Linh động giải quyết hồ sơ thủ tục
Với bề dày kinh nghiệm ứng phó trong những đợt dịch Covid-19, để hỗ trợ người lao động đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nhanh chóng và tiện lợi, Trung tâm Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP.HCM đã cho triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết hồ sơ cho người lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy trình một cửa tại ở một số chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp; cấp mã vạch cho người lao động và in tờ thông báo việc làm hàng tháng, giảm bớt thời gian cho người đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đặc biệt, ngay sau khi thành phố thực hiện giản các xã hội (từ 0h ngày 31/5), Trung tâm đã phối hợp với Bưu điện TP.HCM tiếp tục triển khai hoạt động tiếp nhận hồ sơ Bảo hiểm thất nghiệp của người lao động qua đường bưu điện. Đồng thời, Trung tâm cũng phối hợp với tổng đài 1080 HCM VNPT để người lao động có thể đặt số thứ tự qua tổng đài.
Cùng với đó, Trung tâm còn triển khai đưa các thông báo, biểu mẫu đăng ký Bảo hiểm thất nghiệp lên trang Web của Trung tâm để người lao động có thể tải, kê khai trước khi đến nộp hồ sơ, rút ngắn thời gian chờ đợi của người lao động khi đến giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, Trung tâm còn đã phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội TP thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động qua hệ thống ngân hàng.
Theo Trung tâm Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP.HCM, trong Quý 1/2021, Trung tâm đã tiếp nhận 27.588 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, đạt 91% so với cùng kỳ năm trước. Các đối tượng nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu là ngành nghề: Lao động phổ thông (7.803 người), văn phòng (1.576 người), kế toán (1.395 người), quản trị kinh doanh (977 người) và dệt may (927 người)…
Tích cực kết nối tạo việc làm cho người lao động
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) dự kiến, nhu cầu nhân lực TP năm 2021 cần khoảng 270.000 - 300.000 chỗ làm việc, trong đó có 140.000 chỗ việc làm mới.
Nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm sớm tìm được việc làm mới quay trở lại thị trường lao động, Trung tâm Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP.HCM đã cho điều tra về ngành nghề của người lao động bị mất việc như: điều tra, thống kê ngành nghề, phân loại trình độ tay nghề của người lao động thất nghiệp. Đồng thời, khảo sát về cung cầu lao động tại thị trường lao động trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận.
Trên cơ sở đó, Trung tâm đã triển khai đồng loạt công tác giới thiệu việc, hỗ trợ người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp muốn tìm việc làm mới tại Trung tâm và Chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp thuộc Trung tâm ở các quận, huyện. Đồng thời, luôn cắt cử nhân viên chuyên về tư vấn, giới thiệu việc làm trực hàng ngày tại Trung tâm và các chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt, Trung tâm đã phối hợp với phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, trường nghề tổ chức khoảng 29 phiên giao dịch việc làm/tháng.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP.HCM đã tổ chức thực hiện tư vấn việc làm 152.692 lượt người, giới thiệu việc làm: 45.125 lượt người; số người nhận việc làm: 21.422 người; tiếp nhận 203.477 lượt người lao động đến thông báo tình trạng việc làm; thẩm định và ban hành thông báo chấp thuận 4.873 vị trí công việc được sử dụng 6.580 lao động người nước ngoài...
Hơn 19,654 tỷ đồng dành cho vay giải quyết việc làm
UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về giao chỉ tiêu cho vay giải quyết việc làm năm 2021.
Theo đó, thành phố giao chỉ tiêu cho vay giải quyết việc làm năm 2021 (từ nguồn vốn bổ sung theo quy định tại Thông tư số 11/2017/TT-BTC ngày 8/2/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác) cho TP Thủ Đức và các quận, huyện với số tiền hơn 19,654 tỷ đồng để thực hiện cho vay giải quyết việc làm.
Cụ thể, các quận, huyện gồm 5, 7, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Tân Phú, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè là 500 triệu đồng; các quận, huyện gồm 1, 3, 8, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Bình, Cần Giờ là 1 tỷ đồng; TP Thủ Đức và huyện Hóc Môn là 1,5 tỷ đồng; Quận 4 hơn 1,65 tỷ đồng; Quận 6 là 2 tỷ đồng.
Theo đánh giá của ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở LĐ – TB&XH TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm 2021, Sở đã tập trung nhiều giải pháp vừa kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 với nhiều nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, của Sở đến các phòng, ban, đơn vị để triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gắn với các giải pháp phát triển kinh tế, qua đó trong 5 tháng đầu năm, một số lĩnh vực của Ngành có tăng so với cùng kỳ như: số giải quyết việc làm tăng 4,53%; tạo việc làm mới tăng 4,69%...