| Hotline: 0983.970.780

Nhìn lại một năm NTM Hà Tĩnh: Từ phong trào thành cao trào

Thứ Tư 28/02/2018 , 08:31 (GMT+7)

Hơn 7 năm Hà Tĩnh làm nông thôn mới (NTM), hầu như năm nào cũng có những thành tích, sáng kiến “để đời”.

13-58-20_1
NTM Hà Tĩnh một năm “bội thu” xã đạt chuẩn

Nhìn lại năm 2017, dấu ấn rõ nét nhất có lẽ là khát vọng được xây dựng NTM của người dân; đi đến đâu cũng hừng hực khí thế chỉnh trang vườn hộ, xây dựng mô hình kinh tế, làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa...
 

5/7 chỉ tiêu vượt kế hoạch

Những ngày cuối năm 2017, chúng tôi được BCĐ xây dựng NTM Hà Tĩnh mời tham dự cùng đoàn liên ngành tỉnh “mục sở thị” các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2017. Trên khắp mọi ngả đường cờ, hoa rực rỡ, người dân tụ họp tại các nhà văn hóa thôn còn phảng phất mùi sơn mới cười nói rôm rả. Họ tự hào khi quê hương được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Nghi Xuân là một điển hình. Năm 2017, huyện này có 6 xã được công nhận đạt chuẩn. Theo ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện, trước đây để vận động một xã làm NTM cán bộ tỉnh, huyện, xã phải tuyên truyền rát hơi bỏng cổ, thậm chí ăn ngủ với dân hàng tháng thời.

Còn bây giờ nhà nhà khao khát được làm NTM, người người tự nguyện góp công, góp của xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm. Thậm chí, có những năm tỷ lệ xã đăng ký xây dựng NTM quá lớn buộc huyện phải “phanh” lại để dồn sức chỉ đạo thực hiện đảm bảo tính bền vững.

“Quan điểm của chúng tôi làm NTM dựa trên các giá trị văn hóa làng xã. Do đó ngoài các tiêu chí cứng theo bộ tiêu chí Quốc gia Nghi Xuân đặc biệt quan tâm, phát triển mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu và các câu lạc bộ dân ca, ví, giặm. Nhà văn hóa thôn gắn với cây đa, bến nước, sân đình, trở thành sân chơi cố kết cộng đồng”, ông Nam chia sẻ.

13-58-20_2
BCĐ xây dựng NTM Trung ương đánh giá rất cao tính bền vững các xã đạt chuẩn NTM của Hà Tĩnh

Trước đây hàng xóm có thể đánh nhau chỉ vì một con gà đi lạc chuồng, cán bộ thôn xóm đau đầu đứng ra hòa giải nhưng bây giờ đến hẹn lại lên, hàng tuần sinh hoạt cộng đồng tại thôn xóm, hò ví vai ba điệu hát vô hình chung giải hòa được mâu thuẫn giữa các gia đình. Hay câu chuyện bảo vệ môi trường, xưa rác nhà nào nhà ấy quan tâm còn bây giờ nhà này quét rác nhà kia như “chuyện thường ngày ở huyện”.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, năm 2017 là năm phong trào xây dựng NTM trở thành cao trào; nhà nhà muốn làm NTM, người người chung tay thực hiện các tiêu chí. Tất cả các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch.

Cụ thể, số tiêu chí bình quân/xã đạt 14,7/14 tiêu chí (đạt 105% kế hoạch- KH); số tiêu tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã tăng thêm 2,7 tiêu chí (đạt 135% KH); tổng mức độ chất lượng các tiêu chí được nâng lên 1,2 lần (đạt 100% KH); không còn xã dưới 10 tiêu chí (đạt KH); có 46 Khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn (đạt 153% KH), nâng tổng số Khu dân cư đạt chuẩn đến thời điểm này là 156; 398 vườn đạt chuẩn (đạt 199% KH), nâng tổng số vườn đạt chuẩn lên 2.086 vườn.

Có tới 33 xã đạt chuẩn NTM (đạt 183% KH), nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 115 xã (đạt chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ 17 trước 2 năm); có 2 xã cơ bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là Tượng Sơn (huyện Thạch Hà) và Cẩm Bình (Cẩm Xuyên). Về phát triển kinh tế, toàn tỉnh xây dựng mới 947 mô hình sản xuất; 70 HTX, 195 tổ hợp tác, 265 doanh nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
 

Rút “thẻ đỏ” xã để “rớt” tiêu chí

Chừng 10 năm về trước Mỹ Lộc là một xã vùng bán sơn địa nghèo nhất nhì huyện Can Lộc. Sau khi phát động phong trào xây dựng NTM, xã đổi thay chóng mặt cả “chất” và “lượng”. Người dân thấm nhuần vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, BCĐ xã đóng vai trò định hướng, hỗ trợ. Kết quả được ghi nhận bằng tấm bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2017.

