Hà Tĩnh có diện tích vùng đồi núi chiếm khá lớn, hiện có hơn 276.000ha rừng, gồm gần 200.00ha rừng tự nhiên và hơn 76.150ha rừng trồng, độ che phủ rừng đạt 45%. Ngoài ra, Hà Tĩnh còn có khoảng 10.000ha cây ăn quả các loại. Đây là những điều kiện thuận lợi giúp nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn Hà Tĩnh đã và đang phát triển nhanh về cả chất lượng và số lượng.
Đến nay, Hà Tĩnh đã hình thành nhiều vùng nuôi ong quy mô lớn ở một số huyện như Vũ Quang, Hương Khê, vùng Trà Sơn của huyện Can Lộc và vùng thượng huyện Kỳ Anh... Tính đến cuối năm 2022, tổng đàn ong toàn tỉnh đạt khoảng 40.410 đàn với gần 4.000 hộ nuôi, chủ yếu các hộ nuôi từ 5 - 10 đàn, có hộ nuôi 30 - 40 đàn, 100 đàn. Năng suất mật ong ở Hà Tĩnh trung bình đạt 8 - 9 lít/đàn/năm. Tổng sản lượng mật năm 2022 ước đạt 405 tấn.
Tuy nhiên, nuôi ong tại các địa phương Hà Tĩnh vẫn còn mang tính truyền thống, nguồn ong giống được nuôi chủ yếu là ong tự nhiên. Người nuôi chưa nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi ong dẫn đến sản lượng mật thấp, xảy ra hiện tượng ong bốc bay thường xuyên.
Sản phẩm mật chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, còn manh mún, chưa hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Quá trình sơ chế, bảo quản sản phẩm mật ong chưa được quan tâm, giá mật không ổn định. Mùa đông khan hiếm mật có giá từ 150.000 - 200.000 đồng/lít, vào vụ thu hoạch mật giá lại rẻ hơn rất nhiều (từ 120.000 - 150.000 đồng/lít).
Ở các địa phương trong tỉnh đã hình thành một số tổ hợp tác nuôi ong nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm còn hạn chế...
Nhằm phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật và khai thác hết tiềm năng, lợi thế ở các địa phương của tỉnh, năm 2023, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình hợp tác xã nuôi ong và xây dựng sản phẩm OCOP” tại xã Sơn Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) với quy mô 500 đàn ong và 10 hộ tham gia nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học - công nghệ phát triển nghề nuôi ong và chế biến sản phẩm mật ong, góp phần hình thành chuổi sản xuất hàng hóa, mang lại lợi ích về kinh tế - xã hội, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Tham dự dự án, 10 hộ là thành viên của HTX Tâm An (thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc) được hỗ trợ 500 đàn ong giống Apis cerana, cùng với các vật tư phục vụ nuôi và khai thác mật, đồng thời được tham gia tập huấn về các kỹ thuật tốt cho nuôi ong lấy mật như chăm sóc, phòng trừ bệnh hại, cách khai thác, bảo quản mật ong và tạo chúa, nhân đàn…. Quá trình tham gia dự án, các hộ cũng được hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất, quy trình xây dựng, hoạt động của HTX và xây dựng sản phẩm OCOP.
Với cách nuôi ong truyền thống trước đây, nguồn ong giống thường được bẫy từ tự nhiên, nuôi không theo quy trình kỹ thuật (ong thường bốc bay và năng suất mật thấp, chỉ đạt 1,2 - 1,6kg/đợt/đàn). Khi tham gia dự án, các hộ được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn trực tiếp tại vườn và được hỗ trợ nguồn ong giống đảm bảo chất lượng.
Nhờ tuân thủ thực hiện theo quy trình dự án hướng dẫn, đàn ong ở các hộ phát triển tốt, có tính ổn định đàn cao, từ tháng 6 năm 2023 đến nay đã khai thác được 5 đợt mật với năng suất mật đạt trung bình 2 -2,4kg/đợt/đàn. Đồng thời, các hộ dân được hoạt động sản xuất trong môi trường HTX theo hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm mật của các thành viên đã được đóng chai, có nhãn mác, thương hiệu nên giá bán được nâng cao và ổn định (220.000 – 250.000đ/lít).
Qua kiểm tra, đánh giá tại Hà Tĩnh vừa qua, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã ghi nhận và đánh giá cao công tác triển khai mô hình đảm bảo tiến độ, các hộ tham gia đều được tập huấn, hướng dẫn chuyển giao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, từ đó góp phần thay đổi ý thức, nhận thức của người dân. Ông Thanh cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục theo dõi, đánh giá kết quả, nhân rộng các mô hình dự án trong thời gian tới.
Bên cạnh giá trị kinh tế từ mật, nghề nuôi ong mật đang mang lại rất nhiều hiệu quả về môi trường sinh thái. Việc nuôi ong giúp thụ phấn cho cây trồng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật. Con ong rất nhạy cảm với điều kiện môi trường, đặc biệt là khói bụi và các hóa chất. Vì vậy các thành viên HTX và người dân đã ý thức cao trong việc thu gom và xử lý rác thải, giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV trong quá trình sản xuất.
Dự án đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân vùng ven rừng, vùng vườn đồi. Thông qua các hoạt động của dự án như tập huấn, tham quan hội thảo, giám sát kỹ thuật chăn nuôi ong, đã có tác động lớn làm thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ của người dân địa phương trong công tác chọn giống, địa điểm nuôi, kỹ thuật nuôi dưỡng và khai thác sản phẩm để tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn.