Tại khu vực Đường Sách TP.HCM, ngoài triển lãm sách và ảnh về cuộc đời, sự nghiêp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ ngày 19/8 đến ngày 3/9, còn có đêm thơ nhạc hát về lãnh tụ xuất thân từ giai cấp công nhân vào đêm 2/9.
Tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, có buổi giao lưu với chủ đề "Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Một nhân cách lớn" và giới thiệu cuốn sách “Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn đầu thế kỷ 20 đến năm 1930” do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành, góp phần làm sáng tỏ yếu tố "nếu Công hội bí mật do Tôn Đức Thắng sáng lập là một sáng tạo lịch sử trong phong trào công nhân thì ngược lại, chính phong trào công nhân là cơ sở, là nền tảng để tạo nên tầm vóc một lãnh tụ Tôn Đức Thắng, vừa là kiến trúc sư lỗi lạc vừa là niềm tự hào của phong trào công nhân Sài Gòn nói riêng và giai cấp công nhân cả nước nói chung".
Cuốn sách ấn hành nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2018) |
Đặc biệt, Tổng Liên đoàn Lao động VN phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng với giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam” vào ngày 18/8, thu hút nhiều học giả, nhà nghiên cứu tham gia. Với tư cách Chủ tịch Liên đoàn Lao động VN, ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, cho rằng: “Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ cộng sản tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam đã vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trong lao tù đế quốc, sự khốc liệt của đấu tranh, luôn gắn bó với đồng chí, đồng bào, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bác Tôn là một trong những chiến sĩ lớp đầu phong trào công nhân, người đã thành lập Công hội bí mật - tổ chức Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Từ thực tiễn vận động thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần quan trọng vào việc đặt cơ sở, nền móng cho lý luận, nghiệp vụ công tác Công đoàn Việt Nam”.
GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh sự độc đáo trong lựa chọn lý tưởng của Bác Tôn chính là chọn con đường vô sản hóa, con đường làm một người thợ. Chính con đường này đã giúp Bác Tôn hòa nhập, vận động, tập hợp, khơi dậy sức mạnh của công nhân chống lại tư bản bóc lột thông qua những cuộc bãi công, bãi khóa mà nổi bật là lãnh đạo công nhân Ba Son bãi công, giam chân tàu chiến Michilet vào tháng 8/1925.
Sự thắng lợi của cuộc đấu tranh mang tính chất chính trị nhằm đòi những yêu sách kinh tế đã thành công, buộc giới chủ phải tăng lương cho tất cả công nhân lên 20%, phải gọi những người thợ bị đuổi việc trong các cuộc đình công trước đây trở lại làm việc và ngày lĩnh lương phải cho nghỉ trước nửa giờ như thường lệ. Cuộc đấu tranh mở đầu cho một giai đoạn mới đánh dấu giai cấp công nhân Việt Nam đã chuyển từ đấu tranh tự phát lên đấu tranh tự giác.