Các trạm Chăn nuôi và Thú y thành lập mới sẽ trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Trạm Chăn nuôi và Thú y thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành thú y theo quy định của pháp luật và phân công, ủy quyền của Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
Trạm Thú y (trực thuộc Chi cục Thú y trước đây) sẽ như sợi dây liền mạch kết nối nối xuyên suốt từ cơ sở đến tỉnh trong phòng chống dịch bệnh động vật.
Từ tháng 7/2019 Trạm Thú y được UBND tỉnh Thanh Hóa bàn giao cho cấp huyện quản lý (thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp trên cơ sở sáp nhập trạm Thú y, trạm Khuyến nông, Trạm BVTV).
Cũng từ thời điểm này, ngành Thú y mất đi hệ thống "chân rết", công tác phòng chống dịch bệnh xuất hiện nhiều bất cập, nhất là trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò phát sinh, bùng phát.
Kinh phí thực hiện đề án
Kinh phí thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030” từ ngân sách nhà nước; nguồn phí được để lại chi theo quy định pháp luật về phí, lệ phí; kinh phí lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch, dự án; kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật; nguồn huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật...
Thanh Hóa là một tỉnh lớn về nông nghiệp, có ngành chăn nuôi phát triển mạnh với tổng đàn vật nuôi lớn. Vì vậy, trọng tâm trong chương trình phát triển nông nghiệp của địa phương này những năm tiếp theo là phát triển ngành chăn nuôi lớn mạnh, tăng tỷ trọng đóng góp, hướng tới nền chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Chăn nuôi tại Thanh Hóa được định hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu bền vững.
Đây là những lý do thúc đẩy UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030”.
Việc thực hiện đề án sẽ giúp Thanh Hóa kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực, bảo đảm tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên ngành thú y; kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Với việc thành lập và vận hành bộ máy này, Thanh Hóa hi vọng sẽ giám sát dịch bệnh động vật tốt hơn; hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở được củng cố tăng cường năng lực và hoạt động có hiệu quả nhằm phát hiện sớm ổ dịch, phân tích dịch tễ, dự báo, cảnh báo kịp thời các loại dịch bệnh động vật và ngăn chặn, khống chế các loại dịch bệnh động vật.
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, đề án được triển khai sẽ giúp địa phương nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; quản lý an toàn thực phẩm đối với động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật. Công tác quản lý thuốc thú y, nghiên cứu thú y và quản lý các dịch vụ thú y cũng từng bước được nâng cao. Từ đó, Thanh Hóa tiến tới việc tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.
Trạm Chăn nuôi và Thú y hỗ trợ đắc lực và tăng cườngkhả năng phòng chống dịch trên địa bàn
"Thực hiện đề án này, Thanh Hóa hướng tới việc kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, hệ thống nhận dạng, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật được thiết lập và thực hiện hiệu quả theo quy định. Năng lực quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh được tăng cường; tỷ trọng gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030; giảm thiểu tối đa số vụ ngộ độc nghiêm trọng do thực phẩm có nguồn gốc động vật gây ra" - ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.