Hai chị em bị tai nạn giao thông khi đi chúc Tết
Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh) cho biết, ekip y bác sĩ Khoa Cấp Cứu trực mùng 1 phải làm việc hết công suất bởi số trẻ nhập viện trong đêm tăng so với những ngày trước.
“Chúng tôi đã tiếp nhận trường hợp trẻ nuốt đồng xu dị vật vào thực quản, hay như bệnh nhi té mương phù phổi nặng; có trẻ té lầu, ngưng thở phải CPR ấn tim hồi sức; nhiều ca ngộ độc uống nhầm xăng rượu, bỏng nước sôi, hóc nghẹn đậu hạt, rối loạn tiêu hóa, ói mửa tiêu chảy… Số ca ra vào liên tục, chưa có dấu hiệu ngừng lại”, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết.
Đặc biệt, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã mổ cấp cứu kịp thời, bảo tồn các cơ quan cho hai chị em bệnh nhi gặp tai nạn giao thông khi tự chở nhau bằng xe đạp.
Theo lời kể của gia đình, hai chị em (chị 17 tuổi, em 13 tuổi) chở nhau đi chơi Tết thì né xe tải, nên thắng gấp tự té xe bên lề. Bé em ngồi sau ngã văng xa khiến đa chấn thương, dập vỡ lách độ 4, xuất huyết nội.
Ngay lập tức, báo động đỏ toàn viện, ekip trực gồm BS.CK2 Nguyễn Kinh Bang và BS.CK1 Đỗ Tiến Phát mổ cấp cứu kịp thời bảo tồn các cơ quan.
Ngày Mùng 1 Tết, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng cấp cứu nội soi gắp dị vật kịp thời cho bé trai 5 tuổi do hóc đồng xu.
Được biết, trong lúc chơi đùa với các bạn cùng trang lứa khi đi chơi Tết, bé trai 5 tuổi ngậm đồng xu chơi rồi hóc nuốt nghẹn vào cổ họng. Ba mẹ bé vội đưa đến Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố cấp cứu khi trẻ ôm cổ họng nghẹn ho sặc sụa liên tục.
BSCK1 Lê Đức Lộc - trưởng ekip nội soi gắp dị vật cho biết, bé hóc nghẹn sẽ khó thở nguy kịch nếu mắc kẹt ở ngã ba hầu họng và đường thở. Nếu mắc đường tiêu hóa không đươc xử lý đúng và kịp thời, bệnh nhi sẽ bị nhiễm loét, rò thủng thực quản và viêm loét dạ dày với nhiều hệ lụy khó lường hoặc Nguy hiểm hơn, lâu ngày sẽ làm tổn thương, thậm chí là thủng thực quản dạ dày.
Theo bác sĩ Lộc, trẻ em do nhiều yếu tố chủ quan, hay khách quan, thường bị hóc dị vật thực quản dạ dày với triệu chứng như đau họng, vướng ở họng, đau vùng ngực, đau bụng... có thể có các trường hợp đau ở dạ dày, dễ gây nhầm lẫn với bệnh đau dạ dày thông thường. Khi bị hóc dị vật, ngoài biết cách sơ cứu đúng (Heimlich, vỗ lưng ấn ngực…) và kịp thời và cần đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh có phương tiện nội soi để mau chóng lấy dị vật ra đúng cách.
Do đó, phụ huynh không nên cho trẻ đùa nghịch, cười đùa, khóc to, sợ hãi khi đang ăn, chơi các đồ chơi, thức ăn đậu hạt vừa miệng ở độ tuổi dễ ngậm, mút mọi vật.
Tổn thương bàn tay do pháo tự chế
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (quận 1), từ trước Tết Nguyên đán khoảng 3 tuần đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 5 trường hợp bệnh nhi sử dụng pháo tự chế và nổ ngay trên bàn tay cầm pháo, gây tổn thương nghiêm trọng đến chức năng của bàn tay.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhi nam (15 tuổi, ngụ ở Bình Thuận) nhập viện cách đây khoảng 3 tuần trong tình trạng bàn tay cầm pháo bị nát gần như hoàn toàn, lộ xương. Cụ thể, ngón 2 mất hoàn toàn, ngón 3 dập nát và ngón 1,4,5 cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo chia sẻ của gia đình, do hiếu kỳ và không biết bé học được cách tự chế pháo ở đâu nên đã mày mò tự làm pháo, khi chưa kịp vứt pháo ra xa thì pháo đã nổ ngay trên tay. Sau đó, gia đình nhanh chóng đưa bệnh nhi đi cấp cứu.
Bệnh nhi được phẫu thuật sáng 3/2 (Mùng 3 Tết) để tiếp tục cắt bỏ những phần da bị hoại tử, cố gắng bảo tồn bàn tay tối đa.
BS.CKI Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Khoa Bỏng – Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Trường hợp này nhập viện rất nặng, đa phần chức năng tay không giữ được. Trong quá tình điều trị chúng tôi phải lọc cắt những phần mô hoại tử, nuôi cấy, đắp xương dần dần. Tiên lượng những ca này điều trị rất lâu, vất vả mà hiệu quả phục hồi chức năng vận động tay không cao”.
Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhi 14 tuổi, ngụ ở tỉnh Lâm Đồng. Nhập viện trong tình trạng bàn tay bị pháo tự chế nổ, may mắn bệnh nhi chỉ bị thương phần mềm, bỏng ở một phần đùi chân trái và một phần mặt. Các bác sĩ tiến hành xử lý vết bỏng, giúp bệnh nhân phục hồi những phần da bị tổn thương.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà, khoảng 2 năm trở lại đây, năm nào Khoa Bỏng – Chỉnh hình Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận những bệnh nhi nhập viện vì đốt pháo tự chế. Đặc biệt, năm nay số lượng bệnh nhân tăng nhiều, hầu hết rơi vào những bệnh nhi từ 10 tuổi trở lên.