* Chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT
Cụ thể, UBND TP Phan Thiết cho phép 160 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn tại 3 xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm và Tiến Lợi không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của TP Phan Thiết đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đặc biệt, có 139 thửa đất với hơn 176.815m2 chuyển đổi không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm 2016, 2017, 2018 đã được UBND tỉnh phê duyệt, trái với quy định Điều 52 Luật Đất đai năm 2013.
Phân lô bán nền tại xã Phong Nẫm |
Bên cạnh đó, kết luận thanh tra còn chỉ rõ UBND TP Phan Thiết đã cố ý, tùy tiện làm trái quy định trong việc xác định khu vực, vị trí thửa đất, mục đích sử dụng đất trước khi chuyển mục đích không đúng thực tế, không đúng quy định gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Cụ thể, chỉ 5 cá nhân gồm ông Mai Văn Triệu, bà Nguyễn Thị Như Trang, ông Phạm Chung, ông Phạm Hòa Trung và ông Đặng Phong sau khi điều chỉnh thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, do các cơ quan chức năng TP Phan Thiết xác định vị trí thửa đất không đúng quy định, nên Chi cục Thuế TP Phan Thiết tính lại việc nộp tiền sử dụng đất, với số tiền chênh lệch hơn 5,7 tỷ đồng (nếu việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trên là đúng theo quy định pháp luật)…
“Việc làm trên là sai phạm có hệ thống trong việc tham mưu, chuyển mục đích sử dụng đất, xác định vị trí thửa đất, phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, tính nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất; tách thửa đất ở nông thôn…”, văn bản kết luận thanh tra nêu rõ.
Kết luận thanh tra cũng cho rằng, Sở TN-MT khi cho tách thửa đất ở nông thôn đã không kiểm tra việc UBND TP Phan Thiết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất nông thôn nên không phát hiện việc chuyển đổi này trái quy định.
Cụ thể, như ông Phạm Hòa Trung, khu phố 6, phường Đức Long (TP Phan Thiết) mặc dù ngày 12/2/2018, UBND TP Phan Thiết có văn bản xác định vị trí lô đất xin tách thửa của ông Trung nằm trong quy hoạch trồng cây công nghiệp, tạm thời chưa thống nhất cho tách thửa. Nhưng chỉ sau 1 ngày, Sở TN-MT vẫn ký cho tách 11 thửa đất với hơn 9.783m2. Đến tháng 3/2018, Sở TN-MT tiếp tục ký cho tách thành 90 thửa đất ở (mỗi thửa trên 100m2), tạo điều kiện, giúp sức cho ông Trung chuyển nhượng hết các thửa đất trên.
Kết luận thanh tra cho thấy nhiều sai phạm trong quản lý đất đại tại TP Phan Thiết. |
Với những sai phạm nêu trên đã tạo điều kiện, giúp sức cho một số cá nhân tách thửa đất, hợp thửa hình thành điểm dân cư mới, phân lô bán nền đất thu lợi bất chính số tiền lớn, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước và bức xúc trong dư luận.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai giao Thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tiếp tục điều tra dấu hiệu về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai (theo Điều 229 Bộ Luật Hình sự 2015) và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ làm trái các quy định trong quản lý đất đai.
Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Phan Thiết chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng hạ tầng, đường bê tông xi măng… trái phép trên đất nông nghiệp, hình thành khu dân cư mới trên địa bàn 3 xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm và Tiến Lợi không đúng quy chuẩn, không phù hợp quy hoạch xây dựng NTM. Giám đốc Sở TN-MT và giao Cục Thuế tỉnh chỉ đạo Chi cục Thuế TP Phan Thiết kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân liên quan…
Theo Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận, việc cho phép hộ gia đình, cá nhân hợp thửa, tách thửa không đúng quy định có nguyên nhân khách quan, là từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh thành lập đã tiếp nhận các Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Phòng TN-MT cấp huyện về Sở TN-MT. Do hệ thống bộ máy văn phòng đăng ký đất đai của Sở phân bổ rộng (mỗi huyện 1 chi nhánh) nên việc quản lý, chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Sở gặp hạn chế, khó khăn. |