"Anh biết rồi sẽ phải xa em
Vì một lẽ giản đơn em nhỉ
Tổ quốc cần anh người chiến sĩ
Giải phóng quân chiến đấu vì dân
Lúc này, Đảng, Tổ quốc đang cần
Thì em ạ! Tình riêng đành đôi ngả..."
Một đoạn trong trang viết có tên “Xa em” của chiến sỹ Cao Văn Tuất.
Cựu binh Mỹ Peter Mathews đang lưu giữ, muốn trao trả cuốn nhật ký cho liệt sỹ Cao Văn Tuất, ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Mới đây, ông Trần Nhật Tân, Uỷ viên BTV TU, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã liên hệ với bạn Đặng Huyền và nhờ đến tận nhà người cựu binh để chụp và gửi đầy đủ 104 trang nhật ký (không phải 93 trang như thông tin trước đó) để phục vụ việc xác minh thông tin kỹ càng hơn nhằm đưa ra phương án trao trả nhanh nhất, hợp lý nhất cuốn nhật ký cho thân nhân liệt sỹ.
Lật dở từng trang viết tay cho thấy, liệt sỹ Cao Văn Tuất bắt đầu ghi nhật ký vào ngày 20/7/1966. Anh là một người lính trẻ sôi nổi, yêu đời, yêu thơ ca, nhạc họa; sống đầy lý tưởng, kiên định tinh thần chiến đấu vì tổ quốc.
Xuất hiện nhiều nhất trong cuốn nhật ký là những bài thơ nổi tiếng của các nhà thơ có tên tuổi như: Việt Bắc, người con gái Việt Nam, Trên đường Thiên lý, Ta đi tới (của nhà thơ Tố Hữu), Quê hương (Giang Nam); Nhớ con sông quê hương (Tế Hanh)… Những bài hát đi cùng năm tháng có chủ đề về quê hương, đất nước với khí thế sục sôi cũng được liệt sỹ Cao Văn Tuất chép tay đầy trang trọng và được trang trí đẹp mắt.
“Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi/Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời/Nghe sóng vỗ dạt dào biển cả/Vút phi lao gió thổi trên bờ;..." - đây là trích đoạn liệt sỹ Tuất chép lại lời quen thuộc trong bài hát “Việt Nam quê hương tôi” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, sáng tác khoảng năm 1961.
Viết về mẹ, chàng lính trẻ luôn đong đầy cảm xúc: “Mẹ ơi lòng con như sóng dâng cao, như dòng phi lao góp gió, vì quê mình đấu tranh cho 2 miền thống nhất yên vui mẹ ơi... Mẹ ơi miền Nam sóng gió hôm nay, như ngày mai đây mây đan trời trong sáng, như hai miền với nhịp cầu Hiền Lương, mẹ con sẽ đoàn viên xóa hết buồn và thương”. “Đêm giao thừa lòng con nhớ mẹ/ Trời đã khuya gió nhẹ từng cơn...”- những lời tâm sự liệt sỹ Tuất viết cho mẹ vào ngày 24/11/1966.
Hay những dòng cảm xúc nhớ thương gửi người “em” đặc biệt: “Anh biết rồi sẽ phải xa em/Vì một lẽ giản đơn em nhỉ/ Tổ quốc cần anh người chiến sĩ/Giải phóng quân chiến đấu vì dân/Lúc này, Đảng, Tổ quốc đang cần/Thì em ạ! Tình riêng đành đôi ngả...”, một đoạn trong trang viết có tên “Xa em”.
“Đôi ta chung hẹn lời thề/Ngày mai thống nhất anh về gặp em…”. “Anh sẽ luôn trau dồi công tác, luyện tập cầm chắc tay súng…”; “Ngày mai hết chuyện chiến tranh/ Bắc Nam thống nhất thì anh trở về”, trích một số trang viết trong cuốn nhật ký.
Ngoài những trang viết về thơ, ca, về gia đình, nhiều hình vẽ đi kèm những khẩu hiệu, phương châm, lý tưởng sống, tình yêu quê hương đất nước cũng được liệt sỹ Cao Văn Tuất phác họa rất mộc mạc, giản dị, chân thực: “Đảng là mẹ hiền, Tổ quốc trên hết, Thanh niên anh dũng tiến lên” hay “Tổ quốc hòa bình, Gia đình hạnh phúc”...
Lời dạy của Bác Hồ với quân đội cũng được người lính viết lại: “Trung với Đảng, hiếu với Dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, rồi tự nhắc nhở mình bằng việc viết ra 5 chỉ tiêu đoàn viên tiên tiến (5 tốt) để phấn đấu, rèn luyện.
Chiến trường ác liệt, nhiều lúc cận kề ranh giới sinh tử nhưng người chiến sỹ trẻ Cao Văn Tuất vẫn lạc quan, yêu đời và tự tin hướng tới tương lai hòa bình, thống nhất. Anh đã sẵn sàng tạm gác lại tình yêu đôi lứa, nguyện “đi gìn giữ bầu trời tự do, giải phóng quê hương”.
Cuốn nhật ký còn bỏ ngỏ nhưng ý chí, lý tưởng của người chiến sỹ cộng sản Cao Văn Tuất vẫn còn sống mãi với thời gian. Mong rằng những bút tích của người lính sẽ sớm đưa về với thân nhân liệt sỹ, phần nào xoa dịu nỗi đau chiến tranh hơn nửa thế kỷ qua.
Hình ảnh Đặng Huyền từ New York.