| Hotline: 0983.970.780

Vui Tết nhưng không quên chú ý trẻ nhỏ

Thứ Hai 31/01/2022 , 08:52 (GMT+7)

Phụ huynh cần lưu ý đến trẻ nhỏ để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, đặc biệt dịp Tết khi mọi người đều bận rộn với công việc nhà, chúc Tết…

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thực hiện thủ thuật lấy dị vật ra khỏi ống phế quản trẻ 13 tháng tuổi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thực hiện thủ thuật lấy dị vật ra khỏi ống phế quản trẻ 13 tháng tuổi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ Nguyễn Cát Phượng Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, nơi đây vừa cấp cứu kịp thời một bé gái 13 tháng tuổi (ngụ Đồng Tháp) bị hóc dị vật vào phổi cực kỳ nguy hiểm khi cha mẹ đang dọn dẹp chuẩn bị đón Tết.

Khai thác bệnh sử, cha mẹ bé cho biết, trong khi cả nhà đang dọn dẹp chuẩn bị đón Tết thì bất ngờ phát hiện bé gái ho sặc sụa, khò khè và ói liên tục. Khi cha mẹ chạy đến thì phát hiện trên tay bé gái vẫn còn cầm thanh kẹo đậu phộng gặm dang dở.

Gia đình tức tốc đưa bé từ Đồng Tháp lên Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố. Tại đây, bé được chẩn đoán dị vật tắc chèn ngay ống phế quản phân nhánh các thùy phổi trái.

Ngay lập tức, bé gái được chuyển phòng mổ tiến hành soi gắp kiểm tra thông thoáng đường thở. “Dị vật được ekip tỉ mỉ gắp ngay hạt đậu đang mắc kẹt và gây ứ khí căng phồng phổi trái. Nếu để lâu hay đến viện trễ thêm tí, nguy cơ trẻ tràn khí hoặc viêm phổi kéo dài, viêm phổi hoại tử, áp xe phổi, nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân… là khó tránh khỏi”, bác sĩ Vũ nói.

Tương tự, mới đây, khoa Ngoại Niệu - Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận bé T.M.Q. (10 tuổi, ngụ Thủ Đức) được gia đình đưa đến trong tình trạng rỉ nước tiểu liên tục ở đầu dương vật, kèm đau khi tiểu.

Khai thác bệnh sử được biết, trước đó, bé Q. có nhét thỏi nam châm hình trụ và kẹp giấy (được làm thẳng) vào niệu đạo. Bốn tiếng sau, cha Q. phát hiện dáng đi bất thường của bé, đi dạng chân sang hai bên và đi rất chậm.

Bé Q. được các bác sĩ thăm khám và chụp X-quang ghi nhận hình ảnh dị vật cản quang ở vùng niệu đạo sau. Ngay khi có kết quả X-quang bé được nhập viện và soi niệu đạo cấp cứu trong phòng mổ để lấy dị vật. Mặc dù dị vật lớn, nhọn nên việc thực hiện thủ thuật tương đối khó khăn, nhưng dị vật đã được các ekip bác sĩ lấy ra an toàn.

 Sau khi dị vật được lấy ra, bé Q. được đặt ống thông tiểu để niệu đạo nghỉ ngơi, sau 5 ngày bé được rút ống thông tiểu và xuất viện. Bác sĩ Bình An - phẫu thuật chính cho biết, kẹp giấy bắt đầu rỉ sét.

Theo các bác sĩ, dị vật đường tiết niệu ở trẻ em rất hiếm gặp và thường gặp ở độ tuổi bắt đầu dậy thì. Một số trường hợp trẻ tự nhét dị vật vào đường tiểu (nam) và nhét vào âm đạo ở nữ. Nguyên nhân có thể do rối loạn tâm thần, tình cờ, kích thích tình dục và đặc biệt là tò mò. Hầu hết trẻ thường lo sợ và xấu hổ khi thừa nhận với cha mẹ. Trẻ chỉ thừa nhận khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như tiểu khó, tiểu đau, tiểu máu; nặng hơn có thể gây ra đau, sưng tấy hoặc hình thành khối áp-xe ở cơ quan sinh dục ngoài.

ThS.BS Phan Tấn Đức cho biết, dị vật không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây ra nhiễm trùng tiểu, thủng niệu đạo, thủng bàng quang, sỏi niệu… hậu quả ảnh hưởng về sau rất nặng nề. Ở lứa tuổi dậy thì, trẻ có sự thay đổi lớn về tâm sinh lý làm trẻ rất tò mò và nhạy cảm. “Vì vậy, trong những trường hợp này, gia đình cần quan tâm, chia sẻ và cảm thông với trẻ, tránh làm trẻ lo lắng, xấu hổ, mặc cảm. Cha mẹ có thể đưa trẻ đi khám tâm lí khi cần thiết”, bác sĩ Đức khuyến cáo.

Qua các trường hợp trên, như để chia sẻ và nhắc nhở kịp thời đến các gia đình có con nhỏ, không để các bé ngoài tầm mắt của người lớn. Đặc biệt nhà có trẻ nhỏ, trong nhà không nên có bất cứ một vật gì có thể để trẻ đưa vào miệng, không chỉ riêng các loại đậu hạt mứt ngày Tết. Mọi đồ vật có thể cầm nắm được đều phải để ngoài tầm với của trẻ.

“Những loại trái cây có hạt hoặc những loại hạt thường dùng ngày Tết như hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, đậu phộng… luôn là mối nguy hại đối với trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Nếu không cẩn thận, những loại hạt này có thể rơi vào đường thở gây tình trạng hóc sặc dị vật đường hô hấp. Nếu không được xử trí sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ và để gia đình đón Tết thật vui, cha mẹ nên để mắt đến trẻ nhất là khi cho trẻ ăn những loại trái cây có hạt, bằng cách cẩn thận loại bỏ hết hạt trước khi cho trẻ ăn; đặc biệt những loại hạt ngày Tết nên để xa tầm với của trẻ hoặc cất giữ cẩn thận khi không dùng tới”, TS.BS Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.