập vừa giành được sau hơn 80 năm nô lệ, cần phải kiến quốc. Hồ Chủ tịch viết: “Kiến quốc có chắc thành công thì kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết thì phải có nhân tài”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều. Cần nhất lúc đó là kiến thiết: Kiến thiết ngoại giao – Kiến thiết kinh tế – Kiến thiết quân sự – Kiến thiết giáo dục.
“Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì sẽ thực hành”.
Hồ Chủ tịch đề nghị Hội đồng Chính phủ cử một Ban Cố vấn 10 người cho Chủ tịch nước. Trước mắt, Hồ Chủ tịch mới nhắm được 6 vị, đệ trình với Hội đồng Chính phủ. 6 vị đó là: Cụ Bùi Bằng Đoàn nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp triều Nguyễn, Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, Giáo sĩ Lê Hữu Từ, nhà tư sản Ngô Tử Hạ, cụ Phó bảng Bùi Kỷ, cụ Lê Tại. Còn thiếu 4 vị nữa, Hồ Chủ tịch xin bổ khuyết tiếp.
Tiếp đó, Hồ Chủ tịch lại công bố văn bản “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu Quốc năm 1946: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.
Nay muốn sửa điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.
Để chọn lựa nhân tài và sử dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngại ngần mời cả những người không đảng phái (cụ Huỳnh Thúc Kháng, luật sư Phan Anh, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên) hoặc những người đối lập (Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh) tham gia Chính phủ Liên hiệp.
Lên non kháng chiến, Chính phủ lại mời các nhân sĩ trí thức tham gia Chính phủ. Hồ Chủ tịch cho người tin cẩn về Đường Lâm đón cụ Phan Kế Toại, cựu Khâm sai đại thần triều Nguyễn lên Việt Bắc để làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Hồ Chủ tịch lại đón cụ Vi Văn Định tham gia Mặt trận Liên Việt. Trước đó, trong chuyến sang thăm hữu nghị nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn 4 trí thức trẻ Phạm Quang Lễ (kỹ sư Trần Đại Nghĩa), bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Quí Huân, và kỹ sư Võ Đình Quỳnh về nước tham gia kháng chiến. Những bậc hiền tài của đất nước đã tham gia kháng chiến cho đến ngày thắng lợi, đất nước hoàn toàn thống nhất.
Một điều đáng chú ý nữa đó là, Hồ Chí Minh chọn người tài đức vẹn toàn, nghĩa là phải đủ cả hai yếu tố vẹn tài và vẹn đức. Điều này, chính Người cũng đã nói: "Có tài không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó".