| Hotline: 0983.970.780

Nhiều thách thức trong sử dụng nguồn nước

Thứ Tư 30/03/2022 , 21:18 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu, nhu cầu dùng nước tăng, hạ tầng, trình độ quản lý, hệ thống thủy lợi của Thanh Hóa hạn chế... Đây là thách thức trong sử dụng nguồn nước.

Chiều 30/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND tỉnh Thanh Hóa và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (Koica) phối hợp tổ chức Hội thảo Khởi động “Dự án Xây dựng hệ thống quản lý thông tin thủy lợi tổng hợp tại lưu vực sông Mã - Miền Trung Việt Nam (tỉnh Thanh Hóa)”.

Đại diện Koica thuyết minh Dự án. Ảnh: LĐ.

Đại diện Koica thuyết minh Dự án. Ảnh: LĐ.

Bài liên quan

Dự án được Chính phủ Hàn Quốc và Koica tài trợ, hướng tới mục tiêu ứng dụng các tiến bộ khoa học để tăng năng lực quản lý, sử dụng nguồn nước ở lưu vực sông Mã.

Đây là mô hình để Bộ NN&PTNT nhân rộng trên phạm vi cả nước, làm cơ sở ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi.

Sông Mã là một trong 5 lưu vực sông lớn nhất tại Việt Nam với tổng diện tích 28.490 km2, trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Vùng dự án thuộc hạ nguồn lưu vực sông Mã có diện tích 8.150 km2, chiếm 30% tổng diện tích lưu vực.

Hiện nay, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng thường xuyên xảy ra ở khu vực này với tính chất ngày càng cực đoan, ảnh hưởng đến hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi. Nhiều hệ thống thủy lợi ở đây đang xuống cấp, lạc hậu, thiếu cơ sở vật chất và trang thiết bị quản lý dẫn đến hiệu quả phục vụ suy giảm.

Dự án sẽ hỗ trợ các thiết bị, giải pháp quản lý nguồn nước và vận hành tối ưu công trình thủy lợi, hỗ trợ điều hành an toàn đập, hồ chứa và phòng, chống thiên tai.

Việt Nam hiện có khoảng 3.450 con sông với chiều dài từ 10 km trở lên với tổng lượng nước mặt hàng năm khoảng 840 tỷ m3. Trong đó khoảng 520 tỷ m3 (chiếm 63%) sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ. Nguồn nước nội sinh trong lãnh thổ chủ yếu tập trung tại một số lưu vực sông lớn.

Các hệ thống thủy lợi đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển chung cho nền kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi nhu cầu sử dụng nguồn nước cho các ngành kinh tế ngày càng yêu cầu cao cả về số lượng và chất lượng.

Việt Nam đang đối mặt với những tồn tại, thách thức trong quản lý nguồn nước và phòng, chống thiên tai như tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng diễn biến phức tạp với mức độ ngày càng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

Các tồn tại được nêu ra như: Chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi; cơ sở dữ liệu hiện tại chỉ được xây dựng ở mức độ đơn giản; thiếu thiết bị quan trắc và công cụ giám sát nguồn nước tự động...

Điều này gây ra thiệt hại không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt tại khắp các khu vực trên cả nước. Tình trạng lũ, ngập lụt, úng cũng thường xuyên ảnh hưởng sản xuất và dân sinh.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc quản lý thông tin thủy lợi chưa được thực hiện tốt, hiệu quả khai thác công trình thủy lợi chưa cao. 

Dự án “Xây dựng hệ thống quản lý thông tin thủy lợi tổng hợp tại lưu vực sông Mã - Miền Trung Việt Nam (tỉnh Thanh Hóa)” có ý nghĩa quan trọng để khắc phục những tồn tại trên.

Đại diện Bộ NN&PTNT mong muốn được tiếp nhận những thành tựu khoa học - công nghệ và kĩ thuật hiện đại đã được áp dụng hiệu quả ở Hàn Quốc, tiêu biểu như công nghệ viễn thám (Remote sensing) hay hệ thống thông tin địa lý (GIS)...

Lưu vực sông Mã là một trong 5 lưu vực sông lớn nhất tại Việt Nam. Ảnh: VD.

Lưu vực sông Mã là một trong 5 lưu vực sông lớn nhất tại Việt Nam. Ảnh: VD.

Thanh Hóa là tỉnh lớn với dân số đông, có sông Mã hằng năm cung cấp khoảng 21,5 tỷ m3 nước, cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, các ngành sản xuất khác.

Đại diện Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho rằng, trước tác động của biến đổi khí hậu cũng như nhu cầu dùng nước ngày càng tăng, hạ tầng, trình độ quản lý, hệ thống thủy lợi của tỉnh còn hạn chế... Đây là những thách thức của tỉnh trong bảo đảm cũng như sử dụng nguồn nước trong những năm tới.

 Dự án được triển khai sẽ có ý nghĩa lớn, giúp Thanh Hóa tiếp cận với trình độ, công cụ, kỹ thuật tiên tiến của Hàn Quốc. Sở NN&PTNT Thanh Hóa cam kết sẽ phối hợp, đồng hành với các bên để triển khai tốt dự án.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.

Người Hà Nhì giữ cực tây Tổ quốc

Nhờ sự tuyên truyền, vận động của đảng bộ, chính quyền xã Sín Thầu, gần 10 năm nay, khu vực biên giới tại huyện Mường Nhé (Điện Biên) luôn đảm bảo an ninh trật tự.