| Hotline: 0983.970.780

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

Thứ Ba 05/11/2024 , 08:15 (GMT+7)

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Các diễn giả bắt đầu phần tọa đàm tại Diễn đàn.

Các diễn giả bắt đầu phần tọa đàm tại Diễn đàn.

Sáng 5/11, tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, được sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) phối hợp tổ chức Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao.

Diễn đàn quy tụ hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp, gồm đại diện các cơ quan và viện nghiên cứu thuộc Bộ NN-PTNT, doanh nghiệp, hiệp hội ngành chè các tỉnh miền núi phía Bắc cùng 25 nhà báo dự và đưa tin.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (mặc vest) và Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch tham quan một gian hàng trưng bày sản phẩm chè chất lượng cao tại Diễn đàn.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (mặc vest) và Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch tham quan một gian hàng trưng bày sản phẩm chè chất lượng cao tại Diễn đàn.

Đây là hoạt động hướng tới Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2023. Cụ thể, riêng đối với cây chè, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ chuyển đổi khoảng 70% diện tích sang các giống chè mới. Trong đó khoảng 50% diện tích sẽ dành cho chè xanh chất lượng cao, chè Olong và các loại chè chất lượng cao khác chiếm khoảng 20%.

Để thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi ngành chè theo hướng an toàn, chất lượng cao, Bộ NN-PTNT sẽ đẩy mạnh phổ biến rộng rãi bộ giống chè mới, biện pháp canh tác chè bền vững. Tại Diễn đàn, các đại biểu sẽ có cơ hội tìm hiểu kinh nghiệm chuyển đổi sang trồng chè chất lượng cao cũng như được giải đáp thắc mắc, khó khăn về yêu cầu thị trường đối với sản phẩm chè.

Việt Nam có điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp cho ngành chè phát triển, với những thương hiệu chè nổi tiếng như: Shan tuyết (Hà Giang), Suối Giàng (Yên Bái), chè B’lao, Ô long Cầu Đất (Lâm Đồng)... Ngành chè thu hút lực lượng lao động lớn với hơn 6 triệu người từ 34 tỉnh thành. Sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là các thị trường như Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia…

Tuy nhiên, để ngành chè Việt Nam thực sự bứt phá về chất lượng và sản lượng, cần có những giải pháp mang tính hệ thống về quản lý chất lượng. Do đó, Diễn đàn cung cấp cho các nhà sản xuất thông tin về xây dựng thương hiệu chè, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, đưa thương hiệu chè Việt sớm hội nhập quốc tế.

Hình ảnh các đại biểu tham gia trực tiếp tại đầu cầu thị xã Phú Thọ

Hình ảnh các đại biểu tham gia trực tiếp tại đầu cầu thị xã Phú Thọ

Quý vị quan tâm có thể tham dự trực tuyến trên nền tảng Zoom tại địa chỉ sau:

Link: https://zoom.us/j/91734940555?pwd=wxFL5tjQbwYnC9zJo092uhVF8Sn7ki.1

ID cuộc họp: 917 3494 0555

Mật mã: 051124

Tất cảTổng thuật

11 giờ 00 phút

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

ong le quoc doanh

Ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, phát biểu kết thúc Diễn đàn.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao sáng kiến của Báo Nông nghiệp Việt Nam khi tổ chức hiệu quả Diễn đàn chè thay vì triển khai các Hội nghị theo “công thức” để cung cấp nhiều thông tin và tri thức liên quan đến sản xuất chè chất lượng, an toàn.

Theo ông Doanh, cây chè là cây trồng có vị trí đặc biệt trong cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp, là cây công nghiệp dài ngày trọng điểm và có phát tích ở Việt Nam, gắn bó với người dân Việt Nam. Trong khi đó, cây chè chiếm diện tích lớn ở khực trung du, miền núi, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, môi trường và xã hội.

Nhìn nhận lại sự phát triển của ngành chè những năm qua, nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, cây chè có sự phát triển lớn, nhất là trong vòng 2 năm gần đây. Ông Doanh nêu số liệu, diện tích chè năm 2000 chỉ đạt khoảng 70.000ha nhưng đến nay đã tăng lên đến 125.000 ha, trong khi năng suất chè năm 2005 đạt 4,9 tấn/ha hiện đã tăng lên đến 10 tấn/ha, tăng gấp hơn 2 lần. Giá bán tăng (nội tiêu và xuất khẩu) từ 1 USD/kg lên 1,74 USD -1,8 USD/kg.

Theo ông Doanh, kết quả này là sự cố gắng chung. Để đóng góp như vậy, có bộ giống và sự đóng góp của viện chuyên ngành với lực lượng khoa học mạnh mẽ, tới hơn 20 tiến sĩ chuyên về chè; canh tác tiến bộ.

Tuy nhiên, còn có một số vấn đề ngành chè đang đối mặt như giá người dân được hưởng từ bán cây chè rất thấp, bình quân chỉ khoảng 6.000 đồng/kg chè búp. Trong khi đó, giá bán cây ăn quả, cà phê… đang tăng dần. Đây là một vấn đề cần trăn trở.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đặt vấn đề, cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra, như vậy đây có phải là nguyên nhân khiến “ngại đổi mới”?

Hiện đã có những điểm rất sáng, nhưng vì với cùng một cơ cấu giống, vì sao năng suất chè, giá bán ở các vùng có sự chênh lệch lớn. Cần làm rõ hơn câu chuyện này để tính đến những bước phát triển tiếp theo.

10 giờ 40 phút

Sản phẩm chè cao cấp luôn gắn liền với giống

ong nguyen van toan

PGS.TS Nguyễn Văn Toàn (ảnh), Hội Làm vườn Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, khẳng định: Một sản phẩm chè cao cấp luôn được gắn với giống. Hiện nay, Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đang có 2 loại giống chè xuất xứ từ Việt Nam: VN15 và Hương Bắc Sơn.

Đây là hai loại giống phục vụ chế biến sản phẩm chè cao cấp, trong đó: Giống chè Hương Bắc Sơn được tạo ra bằng lai hữu tính mẹ là giống Kim Tuyên với bố là giống chè Trung Du, năng suất: Tuổi 5 đạt 6,62 tấn/ha, tuổi 10 đạt 12,66 tấn/ha và giống chè VN15 được lai hữu tính giữa mẹ là giống Saemidori với bố là giống Shan Cù Dề Phùng. Hai loại chè này đã được chuyên gia Đài Loan mà Viện mời về đánh giá cao vì chất lượng tuyệt vời.

“Trước đây, Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc tập trung vào hướng nghiên cứu giống năng suất cao, chất lượng tốt để phát huy kinh tế và nâng cao thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, chúng tôi tập trung phát triển giống có chất lượng cao để đáp ứng sản xuất chè cao cấp.

Đối với tỉnh Lai Châu, Viện chúng tôi đã cung cấp lượng giống lớn. Tôi cho rằng, Lai Châu cần tập trung vào nhóm giống có năng suất cao và chất lượng tốt để có thể sản xuất cả chè xanh và chè đen, đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Đối với Nghệ An, cần phát triển giống chè phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ canh tác người dân. Vì vậy, nếu có chủ trương thay đổi giống cũ thì cần xem xét về quy mô bởi các giống chè chất lượng cao hiện nay cần điều kiện canh tác lớn”, PGS.TS Nguyễn Văn Toàn cho biết.

10 giờ 30 phút

Sớm điều tra, chọn tạo giống chè Shan tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An

ong nguyen quoc manh 1

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, kỳ vọng Việt Nam sẽ có thêm những giống chè chất lượng, có giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, hiện có 2 đề tài khoa học cấp Bộ về cây chè cho Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc. Đó là quy trình tái canh cho cây chè và chuyển đổi sản xuất sang chè hữu cơ.

Hiện diện tích chè giống cũ còn tương đối nhiều (khoảng 40%). Việc tái canh này là rất quan trọng, do đó Viện cần điều tra toàn bộ các vùng trồng chè, khuyến cáo giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như tập quán của người dân.

Về đề xuất của Nghệ An, Cục Trồng trọt đã điều tra và nắm được, rằng tỉnh có diện tích chè Shan tại huyện Kỳ Sơn khoảng 500ha. Đây là giống chè đặc sản, và có thể phát triển thành hàng hóa.

“Trong thời gian tới, Cục sẽ cử cán bộ điều tra, chọn tạo cây đầu dòng cho giống chè Shan tại huyện Kỳ Sơn. Hy vọng, chúng ta sẽ có thêm những giống chè chất lượng, có giá trị kinh tế cao”, ông Mạnh bày tỏ.

che shan tuyet

Chè Shan tuyết đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của người Mông ở Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh minh họa: Văn Tý/TTXVN.

10 giờ 10 phút

Kiến nghị Bộ NN-PTNT đưa hương chè bay xa

ba vo thi nhung

Bà Võ Thị Nhung (ảnh), Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, cho biết, tỉnh còn số lượng cơ sở chế biến chè theo quy mô nhỏ còn tương đối lớn, khiến việc đầu tư hạ tầng công nghệ, máy móc còn hạn chế. Ngoài ra, tỉnh Bắc Trung bộ cũng băn khoăn về bộ giống chè, bởi tập quán sử dụng giống PH1 từ lâu.

Theo Sở NN-PTNT Nghệ An, địa phương có hơn 8.000ha trồng chè, và là tỉnh có diện tích chè phát triển lớn thứ 3 cả nước với sản lượng chè búp tươi gần 80.000 tấn/năm. Tuy nhiên, diện tích chè VietGAP của Nghệ An chỉ khoảng vài chục hecta, diện tích chè sản xuất theo hướng hữu cơ thậm chí còn thấp hơn.

Giá trị cây chè trên địa bàn Nghệ An khá thua thiệt so với các địa phương trồng chè trong cả nước. Nếu như, giá chè búp của Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng lên đến 15.000 - 20.000 đồng/kg chè búp tươi, thì ở Nghệ An giá chè búp cao nhất cũng chỉ đạt 6.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Đến với diễn đàn, bà Nhung mong muốn có những tư duy mới về sản xuất, tiếp cận thị trường, cũng như kêu gọi, thu hút đầu tư cho ngành chè. Đặc biệt, việc thiết kế bao bì, nhãn mác sao cho đẹp, bắt mắt để không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu.

“Những địa phương sản xuất chè đều mong mỏi Bộ NN-PTNT cùng chung trên 1 con tàu lớn, cùng chở quốc bảo chè của Việt Nam ra thế giới”, bà Nhung nói và hy vọng, “con tàu” này sẽ ngày càng đi xa, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

10 giờ 00 phút

Lai Châu: Tập trung phát triển bền vững cây chè

ong ha trong hai

Theo ông Hà Trọng Hải (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, Lai Châu là địa phương có điều kiện tự nhiên và đất đai thuận lợi, trong đó có 7/10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam nên rất thích hợp đề trồng chè.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 10.500ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 8.400ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt trên 70 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi trên 58.000 tấn. Diện tích chè thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 7.000ha, chiếm 67% tổng diện tích.

Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đã chú trọng đầu tư thâm canh, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất; đa dạng về mẫu mã, sản phẩm. Tỉnh Lai Châu cũng ban hành các chính sách, hỗ trợ bà con phát triển ngành chè như: hỗ trợ 100% nguồn giống trong 3 năm đầu; chi phí đầu vào và đầu tư 15 tỉ đồng vào nhà máy sản xuất và chế biến.

Tuy nhiên, ngành chè Lai Châu còn những hạn chế, yếu kém. Diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP, RA, hữu cơ…) còn ít. Các cơ sở chế biến chè của tỉnh có quy mô nhỏ, các sản phẩm chè chế biến chủ yếu là dạng thô, mẫu mã chưa đa dạng, năng lực cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu tại các nước Trung Đông và Đài Loan, dẫn đến giá thành còn thấp.

Vì vậy, ông Hà Trọng Hải cho biết thời gian tới Lai Châu tập trung phát triển bền vững cây chè theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Song song với đó, phát triển du lịch sinh thái gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ra 1 kênh tiêu thụ chè tại chỗ thông qua du lịch.

Chia sẻ thêm với Lai Châu, ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới, khuyến nghị tỉnh nên có kế hoạch đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh phân tán nguồn lực vào nông hộ có quy mô quá nhỏ. Ngược lại, địa phương Tây Bắc nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho mô hình HTX, tạo đà cho những gia đình có vùng nguyên liệu lớn liên kết với doanh nghiệp, nhất là nhóm có nguồn vốn lớn, công nghệ cao.

Qua khảo sát thực địa tại Lai Châu nói riêng và các vùng nguyên liệu ở miền núi phía Bắc nói chung, ông Tuân nhận thấy, tỉnh có vùng nguyên liệu giàu tiềm năng tại 2 huyện Than Uyên, Tân Uyên. Đây là những vùng thảo nguyên lớn, địa hình tương đối bằng phẳng, thích hợp cho việc phát triển quy mô sản xuất, cũng như cơ giới hóa.

