| Hotline: 0983.970.780

Nhiều địa phương đã kiện toàn lại hệ thống thú y

Thứ Tư 19/01/2022 , 18:53 (GMT+7)

Hiện rất nhiều tỉnh, thành đã và đang kiện toàn lại, tách hệ thống thú y ra khỏi trung tâm dịch vụ nông nghiệp để không bị đứt gãy hệ thống quan trọng này.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên vật nuôi rất cao

Ngày 19/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến dự hội nghị giao ban khối Thú y triển khai kế hoạch thực hiện năm 2022.

Theo Cục Thú y, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi vào dịp Tết Nguyên đán và đầu năm 2022 là rất cao.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì tại hội nghị. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì tại hội nghị. Ảnh: Minh Phúc.

Nguyên nhân do tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn (khoảng 515 triệu con gia cầm, gần 27 triệu con lợn, 10 triệu con trâu, bò) và có thể tiếp tục gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm, nhất là dịp tết Nguyên đán, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn; tỷ lệ gia súc, gia cầm được tiêm phòng thấp, nhiều đàn chưa hoặc không được tiêm phòng.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết: Các loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao, ở phạm vi rộng, trong đó có các loại mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường, chưa có thuốc điều trị và vacxin phòng bệnh, như bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP); lây lan nhanh và rộng do các véc tơ truyền bệnh như virus gây bệnh viêm da nổi cục (VDNC).

Thời tiết biến động bất lợi, giao mùa, mưa ẩm..., tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan; đặc biệt là mật độ đàn gia súc, gia cầm tăng cao, giao lưu thương mại, gia tăng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 tăng mạnh.

Trên thủy sản, các hình thức nuôi quảng canh, nuôi theo phương thức truyền thống, không kiểm soát còn phổ biến; hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất an toàn; kiểm dịch con giống thủy sản xuất tỉnh ở một số nơi còn chưa được kiểm soát triệt để. Một số loại mầm bệnh nguy hiểm lưu hành ở nhiều vùng nuôi thủy sản; môi trường, các yếu tố nhiệt độ, độ mặn tăng cao, độ pH thay đổi nhanh,... tác động đến sức khỏe động vật thủy sản, dễ nhiễm bệnh, tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và lây lan.

Lãnh đạo Cục Thú y và các đại biểu kiểm tra công tác hoàn thiện phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ III của Trung tâm Kiểm định Thuốc thú y Trung ương I tại huyện Sóc Sơn ngày 19/1. Ảnh: Minh Phúc.

Lãnh đạo Cục Thú y và các đại biểu kiểm tra công tác hoàn thiện phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ III của Trung tâm Kiểm định Thuốc thú y Trung ương I tại huyện Sóc Sơn ngày 19/1. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Văn Long cho biết, trong thời gian tới, Cục Thú y tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh ở các địa phương, đặc biệt là đối với bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, DTLCP, tai xanh, VDNC, dại và các bệnh khác trên gia súc, gia cầm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nghiên cứu, sản xuất vacxin chủ lực (VDNC, DTLCP) trong nước để tự chủ nguồn vacxin; đánh giá, kiểm nghiệm, khảo nghiệm vacxin phòng bệnh trên gia súc, gia cầm; phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp để tổ chức nghiên cứu, sản xuất, cung ứng vacxin phòng bệnh cho động vật, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Hàng loạt vacxin phòng bệnh triển vọng

Ông Ngô Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương cho biết, ngoài việc chẩn đoán thú y phục vụ phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi của các địa phương, Trung tâm đã thực hiện thêm nhiệm vụ nuôi cấy, phân lập, giải trình tự gen đối với những virus nguy hiểm như cúm gia cầm H5N1, H5N6, H5N8 để giám sát sự biến đổi của virus, đưa ra dự báo và tham mưu công tác ứng phó chống dịch cho Cục Thú y và Bộ NN-PTNT đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, phục vụ thử nghiệm, đánh giá tính tương thích của các loại vacxin đối với các chủng virus đang lưu hành.

Sự đứt gãy của hệ thống thú y cơ sở thời gian qua đã gây rất nhiều khó khăn trong phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Ảnh: NNVN.

Sự đứt gãy của hệ thống thú y cơ sở thời gian qua đã gây rất nhiều khó khăn trong phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Ảnh: NNVN.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ tiếp tục theo dõi thông tin quốc tế và các thông tin khoa học đối với các bệnh nguy hiểm trên thế giới và các nước xung quanh Việt Nam như virus cúm H5N7, bệnh dịch tả trên gia súc nhỏ, bệnh bò điên, một số bệnh trên tôm chưa có ở Việt Nam. “Chúng tôi sẽ chuẩn bị mọi phương tiện, kỹ thuật để sẵn sàng chuẩn đoán xét nghiệm khi có dấu hiệu, từ đó có biện pháp ứng phó kịp thời”, ông Bắc nói.

Theo ông Tạ Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc thú y Trung ương I, theo kế hoạch, Trung tâm sẽ đưa phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ III vào vận hành trong tháng 3/2022 sau khi đủ điều kiện theo quy định, qua đó giúp Trung tâm đánh giá các vacxin phòng các dịch bệnh nguy hiểm như bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, bệnh dại.

Đồng thời, đẩy mạnh phân tích sinh học phân tử nhằm góp phần bảo tồn quỹ gen các vi sinh vật gây bệnh mới trên động vật, từ đó cung cấp cho các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vacxin.

Về công tác kiểm nghiệm, khảo nghiệm vacxin, ông Tạ Hoàng Long cũng cho biết, thời gian qua Trung tâm đã hoàn thành công tác kiểm nghiệm đối với vacxin DTLCP của Công ty Navetco và Avac Việt Nam. Trong đó, Navetco đã hoàn thành công tác kiểm nghiệm và khảo nghiệm, Trung tâm đã hoàn thiện hồ sơ và báo cáo...

Ngành thú y thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong nghiên cứu, sản xuất vacxin phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Ảnh: NNVN.

Ngành thú y thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong nghiên cứu, sản xuất vacxin phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Ảnh: NNVN.

“Đối với vacxin DTLCP của Công ty Avac Việt Nam, Trung tâm đã hoàn thành kiểm nghiệm, kết quả đánh giá tốt. Chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xin phép khảo nghiệm. Ngoài ra, Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng đang phối hợp với Navetco để nghiên cứu về giống và vacxin thử nghiệm”, ông Tạ Hoàng Long nói.

Về vacxin cúm gia cầm, hiện Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc thú y Trung ương I đang triển khai đánh giá vacxin phòng bệnh H5N6 và H5N8, đã hoàn thành khảo nghiệm vacxin H5N8, Hội đồng đã họp và đánh giá kết quả khả quan trên gà, nhờ đó trước mắt đã có một vacxin có khả năng để phòng bệnh nếu có chủng virus H5N8 xuất hiện và bùng phát.

Đối với vacxin VDNC của công ty Avac Việt Nam, Trung tâm đã kiểm nghiệm xong và hiện đang hoàn thiện hồ sơ khảo nghiệm và sẽ trình Hội đồng trong thời gian tới. Về khảo nghiệm vacxin VDNC của Công ty Navetco, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc thú y Trung ương I đang triển khai và dự kiến đến tháng 4/2022 sẽ có kết quả.

Nhiều địa phương đã kiện toàn lại hệ thống thú y

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Năm 2021, ngành Thú y gặp vô vàn khó khăn trong việc vừa bảo vệ sức khoẻ con người (xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR), vừa thực hiện nhiệm vụ Bộ NN-PTNT giao để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực thú y; kiện toàn lại hệ thống thú y để không bị đứt gãy ở cấp địa phương.

Đến nay, nhiều địa phương đã kiện toàn lại hệ thống thú y. Ảnh: NNVN.

Đến nay, nhiều địa phương đã kiện toàn lại hệ thống thú y. Ảnh: NNVN.

Toàn ngành Thú y đã nhận được sự chỉ đạo rất quyết liệt của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nhất là công tác kiện toàn hệ thống. Đây là nhiệm vụ hết sức cấp bách, vì lực lượng thú y là “gậy” để chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác thú y từ Trung ương đến cơ sở.

Nhờ đó, trong nhiều năm qua, rất nhiều văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội và gần đây nhất là có Đề án 414 của Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương duy trì, kiện toàn hệ thống của Cục Thú y ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, huyện. Hiện nay rất nhiều tỉnh, thành đã và đang tách hệ thống thú y ra khỏi trung tâm dịch vụ nông nghiệp để không bị đứt gãy.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Quyết định 414 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030 là rất quan trọng, nhưng nếu Quyết định 414 chỉ dừng ở trên văn bản thôi thì không thể triển khai được toàn quốc.

"Bởi vậy, khi công tác ở tỉnh nào tôi cũng nói về các văn bản quy phạm pháp luật và chủ trương của Đảng, đồng thời nhấn mạnh không có Quyết định 414 của Thủ tướng thì không có hệ thống thú y, không có dịch tễ, không phòng bệnh, không an toàn thực phẩm, không xúc tiến thương mại, không xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản được và không thể năm nào Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng thu hút đào tạo 600 – 1.000 bác sỹ thú y”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói. Nói như vậy để thấy hệ thống quyết định sự phát triển của ngành thú y và là giải pháp hàng đầu để phát triển chăn nuôi và thuỷ sản.

Trong năm 2022, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu toàn ngành thú y tiếp tục triển khai chủ động, quyết liệt giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, lên kế hoạch chi tiết đối với từng nội dung công việc để bảo vệ thành quả của ngành chăn nuôi, thuỷ sản. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi,…

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.