Ông Nguyễn Đức Thả, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi ong nội rừng Kinh Môn cho biết, năm nay, do thời tiết bất thuận, hoa vải, nhãn và nhiều loại hoa ở rừng An Phụ nở ít nên sản lượng mật ong của các thành viên hợp tác xã bị ảnh hưởng.
Hiện chỉ có khoảng 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn thu được mật vụ xuân, những hộ nuôi còn lại chỉ thu được lượng mật đủ để dưỡng ong. Sản lượng của các hộ này chỉ đạt 50 - 60% so với năm trước.
Vụ mật xuân bắt đầu từ cuối tháng giêng đến giữa tháng 4. Cứ khoảng 7 - 9 ngày cho thu 1 đợt. Trung bình trong vụ xuân, các hộ nuôi ong thu khoảng 8 đợt, mỗi tổ đạt gần 2 lít mật/lần thu.
Theo Baohaiduong.vn, để duy trì đàn ong và chuẩn bị cho vụ lấy mật ong hè thu, các hộ trong Hợp tác xã Nuôi ong nội rừng Kinh Môn đã liên hệ với chủ các vườn trồng nhãn, vải ở Thanh Hà, Chí Linh và huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh để di chuyển đàn ong đến đặt tại các vườn này. Thực hiện vệ sinh khử trùng tổ nuôi để sau khi kết thúc vụ mật xuân sẽ đưa ong về.
Còn tại tỉnh Hưng Yên, xã Hàm Tử là địa phương có diện tích trồng nhãn lớn của huyện Khoái Châu với hơn 100 ha, trong đó chủ yếu là các giống: Miền Thiết, siêu ngọt, T6... ông Nguyễn Văn Thế, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm nay, tỷ lệ nhãn ra hoa của xã đạt khoảng 60%.
"Thời điểm này khi cây bắt đầu nở hoa, đậu quả, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền người dân về các biện pháp kỹ thuật chăm sóc nhãn như: Hạn chế độ ẩm của đất, phun các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép để phòng, trừ các loại sâu, bệnh hại", ông Thế nói.
Bà Nguyễn Thị Thu, Quyền Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có hơn 4,8 nghìn ha nhãn, tập trung ở thành phố Hưng Yên và các huyện: Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động… Năm nay, do thời tiết, đến thời điểm này, tỷ lệ cây ra hoa đạt khoảng 70% diện tích, thấp hơn so với năm trước.