“Chúng tôi cam kết đầu tư vào tỉnh Lai Châu, hỗ trợ cho tỉnh phát triển bền vững ngành chè”, ông Tuân nhấn mạnh.

9 giờ 50 phút

Chè Việt Nam cẩn trọng với bẫy giá rẻ của thế giới

ong hoang vinh long

Ông Hoàng Vĩnh Long (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho rằng, những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Thảo luận tại diễn đàn, nhà báo Trần Cao đặt vấn đề về giá bán chè ở mức thấp, thị trường khó khăn nhưng để làm một cuộc cách mạng, thay đổi sản xuất, nâng giá chè để thương mại tốt hơn và nâng cao đời sống bà con trồng chè, cần tháo gỡ nhiều nút thắt.

Giải thích rõ ràng hơn về giá chè, ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho rằng, nhìn ở mức chung, chè Việt Nam xuất khẩu có giá rẻ nhưng vẫn cao hơn giá thế giới. Theo ông Long, thế giới nhìn nhận thị trường chè Việt Nam là thị trường giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây. Trong khi đó, người làm chè đang ở tình trạng dễ mua, dễ bán nên không trau chuốt, làm mới mình mà chỉ tập trung sản xuất để đạt thỏa thuận mua bán trước mắt. Đó là lí do vì sao, chè Việt Nam dễ rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới.

“Mảng nội tiêu chúng ta làm rất tốt, như tại các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La. Ở Thái Nguyên có loại chè bán thấp nhất ở giá bình quân 7 USD/kg, nhưng cũng có loại chè bán với giá khoảng hơn 20 USD. Như vậy, hòa chung giá xuất khẩu và giá nội tiêu, giá chè trung bình cả nước ở khoảng 4 USD/kg”, ông Long làm rõ vấn đề.

Hiện nay, có nhiều nhà máy nhỏ chắp vá đang rơi vào bẫy giá rẻ do thời gian dài chưa có đổi mới: nông nghiệp phá vỡ sản xuất tập trung, nông công nghiệp còn ít. Và họ lại tiếp tục tìm mua búp rẻ. Như vậy, để khắc phụ hiện trạng này, cần tập trung liên kết doanh nghiệp, HTX, nông dân, chính quyền địa phương. Tất cả cần vào cuộc để khai thác tiềm năng, bỏ tư duy “dìm giá”, phân tán thị trường.

9 giờ 40 phút

Cây chè không còn là cây xóa đói giảm nghèo

ong doan anh tuan

Ông Đoàn Anh Tuân (ảnh), Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, người sản xuất, chế biến và thương mại chè cần thay đổi về cách tư duy. Người lao động tham gia trong chuỗi giá trị chè có nhiều cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập.

“Cây chè không còn là cây xóa đói giảm nghèo nữa mà đã thực sự trở thành cây làm giàu”, ông Tuân bày tỏ.

Là đơn vị xuất khẩu chè lớn của cả nước, đơn vị của ông Tuân hiện tập trung vào việc nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị, nâng cao công nghệ sản xuất túi lọc, đảm bảo công nghệ sản xuất chất lượng cao nhất. Đặc biệt là nói không với các chất BVTV không được phép.

Bên cạnh việc sản xuất chè theo cách truyền thống, doanh nghiệp tin rằng một số sản phẩm phụ trợ như làm bột matcha… ngày càng được thị trường đón nhận. Điều này đặt ra những vấn đề về tư duy sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.

Song hành với đầu tư công nghệ, Giám đốc Tuân dự kiến sẽ phát triển các sản phẩm như du lịch sinh thái tại các vùng trồng chè. Ông tin rằng, Việt Nam có nhiều sản phẩm độc đáo như chè sen được ướp độc đáo và tinh tế, đủ khả năng đưa lên tầm quốc bảo với giá trị cao hơn.

9 giờ 20 phút

Ra mắt bộ giống chè mới và giải pháp canh tác chè bền vững

ts nguyen thi hong lam

TS Nguyễn Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè, Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc.

Giai đoạn 2019 - 2023, công tác nghiên cứu về cây chè được Viện Khoa học kỹ thuật (KHKT) nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai thực hiện 30 nhiêm vụ với tổng kinh phí 55,0 tỷ đồng (trong đó cấp Bộ: 7 nhiệm vụ; cấp nhà nước: 4 nhiệm vụ).

