| Hotline: 0983.970.780

Gỡ 'thẻ vàng' IUU - Vì tương lai thủy sản Việt Nam: [Bài 2] Tàu chúng tôi không còn vô danh

Thứ Ba 23/04/2024 , 14:30 (GMT+7)

Việc đẩy mạnh quản lý chặt tàu cá "3 không" trên địa bàn không chỉ thực thi tốt khuyến nghị của EC mà còn giúp tỉnh kiểm soát tốt hơn đội tàu thuyền.

Làm "giấy khai sinh" cho tàu cá 3 không

Thực hiện Quyết định 426 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở NN-PTNT và các địa phương ráo riết tổ chức thực hiện việc cấp, vẽ số tạm cho tàu cá "3 không".

Huyện Long Điền là địa phương đi đầu trong việc thực hiện công tác này. Cụ thể, ngay từ giữa tháng 2/2024, UBND huyện đã triển khai thực hiện quản lý tạm thời đối với tàu cá "3 không". Huyện có 108 tàu cá "3 không" có chiều dài trên 6m. Địa phương này yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh nắm rõ thực trạng từng trường hợp và thực hiện đánh, vẽ số tạm cho số tàu cá này.  

Ngư dân được cấp, vẽ số tạm cho thuyền thúng tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền. Ảnh: Lê Bình.

Ngư dân được cấp, vẽ số tạm cho thuyền thúng tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền. Ảnh: Lê Bình.

Ngoài ra, huyện Long Điền cũng có hơn 350 phương tiện là thuyền, thúng, đò đánh cá có chiều dài dưới 6m đang hoạt động đánh bắt hải sản đi về trong ngày ở vùng biển ven bờ. UBND huyện cũng yêu cầu 3 địa phương có biển là thị trấn Long Hải, xã Phước Tỉnh và xã Phước Hưng thực hiện cấp, vẽ số tạm cho các phương tiện này.

Ngư dân Võ Thanh Bình (khu phố Hải Phong 1, thị trấn Long Hải) có 2 thúng máy dưới 6m được cấp biển số LH-720-TS và LH-676-TS, tỏ ra rất phấn khởi khi dẫn chúng tôi đến khoe thúng nhà mình vừa được địa phương vẽ, cấp số.

Ông cho biết ngư dân rất vui khi được nhà nước quan tâm cấp số cho thuyền thúng đi đánh bắt hải sản. Bởi 2 thúng này là tài sản mà ông tích cóp được trong mấy chục năm đi biển.

"Trước đây chưa có số thì lỡ có rủi ro, va chạm, thúng chìm không biết báo ai, mất thì chịu. Giờ có biển số thì có thất thoát, rủi ro mình báo biên phòng giúp đỡ, tìm kiếm cũng dễ", ông Bình nói.

Còn ngư dân Trịnh Công Danh (ở ấp Phước Hương, xã Phước Tỉnh) có thuyền máy dài 7m đánh bắt cá ven bờ cũng hồ hởi không kém khi đò nhà mình được cấp số tạm.

“Tôi đi biển hơn 20 năm, từ thúng lên đò không có số hiệu gì cả, giống như "con ngoài giá thú" đó. Nay biết đò nhà mình được cấp số tôi rất mừng, càng yên tâm đi biển làm ăn”, anh Danh cười nói.

“Việc cấp số tạm cho nhóm tàu cá này không chỉ giúp huyện quản lý tốt hoạt động khai thác thủy sản, mà còn giúp các bộ phận, cơ quan chức năng kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm khai thác IUU, đánh bắt sai vùng, sai tuyến”, ông Trần Kim Phúc, Phó Chủ tịch huyện Long Điền cho biết.

Tại huyện Đất Đỏ, bà con ngư dân cũng vô cùng náo nức khi ghe, xuồng nhà mình được cấp số tạm. Bà Trương Thị Thanh Tuyền (thị trấn Phước Hải) có tàu đánh cá dài 14m, mua từ hơn 10 năm trước ở Bình Định theo hình thức sang tay, không có giấy tờ nên không thể đăng ký tàu cá.

“Tôi đã mấy lần quay lại Bình Định để tìm người bán hoàn thiện giấy tờ nhưng không tìm được. Tàu không có giấy phép khai thác nên chỉ hoạt động tạm thời đánh bắt gần bờ đi về trong ngày và trình báo cơ quan chức năng đầy đủ. Nay tàu được cấp số tạm, tôi thực sự rất mừng, cảm giác như nhà được cấp sổ tạm trú, được địa phương công nhận làm chúng tôi càng yên tâm bám biển mưu sinh”, bà Tuyền nói.

Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đạt mục tiêu cấp phát và vẽ số tạm cho tất cả 1.081 tàu cá '3 không' của tỉnh trong tháng 4/2024. Ảnh: Lê Bình.

Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đạt mục tiêu cấp phát và vẽ số tạm cho tất cả 1.081 tàu cá "3 không" của tỉnh trong tháng 4/2024. Ảnh: Lê Bình.

Trong khi đó, huyện Xuyên Mộc là địa phương có số lượng tàu cá 3 không trên nhiều nhất tỉnh: 487 tàu trên 6m (tập trung nhiều nhất ở xã Bình Châu với 442 tàu) và 419 tàu cá 3 không dưới 6m.

Theo lãnh đạo huyện, việc cấp số tạm giúp huyện thuận lợi hơn trong việc quản lý, chăm lo chính sách cho ngư dân cũng như xử phạt vi phạm, nếu có.

Tuy nhiên theo góp ý của ngư dân, việc vẽ số bằng sơn rất dễ bong tróc do va chạm khi kéo lưới và sóng biển đánh. Các ngư dân phải sơn đi sơn lại nhiều lần rất mất thời gian, cứ sơn được vài ngày là tróc. Ngư dân kiến nghị chính quyền nên đổi phương pháp, “thay vì vẽ bằng sơn thì có thể cấp biển số bằng inox gắn chặt vào thúng chẳng hạn, sẽ bền hơn”, ngư dân Hoàng Văn Hưng ở ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc kiến nghị.

Quản lý chặt tàu cá "3 không"

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu đến ngày 2/4, tổng số tàu cá 3 không trên 6m trên địa bàn tỉnh là 1.081 tàu, trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 5 tàu. Ngoài ra, còn có hơn 1.400 phương tiện khai thác 3 không dưới 6m ở các huyện Long Điền, Đất Đỏ và Xuyên Mộc do các địa phương quản lý.

Ông Nguyễn Hữu Thi, Phó trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, đây là những tàu cá không đăng ký được nên cũng không thể có giấy phép khai thác hay đăng kiểm được, do lịch sử để lại. Qua rà soát của Sở NN-PTNT, thực tế các tàu cá này do người dân đóng tự phát từ lâu, cha truyền con nối hoặc mua từ ngoài tỉnh về nhưng không có hồ sơ nguồn gốc hợp lệ nên không làm thủ tục đăng ký được.

Đây là lực lượng tàu thuyền không có giấy phép khai thác hay đăng kiểm được, do lịch sử để lại. Ảnh: Lê Bình.

Đây là lực lượng tàu thuyền không có giấy phép khai thác hay đăng kiểm được, do lịch sử để lại. Ảnh: Lê Bình.

"Các tàu này thường đánh bắt gần bờ, đi về trong ngày, cập các bến, bãi ngang. Việc giám sát của chính quyền địa phương, kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng thiếu chặt chẽ dẫn đến phát sinh tàu cá "3 không" chủ yếu hoạt động ven bờ, hoạt động khai thác bình thường nhưng chưa được xử lý theo quy định”, ông Thi thông tin.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang theo thông báo số 539/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 25/12/2023 đối với các tàu cá 3 không đang hoạt động tạm thời, các địa phương thực hiện đăng ký tạm để theo dõi, quản lý, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 15/2 ban hành Kế hoạch quản lý, cấp số tạm thời đối với tàu cá 3 không trên địa bàn tỉnh để quản lý.

Theo đó, đối với các phương tiện khai thác hải sản dưới 6m, UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương cấp xã tổng kiểm tra, rà soát, thống kê và tổ chức quản lý theo thẩm quyền được quy định của Luật Thủy sản. Đồng thời, tổ chức việc cấp số tạm tàu cá theo từng địa phương. Đối với tàu cá từ 6m trở lên, Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai cấp số tạm cho tàu cá "3 không".

Ông Nguyễn Đăng Nhân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc, cho biết, huyện đã thực hiện việc cấp số tạm cho tàu cá 3 không từ năm 2022. Hàng năm huyện đều rà soát, cập nhật lại số lượng tàu cá mới phát sinh, mua bán, chuyến đến, chuyển đi hoặc hư hỏng ngừng hoạt động. Nhờ đó, việc quản lý được gọn gàng, ngăn nắp và địa phương nắm khá chặt hoạt động của số tàu cá này, đi đâu, làm gì cùng tình trạng của tàu.

Kiểm soát tốt lực lượng tàu cá '3 không' giúp cho việc thực hiện khuyến nghị của EC đối với công tác phòng chống khai thác IUU của Bà Rịa - Vũng Tàu được sát sao hơn. Ảnh: Lê Bình.

Kiểm soát tốt lực lượng tàu cá "3 không" giúp cho việc thực hiện khuyến nghị của EC đối với công tác phòng chống khai thác IUU của Bà Rịa - Vũng Tàu được sát sao hơn. Ảnh: Lê Bình.

Hơn nữa, mặc dù số lượng tàu cá "3 không" nhiều nhưng huyện không lúng túng, do trước đó địa phương đã thực hiện công tác này, các tàu cá không có giấy tờ, không đủ điều kiện đăng ký đều được cấp số tạm để quản lý.

"Từng có kinh nghiệm nên dù số lượng nhiều, chúng tôi vẫn thực hiện đúng tiến độ mà UBND tỉnh đề ra", ông Nhân nói.

Chưa quản lý tốt nhóm tàu cá "3 không" cũng là một trong những tồn đọng của Bà Rịa - Vũng Tàu trong công tác phòng chống khai thác IUU. Do đó, việc cấp số cho nhóm tàu cá này không chỉ giúp các địa phương của tỉnh quản lý tốt hoạt động khai thác thủy sản, mà còn giúp cơ quan chức năng kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm khai thác IUU, đánh bắt sai vùng, sai tuyến.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến  ánh giá cao công tác cấp, vẽ biển số tạm của Bà Rịa - Vũng Tàu cho tàu cá "3 không". Điều này giúp giải quyết tốt những tồn đọng mà đoàn EC đã chỉ ra trước đây và mong rằng đây sẽ là một trong những điểm nhấn để đoàn thanh tra nhìn nhận tích cực.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm