2020 là năm nhiều Luật của ngành nông nghiệp chính thức có hiệu lực, trong đó có Luật Chăn nuôi nên việc giám sát việc triển khai thi hành các Luật mới là nhiệm vụ quan trọng của Bộ NN-PTNT. |
Tại công văn số 9235, Bộ NN-PTNT đã liệt kê 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về CCHC năm 2019, trong đó công tác chỉ đạo, điều hành vẫn là nhiệm vụ thường xuyên, được đặt lên hàng đầu khi Bộ NN-PTNT tiếp tục triển khai thực hiện nội dung nhiệm vụ CCHC theo tinh thần Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về chương trình CCHC giai đoạn 2011-2020 và Quyết định 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Lĩnh vực cải cách thể chế, Bộ NN-PTNT tập trung xây dựng văn bản theo kế hoạch của Bộ, gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều, xây dựng, trình ban hành 5 Nghị định và 15 Thông tư của Bộ.
Triển khai Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm tra, xử lý văn bản, tổ chức kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ và địa phương, kịp thời pháp hiện và đề xuất xử lý đối với văn bản trái pháp luật.
Thực hiện hợp nhất, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo quy định. Phối hợp với các Bộ, ngành trong việc thực hiện pháp điển đối với các đề mục thuộc thẩm quyền chủ trì thực hiện của các Bộ, ngành. Theo dõi thi hành các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, trong đó tập trung lĩnh vực pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành.
Với nhiệm vụ quan trọng là cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính rườm rà, các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý.
Thường xuyên rà soát, đánh giá, đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Kiểm soát chặt chẽ việc quy định TTHC tại các văn bản quy phạm pháp luật. Cập nhật, công bố, công khai TTHC kịp thời, đúng quy định.
Triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Nghị định 61/NĐ-CP. Gắn kết đơn giản hóa TTHC với ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử, nâng cao tính công khai, minh bạch, giảm chi phí, thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích doanh nghiệp phát triển.
Về cải cách tổ chức bộ máy, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ theo từng khối hành chính và sự nghiệp. Kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và tổ chức sự nghiệp công lập thuộc Bộ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đổi mới phương thức vận hành của hệ thống bộ máy, kiện toàn tổ chức ngành tại địa phương.
Thực hiện nghiêm quy định về cơ cấu, số lượng cấp phó tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đảm bảo việc tuyển dụng, sử dụng công chức phải đúng với năng lực, tiêu chuẩn, vị trí việc làm đã được phê duyệt. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức.
Năm 2020 Bộ NN-PTNT tiếp tục rà soát cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính rườm rà, các điều kiện kinh doanh không cần thiết. |
Đối với nhiệm vụ xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, Bộ NN-PTNT sẽ tiến hành xây dựng Quy định của Bộ về đánh giá, xếp loại các tổ chức, cán bộ lãnh đạo các đơn vị theo hướng đa chiều, có tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm.
Rà soát, sửa đổi bổ sung Thông tư số 27/2017/TT-BNNPTNT quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo Sở NN-PTNT. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính; Nghị định 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.
Tham mưu, phối hợp chỉ đạo việc xây dựng giá dịch vụ đào tạo trên cơ sở các định mức kinh tế, kỹ thuật thí điểm đã được phê duyệt làm cơ sở xác định định mức đào tạo một số ngành NN-PTNT trình độ đại học sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ/đặt hàng đào tạo.
Về cải cách tài chính công, rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc theo phân công của Chính phủ tại Nghị quyết số 08/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW. Đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công thuộc Bộ NN-PTNT quản lý.
Rà soát tổng hợp cơ sở dữ liệu về đất đai tại các đơn vị trực thuộc Bộ, đồng thời tiếp tục thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; tổng hợp báo cáo tình hình quản lý sử dung tài sản công của Bộ theo quy định.
Nhóm nhiệm vụ cuối cùng thứ 7 về hiện đại hóa hành chính, Bộ NN-PTNT tập trung triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 của Bộ.
Hoàn thiện chức năng quản lý văn bản đi, đến trên hệ thống phần mềm Văn phòng điện tử dùng chung của Bộ phù hợp với Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của thủ tướng Chính phủ, thực hiện xử lý, ban hành Văn bản điện tử.
Triển khai xây dựng, mở rộng các thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ, mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia theo tiến độ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia, đồng thời duy trì, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 tại các đơn vị thuộc Bộ.