| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng nguồn nước hồ Đơn Dương hiệu quả

Chủ Nhật 23/02/2020 , 10:41 (GMT+7)

Điều tiết nước hợp lý từ hồ thủy điện Đơn Dương, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà máy thủy điện và phục vụ sản xuất vùng hạ du.

Đó là ý kiến được thống nhất tại cuộc họp điều tiết nước qua phát điện hồ chứa nước thủy điện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô năm nay trên lưu vực sông Cái Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) vừa tổ chức, do Tổng cục Thủy lợi phối hợp với Cục Điều tiết Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam,  Cty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận - Đa Mi tổ chức họp bàn với Sở NN-PTNT Ninh Thuận.

Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực VN làm việc với ngành nông nghiệp Ninh Thuận về phương án xả nước từ hồ thủy điện Đơn Dương.

Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực VN làm việc với ngành nông nghiệp Ninh Thuận về phương án xả nước từ hồ thủy điện Đơn Dương.

Ông Lê Phạm Hòa Bình, Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận cho biết: Hiện nay Cty đang quản lý 21 hồ chứa thủy lợi, tính đến ngày 21/2 toàn bộ lượng nước còn lại trong các hồ chỉ đạt 59 triệu m3, đến thời điểm này chỉ còn 3 hồ chứa còn nước phục vụ sản xuất còn lại đang ở mực nước chết. Do vậy toàn bộ diện tích gieo trồng vụ ĐX của tỉnh hầu như chỉ biết trông cậy vào hồ chứa thủy điện Đơn Dương phát điện qua nhà máy thủy điện Đa Nhim, hiện hồ chứa này còn khoảng 118 triệu m3.

Theo ông Bình, thời gian qua hồ Đơn Dương xả nước phát điện bình quân chỉ đạt 10,8m3/s, thấp hơn nhu cầu vùng hạ du từ 3 – 5m3/s, nên công tác điều tiết nước tưới của Cty gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Bính, Trưởng phòng Kế hoạch, Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết: Vụ ĐX toàn tỉnh gieo trồng 20.211ha, trong đó lúa 9.800ha còn lại là ngô và rau màu, giảm trên 5.500ha do thiếu nước tưới. Diện tích hưởng lợi nước trực tiếp từ nhà máy thủy điện Đa Nhim là 15.161ha, còn lại là từ các hồ chứa trong tỉnh.

“Vụ ĐX đã đi qua được hơn nửa chặng đường, căn cứ vào thực tế thì từ nay đến cuối vụ ĐX toàn tỉnh cần trên 115 triệu m3 nước cho tất cả các hoạt động (sinh hoạt, chăn nuôi, công nghiệp, sản xuất nông nghiệp). Như vậy về cơ bản lượng nước trong các hồ chứa thủy lợi và thủy điện đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên nếu không có mưa tiểu mãn thì từ tháng 5 trở đi tình hình thiếu nước sẽ rất căng thẳng, bởi hồ Đơn Dương theo tính toán lượng nước còn lại khoảng 65 triệu m3, các hồ thủy lợi còn lại khoảng 30 triệu m3”. Ông Bính cho biết.

Ông Đỗ Minh Lộc, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi cho biết: Mùa mưa vừa qua hầu như không có lũ, vì vậy hồ Đơn Dương không tích đủ nước, đặc biệt thời gian tới lượng nước về hồ sẽ rất thấp. Do vậy chúng tôi đề nghị tỉnh Ninh Thuận sử dụng triệt để nguồn nước qua phát điện, đồng thời thống nhất phương án xả với lưu lượng 13 – 15m3/s từ nay đến 15/4. Sau đó sẽ căn cứ vào nguồn nước cụ thể trong hồ mà điều chỉnh xả nước ít hay nhiều.

Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết: Năm nay tình hình hạn hán tại Ninh Thuận chưa có tiền lệ, ngay từ đầu vụ ĐX đã diễn ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng và thời gian tới có thể hạn khốc liệt hơn năm 2015. Trong vụ ĐX tình hình nguồn nước cơ bản đã áp ứng đủ sản xuất, nhưng vụ hè thu tới tình hình sẽ cực kỳ căng thẳng, chúng tôi đã xây dựng kịch bản sản xuất cho vụ hè thu, tuy nhiên diện tích sản xuất nhiều hay ít lại phụ thuộc vào nguồn nước hồ chứa thủy điện Đơn Dương, do vậy mong muốn Tập đoàn điện lực Việt Nam hỗ trợ tốt nhất nguồn nước cho Ninh Thuận để tỉnh tổ chức sản xuất.

“Sau khi vụ ĐX kết thúc chúng tôi sẽ làm việc với Tổng cục Thủy lợi và Tập đoàn Điện lực VN để thống nhất lại phương án xả nước từ hồ Đơn Dương phục vụ sản xuất vụ hè thu”. Ông Lâm nhấn mạnh

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi đánh giá cao các biện pháp chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước của Ninh Thuận. Đề nghị địa phương và ngành điện lực tiếp tục thực hiện phương án xả nước đã thống nhất từ nay đến cuối vụ ĐX với lưu lượng từ 13 – 15m3/s. Tỉnh Ninh Thuận cần xây dựng cụ thể kế hoạch lấy nước luân phiên, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhất lượng nước xả từ hồ chứa thủy điện Đơn Dương. Đối với kiến nghị hỗ trợ kinh phí chống hạn của Ninh Thuận, ông Khanh đề nghị tỉnh cần có thống kê cụ thể và có báo cáo gửi Tổng cục Thủy lợi để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh (phải) nhận huy hiệu

Ông Nguyễn Văn Tỉnh (phải) nhận huy hiệu "Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Thuận

Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Khắc Lâm đã trao Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Thuận” cho ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi về những đóng góp cho Ninh Thuận.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 3] Phát triển trang trại, gia trại

Bắc Kạn Chăn nuôi ở Bắc Kạn chuyển dần từ nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại, huy động doanh nghiệp có tiềm lực xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.