Tại cuộc họp tổ điều hành thị trường trong nước mới đây, đại diện Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) và Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,37% là mức tăng thấp nhất 10 năm qua, từ đó tạo tiền đề để kiềm chế lạm phát của tháng 3.
Tuy nhiên, tháng 3 vẫn có nhiều yếu tố gây sức ép tăng giá. Cụ thể, dịch cúm gia cầm bùng phát sẽ tác động đến nguồn cung và gây sức ép tăng giá đối với nhóm thực phẩm khác. Áp lực tăng giá xăng dầu, giá bán than tăng 10% từ 25-2 gây áp lực đầu vào cho những ngành phân bón, giấy, xi măng... Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng nhiều dịch vụ y tế cũng sẽ tác động đáng kể đến CPI.
Tổ điều hành thị trường trong nước đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát. Cụ thể, đưa ra cơ chế xuất nhập khẩu linh hoạt đối với mặt hàng đường kính; tiếp tục thu mua lúa, gạo cho nông dân để tồn trữ trong khoảng thời gian ba tháng. Để bình ổn giá sữa, nên làm theo cách của TP.HCM bằng việc vận động những doanh nghiệp lớn cam kết chỉ tăng giá một lần trong năm hoặc không tăng giá khoảng sáu tháng.