| Hotline: 0983.970.780

Nhiều người biết nhưng vẫn rơi vào bẫy lừa đảo trực tuyến

Thứ Hai 30/10/2023 , 17:37 (GMT+7)

Các ‘chiêu thức’ lừa đảo trực tuyến, tinh vi và bài bản tới mức nhiều người tự tin mình không thể sập bẫy, thậm chí còn trêu đùa kẻ lừa đảo nhưng vẫn ‘sập bẫy’.

Theo số liệu của Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo qua mạng tại Việt Nam tăng gần 65 % so với cùng kỳ năm 2022. Các hình thức lừa đảo qua mạng vô cùng tinh vi và bài bản, mọi con đường các đối tượng dựng nên đều nhắm đến chiếm đoạt tiền của người bị hại.

Tại Việt Nam, năm 2022 đã ghi nhận gần 13.000 nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến, tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Trong sáu tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82% so với sáu tháng cuối năm 2022.

Các 'chiêu thức' lừa đảo trực tuyến vô cùng tinh vi và bài bản, khiến nhiều dù biết nhưng vẫn 'sập bẫy'. Ảnh: ST. 

Các "chiêu thức" lừa đảo trực tuyến vô cùng tinh vi và bài bản, khiến nhiều dù biết nhưng vẫn "sập bẫy". Ảnh: ST. 

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác). Trong đó, với hai hình thức lừa đảo chính là lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân chiếm 24,4% và lừa đảo tài chính chiếm 75,6%.

Việc lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính. Theo các chuyên gia, hình thức lừa đảo trực tuyến, tinh vi và bài bản tới mức rất nhiều người tự tin cho mình là không thể sập bẫy vì đã quá quen và cảnh giác cao, thậm chí còn trêu đùa lại khi nhận được tin nhắn vay tiền từ Facebook, gọi điện để kiểm tra trước khi chuyển tiền nhưng vẫn bị lừa.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, chị Bùi Thị Hồng Thắm tại Hòa Bình cho biết, trong quá trình sử dụng tài khoản ngân hàng, chị đã nhận được các cuộc gọi, tin nhắn từ các đối tượng lừa đảo qua các tài khoản mạng xã hội thông báo trúng thưởng của một nhãn hàng tiêu dùng lớn tại Việt Nam và yêu cầu chị nộp một khoản tiền gần 2 triệu đồng để hỗ trợ chi phí trúng thưởng.

Chị Bùi Thị Hồng Thắm được chi trả quyền lợi bảo hiểm Bảo an tài khoản sau khi 'sập bẫy' các đối tượng lừa đảo trực tuyến. Ảnh: Abic.

Chị Bùi Thị Hồng Thắm được chi trả quyền lợi bảo hiểm Bảo an tài khoản sau khi 'sập bẫy' các đối tượng lừa đảo trực tuyến. Ảnh: Abic.

Sau khi chuyển tiền, các đối tượng lại liên tục thúc giục yêu cầu chị chuyển thêm một số tiền hơn 9 triệu đồng nữa để chứng minh tài chính thì mới nhận được phần thưởng cùng làm lễ trao lại toàn bộ số tiền đã nhận. Do thấy các giao diện qua Facebook đều thể hiện là nhãn hàng lớn nên chị đã tin tưởng, vay mượn thêm tiền để chuyển cho các đối tượng lừa đảo. Nhưng đến khi chuyển xong, liền không liên lạc được với các đối tượng này.

Đáng lưu ý, khi các đối tượng lừa đảo liên hệ, chị Thắm đã đưa ra lý do ‘hết tiền’ để từ chối nhận thưởng nhưng các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức 'đeo bám' khiến chị mệt mỏi và dùng nhiều thủ đoạn lừa dối tinh vi khiến chị tin vào kịch bản mà các đối tượng lừa đảo dựng nên.

Tuy nhiên, do tham gia sản phẩm bảo hiểm ‘Bảo an tài khoản’ của Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank) nên chị đã được Bảo hiểm Agribank chi trả gần như toàn bộ số tiền đã bị lừa. "Tính ra tôi cũng chỉ mất khoảng hơn 500 nghìn đồng tiền chi phí", chị Thắm chia sẻ.

Ông Đỗ Minh Hoàng, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Bảo hiểm Agribank cho biết: "Nhóm các đối tượng mà bị lừa đảo online nhiều nhất lại là những người dân sinh sống tại khu vực nông thôn. Đây là nhóm khách hàng chủ yếu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhưng nhóm khách hàng này còn thiếu kinh nghiệm trong sử dụng tài khoản trên không gian mạng và các dịch vụ của ngân hàng trên nền tảng số. Nên nhóm khách hàng này trở thành mục tiêu tấn công chính của các đối tượng lừa đảo trực tuyến. Dù tần suất nhiều nhưng quy mô nhỏ, để lẩn tránh sự chú ý của cơ quan công an, cũng như phù hợp với hạn mức chi trả của khách hàng và mức thấu chi của ngân hàng".

Do đó, triển khai Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng về phát triển kinh tế khu vực Nông thôn, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao cho Bảo hiểm Agribank nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm bảo hiểm để bảo vệ các khách hàng nói chung và người nông dân nói riêng trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến. Trong đó, sản phẩm "Bảo an tài khoản" là một trong những sản phẩm giúp người dân chuyển giao một phần rủi ro khi đã xảy ra thiệt hại tài chính trên tài khoản ngân hàng của mình.

Theo ông Hoàng, đây là sản phẩm bảo vệ khách hàng cá nhân trước các rủi ro mất tiền trong tài khoản trước sự gia tăng không ngừng của tội phạm mạng, tội phạm lừa đảo trực tuyến, giảm bớt thiệt hại tài chính khi không may bất cẩn bị lừa đảo. Qua đó giúp khách hàng an tâm khi sử dụng các giao dịch trực tuyến, dịch vụ ngân hàng điện tử của Agribank.

Đặc biệt, khi thiết kế sản phẩm, Bảo hiểm Agribank chú trọng đến việc đưa ra một sản phẩm bảo vệ toàn diện có mức chi phí phù hợp với đại đa số người dân. Bên cạnh đó, sản phẩm Bảo hiểm Bảo an tài khoản cũng có mức bảo vệ tối đa, ưu tiên phương án sử dụng kênh online trong công tác thẩm định và đền bù, đảm bảo thủ tục giải quyết thẩm định và đền bù nhanh gọn, tối đa chỉ vài ngày cho một trường hợp.

Thời gian qua, Bộ Công an cùng với Công an các địa phương đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm lừa đảo mạng. Cục Cảnh sát Hình sự đã áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đấu tranh khám phá thành công nhiều chuyên án, bắt giữ nhiều đối tượng là người Việt Nam và người nước ngoài.

Đến nay, Bộ Công an đã liệt kê 24 hình thức lừa đảo trực tuyến nhằm vào các đối tượng người cao tuổi có khoảng 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên, thanh niên có 13 hình thức; công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo; phụ huynh học sinh có 10 hình thức lừa đảo... 

Các chuyên gia về an ninh mạng cũng đưa ra các khuyến cáo về việc người dân cần tự bảo vệ mình trước các đối tượng lừa đảo trực tuyến như "người dùng nên quen dần với việc lừa đảo thao túng tâm lý; bình tĩnh và kiểm chứng thông tin một cách cẩn thận trước khi chuyển tiền; đồng thời, nâng cao kiến thức tự bảo vệ mình".

Xem thêm
Giảm án cho bị cáo Nguyễn Cao Trí trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Tòa phúc thẩm giảm án cho Nguyễn Cao Trí trong vụ Vạn Thịnh Phát, ghi nhận khắc phục hậu quả nhưng hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng.