| Hotline: 0983.970.780

Trong thời gian ở Pháp, 'Chủ tịch Hồ Chí Minh không có một phút nào rảnh'

Thứ Ba 31/05/2016 , 09:01 (GMT+7)

Thời gian đầu ở Pháp, mấy ngày liền bận rộn đến thời gian ngủ cũng ít. Có những tờ báo Pháp đã đưa tin: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không có một phút nào rảnh”.

Không phút nào rảnh

Chiếc máy bay cất cánh từ sân bay Gia Lâm, qua My-an-ma; Ai Cập; rồi đến nước Pháp thì đoàn lưu lại Bi-a-rit 10 ngày trước khi tới Thủ đô Paris.

Tháp tùng Hồ Chủ tịch trong chặng nghỉ chân đầu tiên tại Pê-gu (My-an-ma), trời mưa không ngớt. Những hạt mưa rơi xuống mái tôn như ném đá. Với một không gian gần gũi, thân mật, tướng Xa-lăng hỏi: “Trong bản Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3, Ngài ký tên là Hồ Chí Minh. Nhưng tên chính của Ngài có phải là Nguyễn Ái Quốc không?”

Hồ Chí Minh hóm hỉnh trả lời: “Cũng trong bản Hiệp định đó, người đại diện cho Chính phủ Pháp ký tên là Xanh-tơ-ni, nhưng tên thật của ông ta chẳng phải là Giăng Rô-giê đó sao?”. Câu trả lời của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam DCCH cho thấy dù trong tình huống nào thì Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự hài hước của mình.

Đúng 16h15 ngày 22/6/1946, máy bay chở Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp xuống sân bay Buốc-giê (Paris). Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Mu-tê, đại diện Chính phủ Pháp, ra tận chân cầu thang máy bay đón Hồ Chủ tịch theo đúng các nghi thức ngoại giao người Pháp dành cho nguyên thủ quốc gia.

Đến ngày 2/7/1946, Thủ tướng Bi-đôn đã tổ chức lễ đón chính thức Chủ tịch Hồ Chí Minh và tùy tùng (Vũ Đình Huỳnh, Đỗ Đình Thiện, Lê Văn Cưu, Phạm Ngọc Xuân) được tổ chức trọng thể tại Dinh Thủ tướng.

13293348-551935538326111-673689232-n133639991
Thủ tướng Bi-đôn và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Dinh Thủ tướng, ngày 2/7/1946

Sau đó, Chính phủ Pháp đã thu xếp để Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn tùy tùng đến ở trong khách sạn Royal Monceau sang trọng. Mấy ngày liền bận rộn đến thời gian ngủ cũng ít. Có những tờ báo Pháp đã đưa tin: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không có một phút nào rảnh”. Còn linh mục Cao Văn Luận, một học giả trong giới Việt kiều ở Pháp, khi đó đã được gặp Hồ Chí Minh và sống trong không khí sôi động của Paris, đã thừa nhận trong cuốn hồi ký sau này của ông - Bên dòng lịch sử - có câu: “Người Pháp có cảm tình với Cụ Hồ nhiều lắm”.

Một kỷ niệm riêng tư về sinh hoạt cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ông Đỗ Đình Thiện ghi lại với sự cảm kích của chính ông: “Sáng sáng, Bác dùng bột than củi mang từ nhà đi để đánh răng. Tôi nghĩ Bác tiết kiệm, hơn nữa cũng lo không tiện về ngoại giao, đã lẳng lặng giấu hộp than của Bác đi, và để thay vào đó một tuýp thuốc đánh răng.

Sáng dậy, Bác cứ loay hoay đi tìm, tôi giả bộ nói: “Thưa Bác, mất rồi thì thôi, mời Bác dùng thuốc đánh răng”. Bác nói: “Không phải mình hà tiện đâu, nhưng mình quen mất rồi, đánh bằng thuốc mình cứ hay bị lợm giọng”. Thế là sang hôm sau, vừa thương Bác vừa cảm động, tôi đành lẳng lặng đặt trả lại hộp bột than đánh răng của Người”.

Đối diện với Hồ Chí Minh

Theo nhật ký của ông Đỗ Đình Thiện ghi lại lịch trình làm việc của Hồ Chủ tịch tại Pháp, cho thấy, ngoài các nghi thức ngoại giao và các cuộc tiếp xúc chính trị với chính giới Pháp, Bác còn có rất nhiều cuộc gặp gỡ với bà còn Việt kiều tại Pháp, tiếp xúc với báo giới và với nhiều nhà khoa học, trong đó có nhiều danh nhân thế giới như họa sĩ Picasso, nhà bác học Joliot Curie, nhà văn Ehrenbourg…

Tại bữa tiệc ở lữ quán Ritd’ do đô đốc Đác-giăng-li-ơ chủ trì, có cuộc tiếp xúc khá thú vị. Đó là cuộc gặp giữa Hồ Chí Minh và hai cựu toàn quyền Đông Dương: Va-ren và Xa-rô. Trong đó, Va-ren từng chạm trán với Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tua năm 1920. Khi đó, với tư cách đại biểu đảng bộ Puy-đờ-Đôm, Va-ren đã ủng hộ L. Bơ-lum.

Năm 1925, Va-ren sang làm Toàn quyền Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc cũng đã có bài viết giễu cợt “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu”. Còn Xa-rô, con cáo già thực dân, đã 2 lần làm Toàn quyền Đông Dương, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa. Xa-rô đã tổ chức theo dõi sát sao mọi hoạt động của Nguyễn Ái Quốc hòng “bẻ cổ” nhà yêu nước này.

13329648-551935534992778-1873088681-n13364088
Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay Buốc-giê (chiều 22/6/1946)

Trong cuốn “Đối diện với Hồ Chí Minh”, xuất bản năm 1970, tại Pháp, nhà báo Lacutuya kể lại, vừa gặp Hồ Chí Minh, thì Xa-rô chìa tay ra: “Ồ, anh đấy hả?....Nghĩ lại tôi đã trải qua một phần lớn cuộc đời để chạy theo anh”.

Rồi Xa-rô xiết chặt Hồ Chí Minh, gọi là “Người bạn quý”. Theo nhà báo Trần Đương, sau này, khi gặp vợ chồng nhà văn người Đức, ông bà Xten, vui chuyện Hồ Chí Minh có kể lại.

Cuộc gặp hôm đó, Xa-rô chỉ yêu cầu một điều: Xin vẫn để tên một trường học mới khánh thành ở Hà Nội tiếp tục mang tên A. Xa-rô. Trường này vốn được nhắc đến nhiều trong các cuộc đàm phán về vấn đề văn hóa tại Hội nghị Đà Lạt và cả Hội nghị Fontainebleau.

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chính quyền và quân đội Pháp rút về phía nam vĩ tuyến 17, Chính phủ Việt Nam DCCH về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Thực hiện Thoả thuận về văn hoá ký ngày 7/4/1955 giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam DCCH nhằm “tạo điều kiện hiểu biết lẫn nhau và trao đổi văn hóa giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp” cùng với đó là Nghị định thư ngày 23/7/1955; trường Trung học Xa-rô được tiếp tục mở tại Hà Nội trong thời hạn 10 năm, từ 1955 đến 1965.

Ông Ngô Thế Long, một cựu học sinh cho biết, theo thoả thuận, trường Xa-rô không do Chính phủ Pháp kiểm soát nữa mà là một trường tư thục do tổ chức Lương hội Pháp (Mission Laïque Française), một tổ chức nhằm truyền bá tiếng Pháp và văn hoá Pháp bằng việc mở các trường học ở nước ngoài, chịu trách nhiệm. Học sinh học tại trường không phải đóng học phí.

Năm 1965, năm kết thúc Thoả thuận về văn hoá giữa Việt Nam và Pháp, cũng là năm quân đội Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc Việt Nam. Các trường học của Hà Nội từ năm học 1965-1966 phải đi sơ tán xa Hà Nội. Trường Trung học Xa-rô chính thức giải tán. Trụ sở của trường tại 8 Hai Bà Trưng sau này là trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm.

Hợp tác chặt chẽ là có lợi cả hai bên

Ngày 2/9/1946, tại Paris, lễ mít tinh kỷ niệm ngày Quốc khánh Việt Nam lần thứ nhất, Hồ Chủ tịch đã đọc diễn văn nhấn mạnh cùng kiều bào ta và nhân dân nước Pháp:

“Tình hữu nghị Pháp - Việt là điều kiện cho sự chấn hưng nước ta, cũng như cho sự phát triển ảnh hưởng của nước Pháp ở châu Á. Tôi tin chắc rằng, một sự hợp tác chặt chẽ là có lợi cho cả hai bên…

Nước Việt Nam đã long trọng cam kết tôn trọng những lợi ích văn hóa và kinh tế của Pháp trên đất nước Việt Nam; hơn thế nữa, Việt Nam còn sẵn sàng phát triển nó bằng sự hợp tác anh em và trung thực. Việt Nam độc lập, chẳng những không làm hại đến lợi ích của Pháp, mà còn tăng cường vị trí và củng cố uy tín của Pháp ở châu Á…”.

 

Xem thêm
Diễn viên Bình An thoát nạn khỏi đám cháy

Tối 17/5, đám cháy bùng phát tại toà nhà ở số 1174 Đường Láng(Hà Nội) khiến nhiều người bị mắc kẹt, trong đó có diễn viên nổi tiếng Bình An

Pháp công bố danh sách dự EURO 2024: Kante trở lại

Tối 16/5, HLV Didier Deschamps công bố danh sách chính thức 25 cầu thủ tuyển Pháp tham dự EURO 2024. Tiền vệ Kante có tên trong danh sách sau 2 năm vắng mặt.

Quang Hải sang Nhật Bản?

Tiền vệ Quang Hải sẽ rời CLB CAHN vào cuối mùa giải này khi hợp đồng đôi bên đáo hạn, nhằm chuẩn bị cho bước tiếp theo trong sự nghiệp.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.