| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 25/04/2012 , 10:18 (GMT+7)

10:18 - 25/04/2012

Nhanh và chậm

Điệp khúc: “báo lỗ - xin tăng - đồng ý ngay” xem ra quá quen thuộc với dư luận trong việc điều hành giá xăng dầu của liên Bộ Công thương – Tài chính...

I. Điệp khúc: “báo lỗ - xin tăng - đồng ý ngay” xem ra quá quen thuộc với dư luận trong việc điều hành giá xăng dầu của liên Bộ Công thương – Tài chính. Điều này đã buộc người tiêu dùng Việt Nam phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà chấp nhận vì không thể sống thiếu những mặt hàng thiết yếu đó.


Ảnh minh họa

Nhưng, người tiêu dùng chỉ khó lý giải ở chỗ, từ động thái báo lỗ của các DN đầu mối NK xăng dầu, tuyên bố của liên Bộ là “đang cân nhắc, xem xét” đến việc đột ngột tăng giá sao mà nó chóng vánh đến, nhanh gọn đến thế. Giá mà các cơ quan quản lý Nhà nước nào cũng quyết đoán, giải quyết công việc và khúc mắc của dân theo cách thế này thì tốt biết bao nhiêu.

Có người vì bức xúc quá đã phải thốt lên rằng: “Mới 1, 2 ngày nói “còn cân nhắc, xem xét, vậy mà đã thấy xăng tăng giá... Chóng mặt quá! Mệt quá!...”; “Trong khi đó theo các nguồn tin mà báo chí cung cấp, thì giá dầu thô thế giới đang xuống và các nước khác cũng đang giảm giá. Rồi còn thông tin kêu là có lãi khi chưa tính chi phí quản lý nữa… Các ông làm ăn mà lúc nào cũng chỉ muốn lãi thôi ư? Làm ăn phải chấp nhận có lúc lỗ, lúc lãi chứ. Các ông làm việc kiểu quyền trong tay nên muốn làm gì thì làm, mặc kệ dân tình chúng tôi không biết xoay sở ra sao….Thật sự càng ngày chúng tôi càng mất niềm tin vào các ông rồi đấy...”.

Còn theo một nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, xăng dầu tăng giá 1 đồng thì người nghèo sẽ thiệt hại 2 đồng, vì cơ cấu chi tiêu của họ phụ thuộc quá nhiều vào giá của nguyên liệu đầu vào này và các hàng hóa ăn theo khác.

Cân nhắc tăng giá xăng: Nhanh quá!

II. Sau nhiều năm thiếu đường, phải NK, đến năm nay, bỗng dưng lượng đường trong nước tồn kho lớn, khoảng gần 400 nghìn tấn. Nguyên nhân được lý giải là do thời tiết thuận lợi, diện tích trồng mía tăng nên sản lượng cũng tăng theo.

Theo HH Mía đường, với mức giá khoảng 16 triệu đồng/tấn thì số vốn đang tồn đọng và gánh chịu lãi suất của ngành đường ước trên 5 nghìn tỷ đồng. Để có vốn sản xuất, các nhà máy đã phải liên tục giảm giá bán đường từ 18.000 đ/kg xuống còn 15.500 đ/kg nhưng thị trường trong nước vẫn tiêu thụ chậm. Bằng cách này hay cách khác các DN phải XK sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ hoặc qua đường mòn.

Tại sao lại như vậy? Xin được trả lời ngay, HH Mía đường và các DN từ lâu đã có công văn đề nghị cho XK chính ngạch, vừa đảm bảo quản lý lượng đường XK, vừa được giá. Nhưng Bộ Công thương cứ lần lữa mãi, chưa cho phép.

Một quan chức ngành nông nghiệp đã phải thốt lên rằng, thị trường hàng hóa luôn hoạt động theo nguyên tắc “bình thông nhau”, nhưng nay thị trường đường trong nước đóng băng, thị trường XK lại bị hạn chế, tức là DN mía đường không có đầu ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn hộ dân trồng mía đang đứng trước nguy cơ ế mía, không bán được. Và niêu cơm của họ cũng có thể sẽ vơi đi phần nào…

Cân nhắc cho hay không cho XK đường: Quá chậm!

Bề nào thì hàng chục hộ dân trồng mía nói riêng và gần 90 triệu dân Việt Nam nói chung vẫn chịu thiệt.