Từ các nhiệm vụ được giao, Viện đã lựa chọn ra được bộ giống chè mới gồm 16 giống chè, bên cạnh đó, các quy trình kỹ thuật canh tác bền vững gồm có 5 TBKT cấp Bộ và 13 quy trình kỹ thuật cấp cơ sở đã được ngành sản xuất chè áp dụng trên hàng ngàn ha chè an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP và theo tiêu chuẩn chè hữu cơ góp phần làm tăng giá trị cho sản phẩm chè Việt Nam.

Tại diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao”, TS Nguyễn Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè, Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, cho biết đã phát triển thành công và công nhận hai giống chè mới là Hương Bắc Sơn và TRI5.0.

Đặc biệt, thực hiện theo yêu cầu của Luật Trồng trọt năm 2019, Viện đã tiến hành lập hồ sơ và được Cục Trồng trọt chấp nhận công nhận và tự công bố lưu hành 11 giống chè, bao gồm các giống nổi bật như VN15, LCT1, PH21, TC4, PH12, PH14, LP18, PH22, PH276, CNS141, CNS183 và Bát Tiên. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của sản xuất, Viện cũng đã sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm để lập hồ sơ và gửi Cục Trồng Trọt đề nghị công nhận lại, tự công bố lưu hành cho các giống chè LDP1 và PH1.

Các giống chè mới như Hương Bắc Sơn, TRI5.0, PH12, PH14, LP18, TC4, LCT1, PH22, PH276, VN15, PH21... đều được đánh giá là những giống chè sinh trưởng khỏe, năng suất cao và chất lượng tốt, góp phần quan trọng trong việc đa dạng hóa cơ cấu giống cũng như các sản phẩm chè của Việt Nam.

3 nhóm giống bao gồm: Nhóm giống cho chế biến sản phẩm chè cao cấp: Oolong, chè xanh thơm, Mao Tiêm, Bích Loa Xuân; Nhóm giống cho chế biến chè xanh chất lượng cao; Nhóm giống cho chế biến chè Hồng trà, bạch trà, chè đen, Phổ Nhĩ.

Trong thời gian tới, đại diện Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cho biết sẽ chú trọng phát triển các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chịu hạn, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Đồng thời, các giống chè mới này cũng được nghiên cứu để có hàm lượng polyphenol cao, phục vụ cho sản xuất chè chất lượng cao và các sản phẩm thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ sinh học phân tử và hóa sinh chè để cải thiện khả năng chống chịu sâu bệnh hại, nâng cao năng suất và chất lượng của giống chè.

9 giờ 10 phút

Đa dạng sản phẩm canh tác xanh cho cây chè

ong nguyen quoc an

Ông Nguyễn Quốc An, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao, cho biết, với cây chè, Supe Lâm Thao đã có mô hình trình diễn phân bón hiệu quả và đang triển khai tại nhiều địa phương.

Ông Nguyễn Quốc An, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao cho biết, canh tác xanh trên các cây công nghiệp, trong đó có cây chè, là một trong những ưu tiên của công ty thời gian qua, nhằm nâng cao sức khỏe đất, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện công ty đã sản xuất ra bộ phân bón hữu cơ khoáng gồm 4 sản phẩm chứa vi sinh. Các vi sinh vật này có khả năng đối kháng với các loại vi nấm, vi sinh vật gây bệnh, nâng cao sức đề kháng của cây trồng trước các loại sâu bệnh, giúp giảm sử dụng thuốc BVTV, tăng sức chống chịu, ngăn ngừa ngộ độc hữu cơ và cân bằng độ pH cho đất.

Riêng đối với cây chè, Supe Lâm Thao đã có mô hình trình diễn phân bón hiệu quả và đang triển khai tại nhiều địa phương, giúp lượng phân bón sử dụng trong mô hình giảm 10-13% so với phân bón thông thường. Cây chè áp dụng giải pháp trên phát triển tốt, khỏe mạnh, ra búp nhanh và mập; sản phẩm chè có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn sạch.

Với mong muốn đem đến những sản phẩm tốt nhất phục vụ nền nông nghiệp xanh, ông An đề ra 4 tiêu chí cho các dòng sản phẩm mới, nhằm đáp ứng nhu cầu về sản phẩm nông sản sạch cho người tiêu dùng, giảm tối đa sử dụng thuốc BVTV, tăng thu nhập cho nông dân.

