Liệt sỹ Cao Văn Tuất và Cao Xuân Tuất là một
Những ngày gần đây, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh nói chung, đặc biệt là những người lính từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên cách đây hơn 50 năm về trước nói riêng đặc biệt quan tâm đến thông tin một cựu binh người Mỹ muốn trao trả cuốn nhật ký mà ông cất giữ hơn 5 thập kỷ qua cho chủ nhân của nó.
Quay trở lại ngày 29/1, nhiều tờ báo trong nước dịch lại bài viết đăng trên tờ báo North Jersey (Mỹ), kể về câu chuyện cựu binh Peter Mathews đang lưu giữ và muốn tìm, trao trả cuốn nhật ký cho chủ nhân mang tên Cao Xuân Tuất, có địa chỉ ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh và chính quyền huyện Kỳ Anh nhanh chóng vào cuộc, chỉ đạo, vận dụng các mối quan hệ cá nhân, tìm cách kết nối, liên hệ với cựu binh Peter Mathews, mong muốn được cung cấp đầy đủ 93 trang nhật ký để nắm thêm manh mối.
Qua kết nối từ một nữ phóng viên nước ngoài, ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã liên hệ được với ông Peter Mathews. Hai bên đã gửi cho nhau hàng chục email trao đổi. Đến hơn 21h ngày 31/1 (giờ Việt Nam), ông Mathews đã gửi hình ảnh một số trang trong cuốn nhật ký thể hiện khá chi tiết về địa chỉ và gợi nhắc đến họ tên một số người.
Đó là: "Cao Xuan Tuat, xóm Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, hòm thư 21222 Gm, phi trường 10". Ở một trang khác là các dòng chữ viết về những người thân của người lính Việt Nam, có ký hiệu "C - Cao Xuân Kế, M - Lê Thị Vỹ, chị - Diếu".
Từ những thông tin quan trọng này, ngành chức năng Hà Tĩnh đã trích lục hàng trăm hồ sơ cựu chiến binh, liệt sỹ để đối chiếu. Kết quả rà soát của Sở LĐ-TB&XH cho thấy 36 liệt sỹ quê Kỳ Anh có họ Cao và 9 liệt sỹ quê Kỳ Anh có tên Tuất. Trong số này, có một người giống cả họ và tên, chỉ khác tên đệm Văn và Xuân. Liệt sỹ tên Cao Văn Tuất, trú xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh.
Ngoài ra, tên những người được nhắc trong nhật ký giống với kết quả rà soát bản trích lục về thân nhân của liệt sỹ Cao Văn Tuất. Cụ thể, liệt sỹ Cao Văn Tuất có bố Cao Văn Kế (đã mất), mẹ Lê Thị Vỹ (đã mất) và 3 người chị gái Cao Thị Diếu, Cao Thị Nồng và Cao Thị Nành (đã mất).
Chiều 1/2, đoàn công tác của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và đại diện UBND huyện Kỳ Anh tiếp tục về gặp thân nhân liệt sỹ Cao Văn Tuất, tại thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân.
Ông Trần Nhật Tân cho biết, việc thờ tự liệt sỹ Tuất trong nhiều năm qua do ông Hà Huy Mỳ, con trai bà Cao Thị Diếu (chị gái đầu của liệt sỹ Cao Văn Tuất) chăm lo. Khi thấy đoàn công tác đến tìm hiểu thông tin về cậu mình, ông Mỳ cùng người thân trong gia đình bật khóc. Nhiều năm qua, gia đình đã mong mỏi, nỗ lực tìm phần mộ của liệt sỹ Tuất nhưng chưa thành.
Ông Mỳ nói, theo lời kể của bố mẹ ông, liệt sỹ Cao Văn Tuất sinh năm 1942. Năm 1963, ông Tuất đi bộ đội, đến năm 1972, gia đình nhận được giấy báo tử.
Ông Mỳ cũng đã cung cấp cho đoàn công tác một cuốn sổ mà gia đình lâu nay đặt trên bàn thờ liệt sỹ Tuất thay cho di ảnh. Bên trong có ghi ngày hy sinh của ông Tuất là 10/12/1967. Mốc thời gian này cũng khá trùng khớp với thời điểm cựu binh Mỹ nhặt được cuốn nhật ký.
“Như vậy, giữa liệt sỹ Cao Văn Tuất và Cao Xuân Tuất có nhiều điều trùng khớp thông tin về bố mẹ, nơi cư trú, nơi chiến đấu. Chúng tôi đã liên hệ với một cựu chiến binh đi chiến đấu cùng thời với liệt sỹ Cao Văn Tuất. Ông ấy xác nhận nét chữ trong cuốn nhật ký là đúng của liệt sỹ Cao Văn Tuất”, một cán bộ trong đoàn nói.
Ngày 7/2, trao đổi với NNVN, lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Tĩnh xác nhận: “Qua báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh, cơ quan chức năng xác định liệt sỹ Cao Văn Tuất và Cao Xuân Tuất là một”.
Sẽ tạo điều kiện nếu cựu binh Mỹ trực tiếp sang Việt Nam trao trả nhật ký
Trong quá trình liên hệ, trao đổi thông tin giữa ngành chức năng Hà Tĩnh và cựu binh Peter Mathews, những giọt nước mắt của thân nhân liệt sỹ và ông Mathews đã rơi xuống. Đó là cảm xúc của những con người chứng kiến lịch sử và nỗi đau của chiến tranh.
Hiện nay, mong mỏi lớn nhất của thân nhân liệt sỹ Cao Văn Tuất là được tiếp nhận kỷ vật cuối cùng của người thân.
Cơ quan chức năng Hà Tĩnh cũng cho biết, nếu cựu binh Mỹ trực tiếp sang Việt Nam trao trả cuốn nhật ký, tỉnh Hà Tĩnh sẽ phối hợp tạo điều kiện.
“Chúng tôi rất trân trọng tấm lòng của người cựu binh Mỹ, dù đã hàng chục năm mà ông vẫn canh cánh nỗi niềm, tâm nguyện muốn trả lại nhật ký cho tác giả. Chúng tôi mong muốn ông sớm thực hiện được nguyện vọng của mình”, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nói.
Vị này cũng cho rằng, khi cuốn nhật ký tìm về với chủ nhân, nó sẽ là một minh chứng lịch sử, khắc họa rõ nét một thời chiến tranh, bão lửa của đất nước. Qua đó còn cho thấy lòng lạc quan, yêu đời của người lính trẻ, dù cận kề sống chết nhưng luôn có lý tưởng, trách nhiệm với quê hương, đất nước. Từ đó giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Peter Mathews (77 tuổi) là người gốc Hà Lan, đến Mỹ năm 1963. Ông sống ở Teaneck và làm những công việc lặt vặt trong khi chờ lấy thẻ xanh. Năm 1966, ông Mathews nhập ngũ vào quân đội Mỹ. Khi sang Việt Nam, Mathews là một xạ thủ súng máy. Sau 5 tháng, ông trở thành Tiểu đội trưởng ở Sư đoàn Kỵ binh số 1 của quân đội Mỹ.
Tháng 11/1967, ông Peter Mathews tìm thấy cuốn nhật ký trong một chiếc ba lô của bộ đội Việt Nam trong trận đánh Đăk Tô, Tây Nguyên. Các trang viết được trang trí bằng những hình vẽ hoa, phong cảnh vẽ rất công phu, đẹp mắt. Mathews không biết những dòng chữ viết tay trong đó có ý nghĩa gì, nhưng có vẻ như cuốn sổ này là một cuốn nhật ký cá nhân, không phải tài liệu quân sự. Vì vậy, ông đã nhét vào túi của mình và giữ nó.
Khi giải ngũ, trở về nhà ở tiểu bang New Jersey, ông Mathews kết hôn, lập gia đình và mở một doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng. Cuốn nhật ký nhỏ, dài 93 trang được ông đặt trong chiếc hộp trên gác mái nhà.
Khi quyết định tìm tác giả của cuốn nhật ký hoặc những người thân còn sống của người lính để trao trả, ông Mathews đã nhờ người dịch một số trang và biết được người lính phía bên kia chiến tuyến tên là Cao Xuân Tuất, có địa chỉ tại xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.