13-58-20_6
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên nhờ làm NTM

Theo lãnh đạo xã Mỹ Lộc, nhờ tận dụng tốt tiềm năng đất đai, đặc biệt là đất đồi rừng nên trong một thời gian ngắn toàn xã phát triển được 8 mô hình kinh tế đồi rừng/60ha. Trong đó 5 mô hình sử dụng công nghệ tưới tiên tiến của Israel; 1 mô hình trồng 14ha cam, bưởi theo hướng VietGap mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng thiết chế văn hóa khang trang với 8 nhà hội quán thôn (mỗi nhà 1 tỷ đồng); 2 sân bóng mini trồng cỏ nhân tạo; 3 trường học, 1 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia bền vững.

Toàn bộ hệ thống đường làng đều lắp đèn chiếu sáng 100%. Kênh mương, đường giao thông bê tông hóa gần 100%. Đặc biệt, trên địa bàn xã có 1.700 người đi xuất khẩu lao động, bình quân mỗi năm đưa về gần 200 tỷ đồng. Đây là nguồn lực cực kỳ lớn góp phần thúc đẩy địa phương kiến thiết công trình phúc lợi.

Trong lễ tổng kết phong trào xây dựng NTM năm 2017, phát động phong trào năm 2018, Bí thư tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh: “Quan điểm làm NTM của Hà Tĩnh là có thưởng, có phạt. Tất cả các tiêu chí phải đảm bảo tính bền vững”. Vì thế, với những xã nỗ lực như Mỹ Lộc, tỉnh kịp thời tuyên dương, tặng thưởng. Tuy nhiên, các xã đã đạt chuẩn nhưng để “tụt” tiêu chí, không cập nhật, nâng cấp tiêu chí theo tiêu chí mới thì Hà Tĩnh mạnh dạn “xé rào”, rút “thẻ đỏ” để răn đe".

Ngày 11/1/2018, BCĐ tỉnh Hà Tĩnh quyết định thu hồi bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM đối với 2 xã: Thiên Lộc (Can Lộc) và Kỳ Bắc (Kỳ Anh). Đối chiếu với quy định mức độ đạt chuẩn theo Quyết định 73 của UBND tỉnh thì 2 xã này hiện còn 2 tiêu chí không đạt chuẩn và nợ xây dựng cơ bản từ 3 - 4,8 tỷ đồng.

“Các tiêu chí xây dựng NTM Hà Tĩnh đặt ra cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Do đó việc thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn là một trong những chế tài răn đe các địa phương khác phải làm NTM thực chất, đảm bảo tính bền vững”, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiên quyết.

Sau một năm ròng rã khắc phục khó khăn, vượt qua dư luận để ban hành chế tài “rút thẻ đỏ” với xã “rớt” tiêu chí, phong trào NTM Hà Tĩnh đang tiếp tục trở thành “địa chỉ đỏ” để nhiều địa phương khác trên cả nước lựa chọn tham quan, học tập kinh nghiệm. Quan trọng hơn, nhân dân tinh tưởng xã NTM của Hà Tĩnh sẽ đạt chuẩn không chỉ trong ngày một ngày hai mà bền vững dài lâu.

Năm 2017 cũng là năm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng ở Hà Tĩnh. Sau khi khảo sát, nghiên cứu đặc điểm tình hình, lợi thế của các xã, tỉnh lựa chọn 82 sản phẩm có thể tham gia vào Chương trình OCOP; trong đó, 20 sản phẩm được lựa chọn để công nhận OCOP đợt đầu. Hoàn thành dự thảo đề án mỗi xã một sản phẩm Hà Tĩnh giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến 2030.

Có thể nói, hiếm có chương trình nào huy động được người dân tham gia đóng góp, chung tay thực hiện như NTM. Qua thống kê, tổng nguồn vốn huy động trong năm 2017 đạt hơn 18.648 tỷ đồng; trong đó, vốn nhân dân đóng góp 734 tỷ đồng; đỡ đầu, tài trợ và huy động khác hơn 236 tỷ đồng.

Thu hồi bằng công nhận đối với xã nào vi phạm 1 trong 4 vấn đề sau: Có số tiêu chí không đạt chuẩn từ 3 tiêu chí trở lên; nợ từ 5 tỷ trở lên, việc xác định khả năng thanh toán không đám bảo một cách chắc chắn; có số tiêu chí không đạt chuẩn từ 2 tiêu chí trở lên và nợ từ 3 tỷ trở lên; tỷ lệ hài lòng của người dân thấp (dưới 80%; có từ 5% số người dân được lấy phiếu đề nghị thu hồi bằng) và bị vi phạm một tiêu chí trở lên không đạt chuẩn hoặc nợ từ 3 tỷ trở lên.

Năm 2018, Hà Tĩnh phấn đấu nâng mức độ chất lượng tổng các tiêu chí lên 1,2 lần; tổng số tiêu chí đạt chuẩn tăng thêm trong năm là 180 tiêu chí, xã chưa đạt chuẩn tăng ít nhất 1 tiêu chí, đảm bảo số tiêu chí bình quân mỗi xã là 15,5 tiêu chí; tăng thêm 30 khu dân cư NTM kiểu mẫu; 250 vườn; ; có thêm ít nhất 20 xã đạt chuẩn; ít nhất 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Nghi Xuân đạt huyện NTM...

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.