9 giờ 00 phút

An toàn thực phẩm đối với chè được quy định chặt chẽ

ong le thanh hoa

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, thông tin một số quy định an toàn thực phẩm với sản phẩm chè xuất khẩu.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, thông tin, sản phẩm chè khi lưu thông cần đảm bảo các nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm.

Trong đó, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất chè phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, có phương án quản lý an toàn thực phẩm trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng.

Việc quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành. Đồng thời, công tác quản lý cần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện Bộ NN-PTNT đã cấp phép trên 260 thương phẩm thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trừ sâu, bệnh đối với cây chè. Với thành phẩm đầu ra, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 50/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm chè như: bifenthrin là 30 ppm, buprofezin là 30 ppm, chlorpyrifos là 2 ppm, clothianidin là 0,7 ppm.

Dư lượng kim loại nặng trên chè cũng được quy định chi tiết, như giới hạn ô nhiễm arsen là 1 ppm, ô nhiễm chì là 2 ppm, ô nhiễm thủy ngân là 0,05 ppm.

Việt Nam hiện đứng thứ 5 về xuất khẩu chè, xuất khẩu chè đến hơn 100 quốc gia trên thế giới. Sản phẩm chè Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó Pakistan, Đài Loan, Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU là những thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 70% về lượng và hơn 70% về trị giá xuất khẩu.

ngay3.2-che

Sản phẩm chè xuất khẩu phải đáp ứng nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm.

Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè đạt 62 nghìn tấn, trị giá 106 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân chè xuất khẩu đạt 1.710,0 USD/tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo ông Hòa, quy định về chè của các nước nhập khẩu có một số điều khác nhau. Ông lấy ví dụ về thị trường Pakistan, chè Việt Nam xuất đi quốc gia này ngoài đáp ứng tiêu chuẩn Codex, ISO, còn phải có chứng nhận Halal. Bên cạnh đó, phải đảm bảo thời hạn sử dụng của sản phẩm còn ít nhất 50% thời hạn sử dụng ban đầu tại thời điểm nhập khẩu.

“Pakistan thường tuân thủ các quy tắc và hướng dẫn của Codex về giới hạn dư lượng tối đa (MRL) của thuốc BVTV, các chất gây ô nhiễm khác và các chất phụ gia trong thực phẩm. Tuy nhiên, Pakistan không có hệ thống thực thi MRL của thuốc BVTV và các chất gây ô nhiễm khác trong thực phẩm sản xuất trong nước”, ông Hòa chia sẻ.

8 giờ 50 phút

Nâng cao giá trị xuất khẩu là thách thức với ngành chè trong thời gian tới

ong nguyen quoc manh

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, cho rằng, việc phát triển cây chè là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành nông nghiệp.

Cây chè là một trong những giống cây nội địa, được phát triển thành cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, chính vì vậy, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho rằng, việc phát triển cây chè là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành nông nghiệp, để ngành chè phát huy tương xứng với “cái nôi” của nó.

Ông Mạnh cho biết, sản lượng chè trong giai đoạn này có xu hướng tăng dù diện tích giảm nhẹ, bởi năng suất tăng. Cụ thể, sản lượng chè đạt 1 triệu tấn năm 2015 tăng lên 1,125 triệu tấn năm 2023. Theo phân vùng sản xuất, sản lượng chè của Việt Nam tập trung chính tại hai vùng là vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với tỉ lệ lần lượt là 74,7% và 10,94%.

“Trong tổng số 194 nghìn tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD; Chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng - tương đương với 325 triệu USD. Như vậy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn. Như vậy, làm thế nào để nâng cao giá trị xuất khẩu là thách thức với ngành chè Việt Nam trong thời gian tới”, ông Mạnh cho biết.

Cho đến nay, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chè chủ yếu là chè đen và chè xanh. Tuy nhiên, giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 70-75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.

Đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, để phát triển vùng sản xuất và nâng cao chất lượng chè, cần chú trọng xây dựng vùng chè an toàn, kết hợp với cơ cấu giống phù hợp, định hướng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quy hoạch các nhà máy chế biến nhằm gia tăng giá trị. Liên kết các vùng chè đặc sản với chương trình OCOP và phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất chè an toàn và liên kết tiêu thụ cần được đẩy mạnh, cùng với nâng cao năng lực cán bộ khuyến nông và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức chứng nhận chất lượng như Utz Certified, RFA. Nâng cao năng lực chế biến cũng là một giải pháp thiết yếu.

Về khoa học kỹ thuật, cần đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng quy trình kỹ thuật phù hợp với từng loại đất, phát triển các sản phẩm chè đa dạng như chè Oolong, matcha và nước uống đóng chai từ chè. Các kỹ thuật trồng trọt an toàn, sử dụng phân hữu cơ và phương pháp phòng trừ sâu bệnh IPM cũng cần được triển khai rộng rãi.

Trong lĩnh vực thị trường và xúc tiến thương mại, ông Mạnh đề xuất đẩy mạnh thương mại điện tử và ứng dụng các công cụ kinh tế số như ngân hàng xanh, tín dụng xanh là cần thiết. Các hoạt động kết nối cung cầu, liên kết vùng sản xuất với hệ thống phân phối và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA sẽ giúp mở rộng thị trường trong và ngoài nước, từ đó nâng cao giá trị ngành chè.

8 giờ 35 phút

Tạo vị thế mới cho chè Việt Nam

anh Thach

Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch thông tin, chè từng được ví như “vàng xanh” của đất nước.

Ngành chè Việt Nam với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, từng được ví như “vàng xanh” của đất nước, mang trong mình tiềm năng to lớn và những giá trị truyền thống quý báu, theo Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch.

Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, với sản phẩm được xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, ông Thạch thông tin, rằng giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta hiện chỉ đạt khoảng 65% so với mức bình quân của thế giới và chỉ bằng 55% giá bình quân của chè xuất khẩu từ Ấn Độ và Sri Lanka.

“Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta còn thấp do phần lớn chè xuất khẩu của Việt Nam là chè thô, chưa qua chế biến sâu, đóng gói đơn giản, thiếu nhãn mác, thương hiệu rõ ràng”, lãnh đạo Báo Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.

Với mong muốn nâng cao tính cạnh tranh với các sản phẩm chè đến từ các quốc gia khác, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Cục Trồng trọt, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức diễn đàn sáng 5/11.

Thông qua không gian diễn đàn, Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Thạch hy vọng được lắng nghe nhiều đóng góp, chia sẻ, thảo luận từ các quý vị đại biểu, các vị khách quý để cùng nhau chung tay hiến kế cho ngành chè Việt Nam, đặc biệt là từ các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, cũng như những địa phương sản xuất chè trọng điểm.

“Hành trình thay đổi tư duy để tìm con đường thương mại mới cho ngành chè Việt Nam không phải một sớm một chiều”, ông Thạch nhận định.

c1

Hành trình thay đổi tư duy để tìm con đường thương mại mới cho ngành chè Việt Nam không phải một sớm một chiều.

Dù vậy, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nếu có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ từ cấp nông hộ đến doanh nghiệp và cả sự đồng hành, hỗ trợ từ Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học, cơ quan truyền thông…, ngành chè sẽ có một vị thế mới trên thị trường quốc tế.

8 giờ 30 phút

Nhân rộng các giống chè mới, chất lượng cao

anh cao

Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trần Văn Cao phát biểu mở đầu diễn đàn.

Mở đầu diễn đàn, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trần Văn Cao cho biết, diễn đàn sáng 5/11 là một trong những hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2023.

Theo ông Cao, cây chè là một cây công nghiệp thế mạnh của Việt Nam. Thời gian qua, người dân và cơ quan chuyên môn đã tập trung chuyển đổi cơ cấu giống chè mới, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 70% diện tích chè giống mới, nâng cơ cấu giống cho sản xuất chè xanh chất lượng cao khoảng 50%, chè Olong và các loại chè chất lượng cao khác khoảng 20%.

“Diễn đàn được tổ chức với mục đích truyền thông, phổ biến rộng rãi bộ giống chè mới, kinh nghiệm đổi mới bộ giống chè, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và chế biến các sản phẩm chè”, ông Cao bày tỏ.

Đồng thời, lãnh đạo Báo Nông nghiệp Việt Nam mong muốn, thông qua diễn đàn, các kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ cây trồng khác sang trồng chè chất lượng cao, các yêu cầu thị trường đối với sản phẩm chè, sẽ được thông tin đến đông đảo mọi người. Đồng thời, giải đáp những thắc mắc, khó khăn, vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp, HTX và người dân trong quá trình sản xuất, chế biến, xuất khẩu chè an toàn, chất lượng cao.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.