Thảo luận ở hội trường Quốc hội ngày 5/11 về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Đoàn ĐBQH Bến Tre cho biết, Chính phủ dự kiến thu ngân sách năm 2024 tăng 10% so với năm 2023. Trong dự toán ngân sách 2025, Chính phủ yêu cầu tăng thu thêm 5% so với năm 2024.
Tuy nhiên, một số địa phương hiện gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3, cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất kinh doanh và góp phần tăng thu ngân sách. Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đồng thời tập trung khai thác các nguồn thu như sử dụng đất, trong đó cần sớm hoàn thiện các chính sách liên quan như bảng giá đất, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Hà Nội nhìn nhận, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư về cơ sở vật chất trên lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế.
Ông Cường nêu thực trạng, rằng nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập phải trả khoản tiền vay lãi suất cho ngân hàng khi đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Điều này khiến các bệnh viện và trường đại học tăng viện phí hoặc học phí cao lên. Do đó, người bệnh, người học phải chi trả phí dịch vụ cao.
Với thực tế nêu trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước cho hai lĩnh vực y tế và giáo dục, ít nhất là phải đủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu.
Sau khi đầu tư xong, cơ quan quản lý nên giao cho các trường, bệnh viện thực hiện tự chủ phải tự tính để tái đầu tư và tự lo chi thường xuyên. Như vậy, người bệnh, người học sẽ không phải chi trả phí dịch vụ cao.
Giải trình tại kỳ họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thông tin, việc phân bổ ngân sách phải có đầy đủ các thủ tục thì mới có thể thực hiện được. Trong chi thường xuyên cũng như vậy, phải có dự toán và đơn giá định mức được duyệt.
Để giảm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, đơn vị giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, hội thảo, tiếp khách. Trong năm nay, cả nước đã tiết kiệm khoảng 7.000 tỷ chi thường xuyên.
Về tự chủ tài chính, Phó Thủ tướng cho biết, có các mức độ tự chủ khác nhau như: Tự chủ một phần, tự chủ thường xuyên, tự chủ toàn diện. Vừa qua, một số đơn vị tự chủ toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đã xin được tự chủ một phần và Chính phủ đã đồng tình. Đây là những bệnh viện tuyến cuối, phục vụ công tác thăm khám, chữa trị, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, nên cần có sự hỗ trợ.
Đối với việc quản lý các loại tài sản trong đơn vị sự nghiệp công lập, Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã có quy định cụ thể, cởi mở, cho phép liên doanh liên kết, cho phép cho thuê, nhưng không được làm mất tài sản của nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận, 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ. Do đó, kết quả thực hiện ngân sách, chính sách tài khóa năm 2025 đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Việc hoàn thiện pháp luật về thu chi ngân sách nhà nước; cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý ngân sách nhà nước; cải thiện công tác lập kế hoạch dự toán, nhất là dự toán thu; kịp thời phân bổ giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công.
Đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tiêu cực. Đồng thời, có giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ; kiểm soát chặt chẽ bội chi nợ công trong điều kiện phải tăng quy mô nợ để thực hiện các dự án công trình trọng điểm.