| Hotline: 0983.970.780

Nhiều thứ để thèm nhớ

Chủ Nhật 14/02/2021 , 14:10 (GMT+7)

Diện ẩm thực mở rất rộng, cho nên người Việt ra nước ngoài thì thiếu rất nhiều thứ. Tức là có rất nhiều thứ để mà thèm nhớ...

Nỗi cuồng nhớ họ Trư

Nếu phải làm việc ở nước ngoài nhiều năm liền, lại ở những nước không có thịt lợn hoặc không thịt bò, chắc chắn người ta không chỉ nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.

Lại thêm một nỗi nhớ nữa. Nhớ thịt.

Tôi từng ở những nước hoàn toàn không một giọt rượu và không một mẩu thịt lợn. Nghiêm cấm. Đức tin tôn giáo khiến người ta ghê tởm thịt lợn. Đấy là giống vật bẩn thỉu. Không phải bẩn thỉu theo nghĩa chuồng trại không vệ sinh.

Được lý giải theo ý nghĩa sinh học và triết học, lợn là giống vật bẩn thỉu vì lối sống tạp giao, cả bầy đàn họ hàng giao phối lẫn nhau. Ta đừng vội tranh luận rằng giống vật nào giữa tự nhiên mà chẳng thế, đâu phải chỉ con lợn.

Đừng tranh luận. Đức tin tôn giáo là thứ người ta chỉ có thể tôn trọng, nếu muốn giữ cho thế giới bình yên. Nhân danh tự do tư tưởng mà làm tổn hại niềm tin của người khác như tạp chí Charlie Hebdo đã vẽ hình ngôn sứ Mohammad thì chỉ dẫn đến thảm họa ghê rợn.

Ta đang nói chuyện về những đất nước không có thịt lợn. Tôi thuộc diện cái gì bản địa cấm thì mình không dám ăn, kể từ con chim bồ câu hoang dã bị bẫy trộm. Giống như tôi không hiểu được người ta đi vãn cảnh chùa Hương, đến chốn cửa Phật, thế mà vẫn mang theo gà quay ruốc thịt, nếu không mang thì đến cửa Thiên Trù vào quán ăn thịt dê thịt chồn rau ráu.

Đến chốn không sát sinh nhịn ăn thịt một ngày có chết không nhỉ?

Tôi bốn năm trời không có thịt lợn, không chết. Nhưng có những người sùng sục cả lên. Mỗi lần về phép hay một chuyến công tác nước ngoài, khi trở sang trong va li có những bọc xốp thịt lợn đông đá. Thoát được qua cửa hải quan một cách thần kỳ.

Có những người đi công tác sang Thổ Nhĩ Kỳ, từ thành phố Istanbul vừa châu Á vừa châu Âu, họ lái xe đi quãng đường 570 km sang thủ đô Sofia của Bulgaria. Mười giờ đêm rời Istanbul, lái suốt đêm, bảy giờ sáng hôm sau đến nơi, phóng ngay ra chợ.

Istanbul là nơi không có thịt lợn, nhưng Sofia là xứ Công giáo thì có. Chuyến đi ấy là để mua thịt lợn. Lại bỏ thịt đóng đá vào hộp xốp mang về. Thỏa nỗi cuồng nhớ thịt lợn.

Nói cho công bằng, ở những đất nước Trung Đông ấy không hề thiếu thịt. Người ta ăn thịt dê thịt cừu thịt bò. Cá tôm đầy đủ. Thiếu chăng chỉ là thiếu thịt lợn hoặc những thứ chim chóc líu lo.

Thế là bên cạnh nỗi nhớ thịt lợn lại thêm nhớ món chim quay chim nướng. Tự thiết kế ra những cái lồng chim đồng thời là bẫy. Cả đàn chim ngói mò vào, sập bẫy, chí cha chí chóe quanh năm, khi nào muốn ăn chỉ việc thò tay vào lồng mà bắt. Chim sẻ rồi chim bồ câu cũng vậy.

Có lần từ Trung Đông đi công tác sang một nước Trung Á. Qua cửa khẩu biên giới đường bộ. Đất nước Trung Á ấy là một nước cộng hòa Hồi giáo, nhưng lại từng trải qua bảy mươi năm thuộc Liên bang Xô Viết. Đấy là lý do ở chợ vẫn bán đầy thịt lợn và xúc xích giăm bông lợn.

Ở trên một phản thịt còn phô trương mấy cái thủ Trư Bát Giới to tướng toe toét cười. Mấy ngày công tác ăn thịt lợn và uống bia làm cánh cán bộ Việt Nam ở xứ Trung Đông tỉnh cả người. Lúc đi qua đồn biên phòng để trở lại Trung Đông, anh bạn kế toán sứ quán hí hửng khoe: anh ta đã thoát được cái va li kéo tay hơn chục cân thịt lợn và ba chai rượu mạnh.

Cũng là xứ kỵ thịt lợn, nhưng Indonesia là Hồi giáo ôn hòa, lại thêm chất thực dụng và dễ dãi của người Đông Nam Á. Ai kỵ cứ kỵ, ai ăn cứ ăn. Miễn là đừng ăn thịt lợn và đừng uống rượu theo kiểu phô bày nơi công cộng.

Trong siêu thị vẫn có những tủ hàng riêng bày bán thịt lợn. Thận trọng không thừa, mình mang khay thịt lợn ra quầy tính tiền thì kín đáo úp mặt khay xuống để người xung quanh không nhìn thấy. Nhưng cô tính tiền là người Hồi giáo cứ thản nhiên lật ngửa khay thịt lợn lên, động tác rất tự nhiên. Những người xung quanh cũng không ai tỏ ra ghê sợ phỉ báng.

Con gì cũng ăn được

Ở Ấn Độ thì không có cả thịt lợn và thịt bò. Đất nước nhiều tôn giáo, trong đó Hindu và Hồi giáo là hai tôn giáo lớn. Người theo đạo Hindu không ăn thịt bò vì bò là thần. Bò cái cho sữa, sữa ấy được cất thành bơ tinh khiết, bơ tinh khiết làm dầu đốt đèn cho các giáo sĩ Bà La Môn làm lễ cúng.

Lễ cúng là thiêng cho nên bò cái cũng thiêng. Bò đực Nandi là con vật cho thần Shiva cưỡi, cho nên ở khía cạnh nào đó, bò đực cũng thiêng nốt. Thiêng đến mức phân bò cũng được coi là thứ sạch sẽ.

Ở nông thôn, người ta phơi khô phân bò thành từng nắm, dùng thay củi để đun nấu. Những nắm phân bò khô được dùng làm giẻ để kỳ cọ sân nhà, tin rằng nó biến những nơi bẩn thỉu thành sạch sẽ.

Nói kỹ một tí để hiểu rằng người Việt ở Ấn Độ thì không thể tìm đâu ra thịt bò. Thịt lợn cũng không thể tìm ra. Trong một thành phố hoặc trong một làng, cộng đồng theo đạo Hindu sống xen kẽ cộng đồng đạo Hồi. Đã thành nếp, người ta tự biết lo cho an toàn bản thân mà không vi phạm quy ước không thành văn: không giết mổ bò hoặc lợn.

Giết bò mà để cộng đồng Hindu biết có thể dẫn đến chỗ mất mạng. Giết lợn mà để cho cộng đồng Hồi giáo biết có thể dẫn đến chỗ bị thủ tiêu. Dẫn đến bạo động.

Cứ hình dung thế này: một hàng thịt nào đó bày bán thịt lợn có thể khiến cho cộng đồng Hồi giáo ở cạnh đó trở nên quá khích, cả một đám đông dao búa trong tay sẽ kéo đến chém giết và đốt luôn cả cửa hiệu.

Khoảng đầu những năm 1990, có anh bạn ở Việt Nam sang học một khóa  ngắn hạn ở thủ đô New Delhi. Một hôm anh lang thang đâu đó về khoe với tôi là anh mua được gan lợn. Tôi không tin.

Lúc ấy Ấn Độ đang sôi sục xung đột Hindu và Hồi giáo. Xung đột bắt đầu từ thành phố Ayodhya là quê hương của Rama, chồng nàng Sita trong thiên sử thi Ramayana. Vì là quê hương của Rama cho nên thành phố vào loại thiêng nhất đối với người theo đạo Hindu.

Ở đấy có ngôi đền thờ Rama hàng nghìn năm rồi, nhưng đến thế kỷ XVI-XVII là thời hưng thịnh của đạo Hồi, hoàng đế đạo Hồi đã cho phá đền thờ Rama rồi xây dựng ngay trên nền móng ấy một ngôi đền Hồi giáo.

Mâu thuẫn căng thẳng suốt mấy thế kỷ, rồi lại bùng lên vào cuối năm 1992, khi lực lượng Hindu quá khích chủ trương đòi lại công lý, họ đập tan đền thờ Hồi giáo Babri Masjid. Thế là bạo loạn nổ ra ở nhiều thành phố lớn.

