Ngày 9/4, một nhóm nghiên cứu của Viện Y học Nhiệt đới (ITM) thuộc Đại học Nagasaki, Nhật Bản thông báo họ đã tìm ra một phương pháp xét nghiệm virus Ebola tại chỗ cho kết quả chỉ sau hơn 11 phút, rút ngắn rất nhiều so với các xét nghiệm kéo dài 90 phút như hiện nay.
Phương pháp này đã được thử nghiệm đối với 100 mẫu phẩm tại Guinea hồi tháng trước, trong đó 47 mẫu cho kết quả dương tính với Ebola. Giáo sư Jiro Yasuda cho biết, kết quả xét nghiệm nhanh đến không ngờ.
Phương pháp xét nghiệm này dựa trên cái mà các nhà nghiên cứu gọi là “chất mồi”, một chất khuếch đại chỉ những gen đặc thù của virus Ebola được tìm thấy trong một mẫu máu hoặc dịch thể khác.
Áp dụng các kỹ thuật hiện nay, nhóm nghiên cứu đã chiết xuất acid ribonucleic (RNA) – các phân tử sinh học dùng trong việc mã hóa gen – từ bất kỳ virus nào có trong một mẫu máu.
Việc này giúp tổng hợp nên ADN đặc thù để có thể trộn lẫn với chất mồi, sau đó tất cả được hâm nóng lên ở nhiệt độ 60-65 độ C.
Nếu có virus Ebola trong mẫu máu, ADN đặc thù của virus sẽ được nhận diện thông qua hoạt động của chất mồi, do kết quả phụ từ quá trình này tạo ra chất lỏng vẩn đục mà các bác sĩ có thể nhìn bằng mắt thường.
Hiện phương pháp phản ứng chuỗi polymerase hay PCR, được sử dụng để phát hiện virus Ebola. Phương pháp này đòi hỏi các bác sĩ phải hâm nóng và làm lạnh nhiều lần các mẫu phẩm và mất ít nhất 90 phút, thậm chí đến 2 giờ, mới cho kết quả trong phòng thí nghiệm.
Là bệnh lây truyền thông qua tiếp xúc với dịch tiết cơ thể người bị bệnh, Ebola đã cướp đi sinh mạng của 10.000 người ở Tây Phi kể từ khi xuất hiện trở lại vào tháng 12/2013. Hiện Chính phủ Guinea đề nghị phía Nhật Bản cung cấp thiết bị này để thực hiện các xét nghiệm trên quy mô lớn.