| Hotline: 0983.970.780

Thú y cấp xã 7 tháng không có phụ cấp

Thứ Sáu 07/01/2022 , 17:02 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Công tác phòng, chống dịch bệnh ở Thừa Thiên - Huế gặp rất nhiều khó khăn khi nhân viên thú y cấp xã ở tỉnh này 7 tháng đầu năm 2021 không có phụ cấp.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác chăn nuôi và thú y năm 2021, triển khai công tác năm 2022.

Năm 2021, tổng số lượng đàn trâu, bò của Thừa Thiên - Huế là 42.581 con, lợn 140.884 con (tăng 21,4%) và đàn gia cầm 4.762,18 nghìn con (tăng 11,1%). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 31.694 tấn (tăng 13,6%). Sản lượng trứng gia cầm các loại ước đạt 53,95 triệu quả (tăng 6,9%)...

Chăn nuôi ở Thừa Thiên - Huế đang chuyển dịch mạnh từ nhỏ lẻ sang tập trung, hữu cơ và chăn nuôi an toàn sinh học. Ảnh: Tiến Thành.

Chăn nuôi ở Thừa Thiên - Huế đang chuyển dịch mạnh từ nhỏ lẻ sang tập trung, hữu cơ và chăn nuôi an toàn sinh học. Ảnh: Tiến Thành.

Chăn nuôi ở Thừa Thiên - Huế đang chuyển dịch mạnh từ phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, trang trại, công nghiệp, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Chất lượng con giống, chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng... ngày càng được nâng cao. Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 394 trang trại chăn nuôi (tăng 2,34%) trong đó 13 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 64 trang trại quy mô vừa và 317 trang trại quy mô nhỏ.

Toàn địa phương có trên 40 cơ sở chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sử dụng đệm lót sinh học với trên 250 con lợn nái và 5.000 con lợn thịt và 01 trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ tại Tổ hợp chăn nuôi 4F với quy mô 100 con lợn nái và 2.200 con lợn giống, lợn thịt.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Thừa Thiên - Huế cho biết, bên cạnh những thành quả đạt được, hoạt động của ngành chăn nuôi - thú y tỉnh vẫn còn một số khó khăn như: Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thú y các cấp chưa được củng cố và kiện toàn. 7 tháng đầu năm 2021, nhân viên thú y cấp xã không có phụ cấp nên việc chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh ở địa phương gặp nhiều khó khăn.

Công tác phòng chống dịch đã gặp khó khăn vì thú y cơ sở không có phụ cấp. Ảnh: Tiến Thành.

Công tác phòng chống dịch đã gặp khó khăn vì thú y cơ sở không có phụ cấp. Ảnh: Tiến Thành.

Cùng với đó, việc quy hoạch vùng được phép chăn nuôi chưa thực hiện do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí, quy định xác định khu vực không được phép chăn nuôi. Chăn nuôi tận dụng, nhỏ lẻ vẫn chiếm phần lớn (70%) nên khó áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, giá cả sảm phẩm chăn nuôi; công tác phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.

Chi cục Chăn nuôi - Thú y Thừa Thiên - Huế đang kiến nghị UBND tỉnh này chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án kiện toàn, củng cố lại hệ thống thú y cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo đúng quy định. Đồng thời, phê duyệt các đề án về chăn nuôi lợn, bò; kế hoạch phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021 - 2030; bệnh viêm da nổi cục giai đoạn 2022 - 2030...

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Chuyển đất lúa kém hiệu quả trồng tràm năm gân

NINH BÌNH Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng tràm năm gân giúp người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.