| Hotline: 0983.970.780

Nhiều chính sách tín dụng để nông nghiệp phục hồi sau bão số 3

Thứ Hai 11/11/2024 , 14:12 (GMT+7)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời câu hỏi chất vấn về các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp sau bão số 3.

Cơn bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nghiêm trọng về người và vật chất cho các địa phương phía Bắc. Ảnh: Tùng Đinh.

Cơn bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nghiêm trọng về người và vật chất cho các địa phương phía Bắc. Ảnh: Tùng Đinh.

Sáng 11/11, chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) khẳng định, cơn bão số 3 (Yagi) ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, nhiều cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại nặng nề.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thiệt hại về kinh tế do cơn bão số 3 gây ra ước tính trên 81.000 tỷ đồng, trong đó thiệt hại trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp gần 31.000 tỷ đồng, bằng 38% thiệt hại về kinh tế.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng có các chính sách hỗ trợ gì đối với các khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Trả lời đại biểu Ma Thị Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi cơn bão số 3 xảy ra và có tác động nghiêm trọng với doanh nghiệp cũng như người dân ở 26 tỉnh, thành phố, NHNN đã cử lãnh đạo của NHNN trực tiếp đi khảo sát ở tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh là hai tỉnh chịu sự tác động mạnh mẽ của cơn bão số 3 và xác định dư nợ của 2 tỉnh này chịu tác động của cơn bão số 3 là khoảng 12 nghìn tỷ đồng.

NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung quan tâm, rà soát các khách hàng vay vốn tại tổ chức mình để xác định mức độ thiệt hại các khoản dư nợ mà khách hàng và người dân đã vay tại ngân hàng. Theo đó, số dư nợ tín dụng của các khách hàng cá nhân bị thiệt hại khoảng 190 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo các quy định hiện hành. NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của cơn bão số 3.

Bên cạnh đó, mỗi tổ chức tín dụng cũng cân nhắc, xem xét của cân đối nguồn vốn mình để đưa ra các gói tín dụng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến nay đã có 35 tổ chức tín dụng công bố với tổng giá trị gói tín dụng là 405 nghìn tỷ đồng để tiếp tục cho vay mới đối với các doanh nghiệp, người dân chịu tác động cũng như các khoản lãi suất cho vay ưu đãi hơn.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng giúp phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng giúp phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3. Ảnh: Quốc hội.

Tham gia chất vấn thêm về tình hình sau bão số 3, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cho biết, sau thiên tai, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân mất hết tài sản. Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết ngành ngân hàng có giải pháp như nào để các tổ chức, cá nhân được vay vốn để phục hồi, phát triển, sản xuất, kinh doanh.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, khi cơn bão số 3 xảy ra gây thiệt hại lớn, NHNN đã rà soát và xác định được dư nợ, con số tương đối lớn; chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất và cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Đến nay, NHNN trong quá trình hoàn tất ban hành thông tư sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về phân loại nợ, phân loại rủi ro đối với các khoản vay khi các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Về tài sản đảm bảo của các hộ dân không còn do ảnh hưởng của cơn bão số 3, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng khảo sát, phối hợp với từng xã, từng địa phương rà soát để quyết định cho vay; nếu không còn tài sản đảm bảo nhưng phương án kinh doanh khả thi và chứng minh được khả năng trả nợ, các tổ chức tín dụng vẫn cho vay theo hình thức tín chấp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn tại hội trường sáng 11/11. Ảnh: Quốc hội.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn tại hội trường sáng 11/11. Ảnh: Quốc hội.

Tạo thuận lợi cho tiếp cận vốn

Đối với phát triển nông nghiệp nói chung, đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nhận định về kết quả tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn của khu vực kinh tế tập thể, nhất là các đơn vị kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó là trách nhiệm và giải pháp của NHNN trong thời gian tới như thế nào.

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN cũng đã quan tâm các giải pháp về tín dụng và thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo phối hợp với các bộ, ban, ngành và Liên minh Hợp tác xã để rà soát những khó khăn, tồn tại để tham mưu, đề xuất.

NHNN đã tham mưu phối hợp với các bộ, ngành tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55 về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông nghiệp, nông thôn, NHNN cũng đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành đánh giá, tổng kết và sửa đổi Nghị định 55.

Đối với các hợp tác xã thuộc đối tượng cho vay theo chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai 27 chương trình tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Đây là những văn bản NHNN chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ, nếu hợp tác xã thuộc đối tượng của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng sẽ được tiếp cận.

“Thời gian qua, chúng tôi tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ và đối với Ngân hàng Chính sách xã hội cũng là đầu mối phối hợp với các cơ quan bộ, ngành để tham mưu Chính phủ và tham mưu Quốc hội bố trí nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho các chương trình này”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.