Người Hồi giáo và Hindu giáo đốt phá nhà cửa và bắn giết lẫn nhau. Mấy chục năm qua xung đột có lúc lắng xuống nhưng hận thù vẫn còn âm ỉ đến tận bây giờ.

Cho nên tôi không tin anh bạn kia mua được gan lợn. Người Ấn không giết mổ lợn. Lại đang lúc nguy nan thế này, càng không một ông hàng thịt hám tiền nào dám mạo hiểm tính mạng đến mức ấy. Tôi chạy sang phòng anh để xem thì miếng gan anh mua được đã cháy đen trên bếp, chỉ còn một mùi khét lẹt chứ không còn mùi gì để chứng tỏ đấy là thịt lợn.

Bây giờ đã gần ba chục năm trôi qua, anh bạn vẫn còn quả quyết đúng là hôm ấy anh đã mua được gan lợn. Tôi thì cho rằng đấy chỉ là gan dê gan cừu, anh không hiểu về tập tục và đức tin Ấn Độ, không hiểu về tình hình xung đột ở Ấn Độ lúc ấy nên anh mới tin như vậy. Còn giờ đây nghe nói ở Ấn Độ đã bắt đầu có người Tàu và họ có thể lén lút giết mổ bò và lợn. Nếu đúng thế thì quả là chỉ vì miếng ăn mà có thể bất chấp hiểm nguy.

Đa số người Ấn ăn chay, tức là khoảng một tỷ người trong tổng dân số 1,3 tỷ. Ăn chay để thực hành triết lý không sát sinh, đấy là di sản của Phật giáo để lại cho đất nước này, và ngày nay hầu như các tôn giáo như đạo Hindu, đạo Jain, đạo Sikh đều thực hành. Người ta ăn chay từ trong bụng mẹ, chỉ ăn rau dưa và uống sữa trâu mà tộc người Ấn cứ cao lớn vạm vỡ.

Những người mộ đạo không hiểu nổi tại sao lại có người ăn thịt muông thú mà họ coi là bạn của con người. Họ đánh đồng sát sinh với sát nhân. Giết muông thú được thì giết người được. Sát sinh không ghê tay. Sát nhân máu lạnh.

Thế mới có câu chuyện tôi kể tiếp đây. Ở cuối thời bao cấp, thiếu lương thực thực phẩm trầm trọng. Nhiều người vượt biên vì lý do kinh tế, thành một hiện tượng mà thế giới gọi là thuyền nhân, tức là dùng thuyền vượt biển.

Lúc ấy ở Hà Nội có mấy gia đình chợt nhớ ra ông nội mình là người Ấn Độ, ngày xưa gọi là ông Chà Và bán lụa Bombay. Họ làm thủ tục, xin được “hồi hương” về New Delhi. Nào có biết gì về phong tục tập quán Ấn Độ, tiếng Anh thì tậm tọe.

Về đến quê cha đất tổ phải thuê nhà ở trong xóm lao động nghèo. Xóm ấy toàn người ăn chay. Mấy gia đình Hà Nội này thì ăn chay không nổi, phải ra chợ mua thịt dê thịt cừu mà ăn. Ngôn ngữ bất đồng, ban đầu mua bán cũng phải nói mỏi cả tay.

Những quả dái dê to tướng như trứng ngỗng nên gọi với nhau là trứng ngỗng. Nhìn khắp hàng thịt dê không thấy bày trứng ngỗng, đành phải ra hiệu bằng cách chỉ vào… chim mình, mồm thì be be giả tiếng kêu của dê. Phải thế ông hàng thịt mới hiểu. Đem về xào nấu tưng bừng lên.

Cái bếp của bà chủ nhà ăn chay giờ toàn mùi thịt mùi cá. Bà ta bịt mũi tránh xa. Mùi thịt cá bay sang nhà hàng xóm. Cả xóm la ó. Rốt cuộc, ở được một tháng thì bà chủ nhà đuổi. Thôi, các ông bà đi đi, tôi không cho thuê nữa, tôi sợ các ông bà lắm rồi, con gì các ông bà cũng ăn được.

Con gì cũng ăn được. Đúng nhỉ. Rắn rết, chim chóc, châu chấu, bọ xít, dơi chuột mèo chó… Diện ẩm thực mở rất rộng, cho nên người Việt ra nước ngoài thì thiếu rất nhiều thứ.

Tức là có rất nhiều thứ để mà thèm nhớ.

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Việt Nam đặt mục tiêu thắng U23 Malaysia

U23 Việt Nam đã trở lại tập luyện để chuẩn bị cho trận tiếp theo gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu mang tính bản lề.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm