| Hotline: 0983.970.780

Nhiều mối nguy hiểm rình rập Hồ Chí Minh và những thành viên trong đoàn

Thứ Tư 01/06/2016 , 09:01 (GMT+7)

“Bác sang đàm phán với Chính phủ Pháp khác nào như người tay không vào hang hùm miệng rắn… Bọn Pháp thực dân phản trắc có thể hại Bác trên đường đi...”.

13348998-552423038277361-2091455786-n14392950
Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vũ Đình Huỳnh và 2 thiếu niên bên chiếc xe đi Normandie (14/7/1946)
 

Được mời sang Pháp với vị thế là thượng khách của Chính phủ, song nhiều mối nguy hiểm rình rập Hồ Chí Minh và những thành viên trong đoàn.

Trước khi lên đường, nhiều người e ngại. Ông Nguyễn Lương Bằng và nhiều cán bộ Trung ương Đảng không muốn có chuyến đi lành ít dữ nhiều.

“Bác sang đàm phán với Chính phủ Pháp khác nào như người tay không vào hang hùm miệng rắn… Bọn Pháp thực dân phản trắc có thể hại Bác trên đường đi. Chính phủ Pháp có thể giở mặt giữ Bác lại bên Pháp… Giả thuyết nào cũng có cái lý của nó. Rốt cuộc không ai yên tâm cả. Trung ương Đảng cũng bàn đi bàn lại nhiều lần về chuyến đi của Bác. Nỗi lo của nhân dân cũng là nỗi lo của Đảng”.

Vụ tai nạn ô tô tại Evreux

Những lo lắng ấy không phải vô lý. Đến ngày 17/7/1946, trong hành trình thăm Normandie, nơi liên quân Anh - Mỹ trong phe Đồng Minh đổ bộ lên đất Pháp để đánh quân phát-xít Đức, thư ký Đỗ Đình Thiện ngồi trên chiếc xe của ông Sainteny gặp tai nạn.

Nhật ký của ông Vũ Đình Huỳnh ghi: “Ngày 17 tháng 7. 9 giờ, Cụ Chủ tịch đi thăm Normandie. 4 chiếc xe hơi cùng đi, có Hồ Chủ tịch, ông Sainteny, anh em tuỳ tùng, những người hộ vệ, 2 vợ chồng ông Hertrich cùng hai em nhỏ và nhà điện ảnh Mai Trung Thứ...

Giời mưa phùn, đường trơn, đi khỏi thành phố Evreux chừng 15 cây số thì một chiếc xe hơi bị lật đổ xuống bờ ruộng. Đầu xe hỏng hết. Tài xế lọt nằm ngang dưới xe, anh Thiện và ông Hertrich bị thương xoàng. Bà Hertrich bị gãy xương vai”.

Ghi chép của cảnh sát Pháp về vụ tai nạn ô tô này như sau: Trong chuyến đi Normandie, chiếc xe của Sainteny đã bị lâm nạn ở d’Evreux. Trên xe có chở người bạn của Sainteny, người lái xe và Đỗ Đình Thiện - thư ký văn phòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả mọi người trên xe đều bị thương. Nhưng chỉ có một mình ông Thiện tiếp tục chuyến đi, sau khi đã được cấp cứu tại bệnh viện.

Là người trong cuộc, lại bị thương trong chuyến xe này, ông Đỗ Đình Thiện đã ghi chép lại tỉ mỉ trong nhật ký: “Bốn xe bon bon chạy trên đường nhựa rộng rãi và tốt.

Tới Evreux, cách Paris 100 cây số, hồi 11h40. Xe vẫn chạy trên đường thẳng, nhơm nhớp ướt vì trước khi đi trời mưa và lúc đi đường cũng thỉnh thoảng có hột mưa. Xe đi cái nọ cách cái kia trên dưới 100 thước nên thường trông thấy nhau. Khi đi quá Evreux lối chừng 15 cây số thì xe thứ 3, trên có 2 vợ chồng ông Hertrich và Thiện ngồi, tự nhiên láng sang trái (quãng đường chỗ ấy thật thẳng và tốc lực độ 80-90 cây/giờ), rồi không hãm nổi và cũng không lấy lại được tay lái.

Thế là xe không chạy theo đường mà đâm chạy ngang hẳn sang vệ đường tay trái, húc vào một đống đá, rồi nhào mũi xe xuống, lật ngửa lên, và lăn ngang 3 vòng rồi đứng dậy. Rõ ràng trông thấy tai nạn sắp xẩy đến mà thật bất lực, không làm gì được”.

Trong vụ tai nạn này, bà Hertrich gãy xương bả vai, ông Hertrich cùng tài xế bị thương phải vào bệnh viện điều trị. Còn ông Đỗ Đình Thiện may mắn chỉ bị xây xát xoàng.

Đã có nhiều bình luận xung quanh vụ tai nạn ô tô mà dư luận cho là không bình thường này. Về sau, ông Vũ Đình Huỳnh trong hồi ký “Tháng Tám cờ bay” cũng thắc mắc: “Đúng vào lúc ông Sainteny rời chiếc Buck, chiến lợi phẩm vốn của Tư lệnh Nhật Bản tại Bắc Việt Nam mà tướng Leclerc tặng ông ta, để sang ngồi cùng xe với Bác thì xe của ông ta đột ngột mất lái đâm nhào xuống. Một vụ mưu sát? Ý nghĩ đó đến với bất cứ ai trong đoàn tham quan”.

Căng thẳng, lo ngại

Thời gian này, tình hình chính trị nội bộ của nước Pháp cũng có nhiều rối ren, phức tạp. Các đảng cánh hữu ít nhiều đều ác cảm với Việt Nam. Phái đoàn ngoại giao do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu và phái đoàn đàm phán do ông Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn dù đã có nhiều hoạt động thiện chí, thành tâm nhất thì cũng bắt đầu chán ngán. Ông Sainteny đã phải viết trong hồi ký của mình: “Sự bi quan chán nản xuất hiện ở cả hai phía”.

Là phái viên của Chính phủ Pháp đi theo tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Nam sang Pháp, ông Sainteny nhớ lại trong hồi ký “Một nền hòa bình bị bỏ lỡ”, như sau: “Sự căng thẳng và sự lo ngại không ngừng tăng thêm. Sau này, tôi được biết từ giờ phút này những đại biểu Việt Nam đều có thể nghĩ rằng họ có thể bị bắt giữ. Bầu không khí tin cậy lẫn nhau, rất cần cho chính sách hòa giải phải khó nhọc lắm mới xây dựng được, nay hoàn toàn tan biến”.

Rồi những tin tức từ trong nước đưa sang cũng mang gam màu xám. Được sự hậu thuẫn của thực dân Pháp, Nam Kỳ tuyên bố thành lập Chính phủ tự trị. Điều này khiến cho những người lãnh đạo Chính phủ đã có những phản ứng gay gắt.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu đã đọc một bài diễn văn trong “Ngày Nam Bộ” với những lời lẽ mạnh mẽ, coi việc thành lập Chính phủ tự trị Nam Kỳ giống như việc tách rời hai tỉnh Alsace và Lorraine ra khỏi nước Pháp.

Không dừng lại ở đó, dư âm vụ chiếc máy bay chở cựu hoàng Duy Tân gặp tai nạn cuối tháng 12/1945 càng khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Việt Nam đang ở Pháp e ngại. Đàm phán tại Fontainebleau đổ vỡ. Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng cùng các thành viên rời nước Pháp về Việt Nam. Ông Hoàng Minh Giám và ông Dương Bạch Mai chưa về nước mà sang đoàn của Hồ Chí Minh. Sau khi ký Tạm ước 14/9/1946, Hồ Chủ tịch mới chuẩn bị trở về.

Tranh thủ thời gian còn lại

Từ lâu, Sainteny đã tăng cường thúc đẩy Chính phủ Pháp thu xếp để tổ chức đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước được nhanh nhất. Ngày về đã được ấn định là 14/9 nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn tranh thủ thời gian còn lại.

“Ông từ chối đi máy bay, viện lý do sức khỏe. Có lẽ ông nghĩ tới một âm mưu ám hại ông, dễ thực hiện trong chuyến bay. Ông đòi trở về trên một tàu chiến Pháp và Bộ Hải quân đã dành cho ông chiếc Thông báo hạm Dumont d’Urrville dự kiến sẽ đi Đông Dương để ông sử dụng”, Sainteny viết.

Ngày 16/9/1946, đúng 48 giờ sau khi ký bản Tạm ước 14/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn tùy tùng rời Paris trên một toa xe lửa đặc biệt đi xuống Marseille và quân cảng Toulon. Cùng về với Bác chuyến này có có 4 nhà trí thức. Đó là kỹ sư Phạm Quang Lễ (sau này là Thiếu tướng, GS.VS Trần Đại Nghĩa), kỹ sư Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước và kỹ sư Võ Đình Quỳnh.

“Những cố gắng của tôi nhằm thu xếp cho ông (Hồ Chí Minh - PV) trở về Hà Nội bằng phương tiện nhanh nhất đã thất bại”, Sainteny hồi cố.

Xem thêm
Diễn viên Bình An thoát nạn khỏi đám cháy

Tối 17/5, đám cháy bùng phát tại toà nhà ở số 1174 Đường Láng(Hà Nội) khiến nhiều người bị mắc kẹt, trong đó có diễn viên nổi tiếng Bình An

Pháp công bố danh sách dự EURO 2024: Kante trở lại

Tối 16/5, HLV Didier Deschamps công bố danh sách chính thức 25 cầu thủ tuyển Pháp tham dự EURO 2024. Tiền vệ Kante có tên trong danh sách sau 2 năm vắng mặt.

Quang Hải sang Nhật Bản?

Tiền vệ Quang Hải sẽ rời CLB CAHN vào cuối mùa giải này khi hợp đồng đôi bên đáo hạn, nhằm chuẩn bị cho bước tiếp theo trong sự nghiệp.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.