Liên tiếp trong 2 vụ lúa ĐX 2013-2014 và HT 2014, nhiều nông dân đã mua phân, thuốc trọn gói theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Cty về sử dụng nhưng kết quả lại không như mong muốn.
Tiền mất, lúa thất
Trong vụ HT 2014, anh Nguyễn Út Nhỏ, ở ấp Hòa B, xã Hòa Lợi (Giồng Riềng, Kiên Giang) đã mua và sử dụng sản phẩm của Cty TNHH Hóa nông Lúa Vàng (Cty Lúa Vàng, trụ sở tại TP. HCM) để sử dụng nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra, ruộng lúa bị thiệt hại nghiêm trọng.
Anh Út Nhỏ tâm sự: “Qua hội thảo tổ chức tại đại lý gần nhà nên tôi biết đến các sản phẩm của Cty Lúa Vàng và trở thành “nông dân trình diễn” của Cty. Vì là ruộng trình diễn nên tôi được cán bộ của Cty hướng dẫn rất kỹ, thế nhưng thiệt hại vẫn xảy ra, năng suất giảm 30%”.
Theo anh Út Nhỏ, vụ HT 2014 anh đã mua một số sản phẩm của Cty Lúa Vàng về sử dụng cho lúa, trong đó có thuốc trừ sâu Sulfaron 250EC trên diện tích 2,6 ha. Đây là loại thuốc được Cty giới thiệu “Diệt sâu cuốn lá tốt nhất hiện nay. Phòng trị nhện gié và sâu đục thân”.
Anh Út Nhỏ đã phun đủ 3 lần trên vụ lúa (vào thời điểm lúa được 35, 45 và 54 ngày) theo khuyến cáo để phòng trừ nhện gié nhưng ruộng vẫn bị thiệt hại. Kết quả xác minh của Chi cục BVTV Kiên Giang cho thấy, hai bên bờ ruộng vào khoảng 4 m, tỷ lệ lúa bị nám bẹ là 100%, còn bên trong tỷ lệ này là 60%. Mức độ thiệt hại đến năng suất là 30%.
Chi cục BVTV Kiên Giang cũng kết luận chủ ruộng đã sử dụng “đúng thuốc đặc trị nhện gié”, “đúng lúc”, “đúng liều lượng và lượng nước cần phun”. Tuy nhiên, chủ ruộng chỉ phun sương trên lá lúa, không phun vào phần bẹ lá lúa - nơi nhện trú ẩn nên hiệu quả kém. Tức là chủ ruộng đã sử dụng không đúng cách. Dựa vào kết luận này, Cty đã từ chối bồi thường thiệt hại cho nông dân.
Anh Út Nhỏ bức xúc: “Tôi pha 2 gói Sulfaron (15 ml/gói)/bình 25 lít, phun 2 bình/công (1.296 m2) và phun bằng bình máy, áp lực phun rất mạnh thì không thể nói là phun sương trên lá lúa được. Hơn nữa, cũng phương pháp phun này nhưng tại sao những diện tích sử dụng thuốc của Cty khác lại không bị thiệt hại?”.
Cận cảnh tấm biển quảng cáo sản phẩm
Một số hộ khác trong xã Hòa Lợi cũng bị thiệt hại tương tự. Ông Bảy Thắng (Trần Văn Thắng) ở ấp Hòa Hiệp có hơn 10 ha ruộng lúa, trong đó có 2,6 ha vụ HT 2014 sử dụng thuốc của Cty Lúa Vàng bị thiệt hại năng suất đến 60%.
Ông Bảy Thắng buồn rầu: “Đi dự hội thảo nghe giới thiệu về thuốc trừ bệnh thế hệ mới CureGold & Physan hay quá nên tôi đã mua về sử dụng. Dù đã làm đúng theo khuyến cáo của cán bộ Cty nhưng ruộng vẫn bị bệnh đạo ôn cổ bông rất nặng. Cty có cho người xuống kiểm tra nhưng đến giờ cũng chẳng thấy họ bồi thường gì”.
Loại thuốc mà ông Bảy Thắng sử dụng được Cty giới thiệu nghe rất “kêu”: Sản phẩm đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam “đặc trị 6 bệnh và 3 dưỡng”. Vừa là thuốc trừ nấm bệnh, vừa là thuốc trị vi khuẩn, vừa là thuốc kích thích sinh trưởng. Tin vào những lời giới thiệu này mà gia đình ông Bảy Thắng đã bị thiệt hại.
Ông Bảy Thắng, anh Út Nhỏ chỉ là một trong rất nhiều hộ nông dân đã tin vào lời giới thiệu của nhân viên các Cty kinh doanh phân bón, thuốc BVTV để rồi “tiền mất, lúa thất”.
Trái quy định?
TS. Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Kiên Giang, cho biết, theo quy định, Cty chỉ được đăng ký thuốc BVTV riêng, chất kích thích sinh trưởng riêng, phân bón lá riêng, không được đăng ký chung trong cùng một sản phẩm. Cùng một hoạt chất nhưng có thể đăng ký là thuốc hoặc là chất kích thích sinh trưởng, nhưng không được gộp chung.
Chẳng hạn thuốc trộn giống để phòng trừ một số loài sâu rầy gây hại ban đầu nhưng nhà SX lại giới thiệu thêm các tính năng như làm cho mầm khỏe, ra rễ nhanh… là sai. Hay như thuốc trị bệnh mà giới thiệu thêm tính năng xanh lá, đứng lá… là trái với quy định. Thuốc trừ rầy nâu mà giới thiệu phòng trị bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá là không được, mặc dù rầy nâu là vật trung gian truyền bệnh.
Thế nhưng không hiểu sao Cty Lúa Vàng vẫn có thể đăng ký và lưu hành rộng rãi sản phẩm CureGold & Physan với tính năng 9 trong 1.
CureGold & Physan được giới thiệu là đặc trị bệnh và vi khuẩn với 6 loại bệnh quan trọng trên lúa là: đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, đốm vằn, vàng lá, cháy bìa lá, thối hạt gây lép vàng; còn 3 dưỡng là: dưỡng lá, dưỡng cây, dưỡng hạt. Liệu sản phẩm được giới thiệu như vậy có trái với quy định của Cục BVTV?
Hậu Giang: Phát hiện nhiều mẫu phân, thuốc giả Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở NN-PTNT Hậu Giang đã tiến hành 4 cuộc thanh tra với 274 cơ sở kinh doanh VTNN, qua đó đã phát hiện 14 trường hợp vi phạm. Đoàn Thanh tra cũng đã lấy mẫu các loại phân, thuốc BVTV gửi đi xét nghiệm, kết quả có 5 mẫu là hàng giả, trong đó có 4 mẫu thuốc BVTV, 1 mẫu phân bón; 3 mẫu phân, thuốc không đạt tiêu chuẩn so với chất lượng công bố. Đoàn Thanh tra đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở bán phân, thuốc giả và tịch thu sản phẩm để tiêu hủy. Riêng các mẫu không đạt tiêu chuẩn thì buộc các Cty thu hồi để tái chế lại cho đạt chất lượng. Hiện tại, đơn vị đang tiến hành lồng ghép thanh tra, kiểm tra diện rộng về kinh doanh VTNN để đảm bảo chất lượng, tránh gây thiệt hại cho nông dân. |