| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 21/03/2013 , 10:57 (GMT+7)

10:57 - 21/03/2013

Nhìn chuyện Tây, ngẫm chuyện ta

Đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm không phù hợp bởi xét về bản chất, tiền tiết kiệm không phải thu nhập để phải chịu thuế, dù là bất kỳ loại thuế gì.

Thị trường tài chính - ngân hàng CH Síp đã tê liệt kể từ hôm đầu tuần do chính phủ nước này lên kế hoạch đánh thuế tiền tiết kiệm của người dân.

Tình trạng tương tự như vậy cũng có thể xảy ra với Việt Nam nếu đề xuất của Hiệp hội bất động sản TP.HCM hồi cuối tháng 2 được thông qua.

Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của người dân là một trong những điều kiện mà chính quyền CH Síp, quốc đảo nhỏ nhất Liên minh châu Âu (EU), phải thực hiện nếu muốn nhận được khoản cứu trợ 10 tỷ EUR từ EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế để tránh nguy cơ vỡ nợ.

Theo kế hoạch ban đầu, chính phủ Síp dự định đánh thuế 9,9% đối với các khoản tiền tiết kiệm trên 100.000 EUR và 6,75% đối với các khoản tiết kiệm nhỏ hơn nhằm thu khoảng 5,8 tỷ EUR để bù đắp thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, trong khi các lợi ích của kế hoạch vẫn đang được các chuyên gia kinh tế tính toán, cân nhắc thì những tác hại nghiêm trọng của nó đã lập tức bị phô bày.

Người dân Síp đổ xô đến các máy ATM để rút tiền mặt khỏi ngân hàng, ngay sau khi thông tin trên được công bố vào hôm cuối tuần trước, khi các quầy giao dịch và các ngân hàng đang đóng cửa. Việc làm này nhanh chóng khiến không chỉ các máy ATM mà cả hệ thống ngân hàng Síp, vốn đã khó khăn, lâm vào tình trạng cạn kiệt tiền mặt và không thể mở cửa giao dịch trở lại trong suốt 3 ngày qua.


Người dân Síp đổ xô đến các máy ATM để rút tiền mặt.

Sự hỗn loạn còn lan sang thị trường chứng khoán, khiến sàn giao dịch của quốc đảo này buộc phải đóng cửa. Thị trường vàng thế giới và nhiều thị trường chứng khoán khác, từ châu Á tới Mỹ đồng loạt lao dốc trong những phiên giao dịch đầu tuần.

Những cuộc biểu tình của người dân yêu cầu chính phủ ngừng ngay kế hoạch kể trên diễn ra trên khắp CH Síp.

Kế hoạch này về sau được chính phủ Síp sửa đổi theo hướng không đánh thuế các khoản tiết kiệm dưới 20.000 EUR và tăng thuế suất với các khoản tiền giá trị trên 100.000 EUR trước khi trình Quốc hội thông qua nhưng cũng không nhận được sự đồng thuận từ các nghị sĩ Quốc hội vì cho rằng điều này làm tổn hại lợi ích chính đáng của người dân.

Cần nói thêm rằng, đây là lần đầu tiên EU có “sáng kiến” đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của người dân. Những quốc gia xin cứu trợ trước đây, như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, dù có quy mô kinh tế lớn gấp nhiều lần Síp cũng không phải thực hiện yêu cầu tương tự.

Sự việc của CH Síp có thể coi là một bài học kinh nghiệm quý báu đối với tất cả các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là đối với các nhà lãnh đạo và lập pháp. Tình trạng hỗn loạn kể trên có thể xảy ra với bất kỳ quốc gia nào, từ các nước phát triển ở châu Âu, các nước đang phát triển ở châu Á đến những nước có nền kinh tế còn yếu ớt ở châu Phi và chắc chắn không loại trừ Việt Nam.

Còn nhớ, cách đây chưa đầy một tháng, ông Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng đã từng đưa ra một kiến nghị tương tự khi cho rằng những người có tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng cần phải bị đánh thuế số tiền lãi. Vị chủ tịch này cũng đã đưa ra nhiều lý lẽ để biện minh cho đề xuất kỳ lạ của mình.

Tuy nhiên, xét trên mọi khía cạnh, từ kinh tế, luật pháp, chính sách thuế… thì đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm của vị chủ tịch kể trên đều không phù hợp bởi xét về bản chất, tiền tiết kiệm không phải thu nhập để phải chịu thuế, dù là bất kỳ loại thuế gì, với bất kỳ thuế suất nào.

Điều đáng mừng là tại thời điểm đó, báo chí và dư luận đã lập tức lên tiếng phản ứng quyết liệt khiến đề xuất của vị chủ tịch Hiệp hội kể trên đã nhanh chóng bị bác bỏ.

Giả sử đề xuất kỳ lạ này được thông qua thì có lẽ chính người dân Việt Nam chứ không phải đảo Síp đang phải trải qua những ngày tháng hỗn loạn vì hệ thống ngân hàng ngừng giao dịch, thị trường chứng khoán vỡ nợ. Kéo theo đó là sự sụp đổ dây chuyền của các ngành sản xuất kinh doanh khác và đẩy người dân vào cảnh khốn đốn.

Thực tế, việc so sánh lợi - hại của một chính sách khi được áp dụng ở quốc gia này với một quốc gia khác là không hoàn toàn chính xác bởi điều kiện kinh tế vĩ mô, chính sách điều hành kinh tế, xã hội và phản ứng của người dân mỗi nước là khác nhau. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra ở châu Âu vẫn là một bài học lớn đối với Việt Nam, không chỉ trong việc xem xét những kiến nghị, đề xuất gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân như đánh thuế tiền lãi tiết kiệm mà còn cả ở việc kiểm soát nợ công để tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy” như CH Síp.