| Hotline: 0983.970.780

Nhiều nhà đầu tư không gửi hồ sơ đàm phán giá điện với EVN

Thứ Sáu 26/05/2023 , 20:14 (GMT+7)

Lo ngại về khung giá phát điện nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp thấp, thời gian giải phóng mặt bằng và thi công gấp rút là nỗi lo của nhà đầu tư.

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa thông tin về các dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp.

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa thông tin về các dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp.

Tính đến ngày 26/5/2023, Bộ Công thương cho biết, có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155 MW (chiếm tỷ lệ 67%) đã nộp hồ sơ đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trong đó, 42 nhà máy với tổng công suất 2.258,9 MW đang tiến hành thỏa thuận giá điện.

36/42 nhà máy này, với tổng công suất 2.063,7 MW, đã đề xuất giá điện tạm bằng 50% khung giá để làm cơ sơ huy động. 19 trong số đó, với tổng công suất 1.346,82 MW, đã được Bộ Công thương phê duyệt giá tạm thời. Số còn lại đang được EVN hoàn thiện thủ tục để trình phê duyệt trong tháng 5 này.

Đối với 19 nhà máy điện đã thống nhất giá tạm thời, 13 nhà máy đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực, trong đó 12 nhà máy được cấp phép với toàn bộ công suất theo quy hoạch.

Bộ Công thương đánh giá, đây là tín hiệu tích cực, cho thấy nỗ lực đàm phán của các chủ đầu tư và EVN trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên. 

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư còn tâm lý e ngại với khung giá phát điện nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp do Bộ Công thương ban hành tại Quyết định số 21/QĐ-BCT hồi đầu tháng 1/2023. Họ cho rằng, mức giá trần này thấp hơn 20-30% so với giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) ưu đãi 20 năm từng được đưa ra.

"Một số chủ đầu tư các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp coi khung giá mua điện năng lượng tái tạo thấp hơn kỳ vọng, nên không gửi hồ sơ để đàm phán giá điện với EVN, dẫn đến kéo dài thời gian đàm phán, gây lãng phí nguồn lực", Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa cho biết.

Bên cạnh đó, việc chạy đua để kịp thời gian hưởng ưu đãi giá FIT của nhà đầu tư khiến thời gian giải phóng mặt bằng và thi công gấp rút, dẫn tới nhiều dự án có chi phí đầu tư bị đội. Cơ chế giá bán điện ưu đãi FIT là cơ chế giá điện hỗ trợ, được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió và được quy định trong khoảng thời gian nhất định. 

Để giải quyết, Bộ Công thương đã đề xuất, cho phép cơ chế chuyển tiếp cho dự án điện gió, mặt trời, miễn là nằm trong quy hoạch được phê duyệt và có chủ trương đầu tư đến ngày 26/1/2022. Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép chủ đầu tư được đàm phán với EVN để xác định giá mua bán điện, với điều kiện nằm trong khung giá do Bộ ban hành và ký hợp đồng mua bán điện với EVN.

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn về điện gió, điện mặt trời.

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn về điện gió, điện mặt trời.

Tính đến 20/3/2023, hơn 2 tháng từ khi Quyết định số 21 về khung giá phát điện nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp có hiệu lực, Công ty Mua bán điện (EVN) mới nhận 1 bộ hồ sơ của nhà đầu tư.

"Đây là lúc các chủ đầu tư cần gấp rút hoàn chỉnh thủ tục và nộp hồ sơ để việc thỏa thuận giá điện không bị kéo dài, rút ngắn thời gian đưa các dự án này vào vận hành, từng bước giải quyết bài toán kinh doanh của doanh nghiệp", đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh.

Hiện nay hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là ở miền Bắc, đang trong cao điểm mùa khô, vận hành trong tình trạng hết sức khó khăn do phụ tải hệ thống tăng cao, lưu lượng nước về của các nhà máy thủy điện thấp. Việc tăng cường huy động các nguồn điện sẵn có, trong đó có nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp, là hết sức cần thiết.

Ngày 25/5/2023, Bộ Công thương tiếp tục có Công văn số 3219/BCT-ĐTĐL-ĐL về việc triển khai thực hiện Thông báo số 182/TB-VPCP ngày 17/5/2023 của Văn phòng Chính phủ liên quan đến các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Bộ Công thương yêu cầu EVN khẩn trương đàm phán với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện.

Bên cạnh đó, EVN phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan như thoả thuận đấu nối (nếu đã hết hạn) trước ngày 5/6; hoàn thành các thử nghiệm theo quy định trước ngày 10/6 đối với các nhà máy điện đã đăng ký, xem xét kết quả thử nghiệm của các nhà máy điện, đảm bảo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và các quy định liên quan.

Với các nhà máy điện chuyển tiếp đã được phê duyệt giá tạm thời, Bộ chỉ đạo EVN khẩn trương ký kết hợp đồng mua bán điện và rà soát các thủ tục để sớm cho vận hành phát lên lưới điện. Các nhà máy còn lại, EVN khẩn trương thỏa thuận giá tạm thời với các chủ đầu tư trước ngày 27/5 để trình Bộ Công thương phê duyệt.

"Chính phủ cùng các Bộ, ngành luôn chia sẻ và đồng hành cùng các nhà đầu tư để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Để nhanh chóng đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, cần sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp trên tinh thần thượng tôn pháp luật", Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực khẳng định.

Bộ Công thương quy định, mức giá trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm VAT) áp dụng cho nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh. Giá trần áp dụng cho điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh. 

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất