| Hotline: 0983.970.780

Nhìn từ xã nông thôn mới có thu nhập cao nhất Vĩnh Long

Thứ Tư 16/09/2020 , 08:25 (GMT+7)

Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ở xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đạt trên 64 triệu đồng, cao nhất trong các xã của tỉnh.

Phất lên từ những vùng chuyên canh

Nhờ phát huy thế mạnh nông nghiệp, nông dân xã Thuận An đã hình thành những vùng chuyên canh rau ăn lá hiệu quả, mang lại thu nhập cao, ổn định. Cái tên Thuận An, một xã trực thuộc thị xã Bình Minh không còn quá xa lạ với người dân ở Vĩnh Long, thậm chí là ở miền Tây hay thành phố Hồ Chí Minh. Bởi bấy lâu nay, Thuận An vốn nổi tiếng là vựa rau ăn lá với nhiều loại đặc sản như: xà lách xoong, diếp cá, hành, ớt,…

Trong đó, cây cải xà lách xoong và rau diếp cá có sản lượng và diện tích lớn nhất, với trên 200 ha. Những cây trồng chủ lực này được người dân trồng tập trung chuyên canh ở các ấp Thuận Phú A, Thuận Phú B, Thuận Tiến B, Thuận Tiến C.

Nông dân thu hoạch rau diếp cá tại ấp Thuận Tiến B. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân thu hoạch rau diếp cá tại ấp Thuận Tiến B. Ảnh: Minh Đảm.

Theo UBND xã Thuận An, cây xà lách xoong “bén duyên” ở đây gần 30 năm. Những năm 90, nhiều thương lái của địa phương đã đưa mặt hàng này cung cấp cho rất nhiều chợ đầu mối tại các địa phương. Nhất là thành phố Hồ Chí Minh. Sau này, nhiều thương lái còn đưa cây xà lách xoong đi các chợ đầu mối ở miền Tây như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng,…

Đây được xem là cây chủ lực giúp nông dân Thuận An có thu nhập đứng đầu tỉnh Vĩnh Long, xét trong khu vực nông thôn. Từ đó, các hộ dân học hỏi kỹ thuật hỗ trợ nhau mà hình thành nên những vùng chuyên canh rộng lớn.

Ông Huỳnh Văn Thắng, ấp Thuận Phú A cho biết: Cây xà lách xoong này tôi trồng cũng lâu rồi. Nhà có mấy công đất, tôi chọn một công (1.000m2) để trồng cây xà lách xoong. Thấy cây thích nghi tốt với vùng đất ở đây. Bình quân, mỗi công thu nhập được khoảng 60 triệu đồng. Theo đó, các hộ xung quanh dễ dàng trao đổi kỹ thuật với nhau để cây phát triển tốt. 

Cũng theo ông Thắng, xà lách xoong sẽ chậm lớn trong mùa khô vì vậy giá bán cao hơn mùa mưa. Ngược lại, mùa mưa cây phát triển tốt, sản lượng nhiều, giá rẻ nhưng dù giá đắt hay rẻ thì đều có các thương lái đến thu mua. Vì vậy, nông dân không sợ bán ế vì dội chợ. Để phát triển mạnh hơn nữa cây cải xà lách xoong. Nhiều hộ dân ở Thuận An còn thành lập HTX Rau an toàn xà lách xoong Thuận An. Nhiều thành viên HTX đã sản xuất rau xà lách xoong theo tiêu chuẩn GlobalGAP để đưa vào các siêu thị và chuỗi cửa hàng thực phẩm cung cấp rau cao cấp ở thành phố với đầu ra luôn ổn định.

Ông Huỳnh Văn Thắng chăm sóc rau xà lách xoong. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Huỳnh Văn Thắng chăm sóc rau xà lách xoong. Ảnh: Minh Đảm.

Tương tự cây xà lách xoong, cây diếp cá, một cây trồng được nông dân xã Thuận An phát triển mạnh những năm gần đây. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, hộ dân trồng diếp cá ở ấp Thuận Tiến B cho biết: “Ban đầu chỉ vài hộ, sau phát triển ra cả ấp, rồi sang các ấp khác. Nhưng nhìn chung, cây diếp cá cũng phát triển theo kiểu người dân học hỏi với nhau là chính. Cây diếp cá trồng thì dễ nhưng nặng công thu hoạch. Tới đợt mà thu hoạch không kịp cây sẽ già, thương lái không mua. Vì vậy, các hộ dân trồng diếp cá  thường giúp nhau theo kiểu mượn công giúp cho tình làng nghĩa xóm thêm phần thắt chặt”.

Nhờ diếp cá, nhiều hộ phất lên. Bởi cây này, cứ hai tháng là vô đợt thu hoạch, năng suất rất cao. Mỗi công diếp cá cho thu hoạch 2,5 tấn. Nếu nông dân bán được bình quân 10.000 đồng/kg thì lãi cỡ 5.000 đồng/kg. Mỗi năm 6 vụ thu hoạch thu nhập cũng được khoảng trên 70 triệu đồng/công. Chưa kể những lúc trúng giá nông dân trồng diếp cá được mùa như trúng số.

Do năm mùa hạn mặn nên sản lượng rau ăn lá ở ĐBSCL giảm mạnh. Cách đây hai tháng, riêng ở Thuận An, thuỷ lợi đảm bảo nên vùng trồng rau nơi đây không bị ảnh hưởng. Rau diếp cá trúng giá, trúng mùa. Như gia đình ông Lê Tuấn Anh ở ấp Thuận Tiến B, bán được giá trên 50.000 đồng/kg. Chỉ có 1,5 công mà từ đầu năm đến nay gia đình ông Tuấn Anh đã thu về hơn 400 triệu đồng. 

Đường sá thuận tiện tại xã nông thôn mới Thuận An. Ảnh: Minh Đảm.

Đường sá thuận tiện tại xã nông thôn mới Thuận An. Ảnh: Minh Đảm.

Không chỉ riêng gia đình ông Tuấn Anh mà nhiều hộ dân trồng rau màu ở Thuận An những năm qua rất phấn khởi vì điều kiện sản xuất của địa phương nay đã tốt hơn nhờ thu hưởng những công trình từ xây dựng nông thôn mới. Những nông dân của địa phương không ngừng sáng tạo, tìm tòi học hỏi những kỹ thuật canh tác mới, hiệu quả hơn. Như tại ấp Thuận Tiến B, hiện 10 hộ dân đã thực sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với cơ giới hoá.

Riêng hộ ông Nguyễn Thanh Phong ở ấp Thuận Nghĩa là hộ dân đầu tiên của xã Thuận An trồng chanh theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Hiện nay, gia đình đang trồng 1,2 chanh không hạt được một doanh nghiệp ký kết bao tiêu toàn bộ. Ông Phong cho biết: Tôi trồng theo quy trình của công ty đưa xuống. Làm theo tiêu chuẩn này tôi thấy giá chanh rất tốt, cao hơn tiêu chuẩn thông thường từ 2.500-3.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, thực hành nông nghiệp sạch tôi thấy bảo vệ sức khoẻ bản thân và cộng đồng nhiều hơn.

Phấn đấu lên xã kiểu mẫu

Vĩnh Long luôn là một trong những địa phương đi đầu về xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL. Trong giai đoạn 2010-2020, Vĩnh Long đã về đích nông thôn mới trước hai năm so với mục tiêu đặt ra.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã có 48/87 xã về đích nông thôn mới, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Riêng, thị xã Bình Minh, đơn vị cấp huyện đầu tiên ở Vĩnh Long được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2018.

Những năm qua, các xã ở Bình Minh luôn giữ vững và nâng chất các tiêu chí. Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã Bình Minh xác định tiếp tục phải nâng chất các tiêu chí để đời sống của nhân dân nâng cao hơn nữa. Xã Thuận An được chọn xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Năm 2019, xã Thuận An được UBND tỉnh Vĩnh Long được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Đời sống người dân không ngừng được nâng cao.

Xã Thuận An phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023. Ảnh: Minh Đảm.

Xã Thuận An phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023. Ảnh: Minh Đảm.

Nếu như ở thời điểm công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới là quý 2 năm 2017, Thuận An mới đạt 47,87 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người tại xã Thuận An đạt 64,14 triệu đồng/người/năm, vượt yêu cầu 6,7 triệu đồng (yêu cầu của tiêu chí này là 57,44 triệu đồng/người). Hiện nay, đường sá sạch đẹp, giao thông đi mua bán của người dân rất thuận tiện. Nhân dân trong xã rất chí thú làm ăn, phát triển kinh tế.

Ông Bùi Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết: Xã có thế mạnh là sản xuất nông nghiệp với diện tích đất nông nghiệp trên 1.524 ha. Những năm qua, xây dựng xã nông thôn mới đến xã nông thôn mới nâng cao đã thay đổi nhận thức rất lớn trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã.

Sự phối hợp giữa các đoàn thể, ban ngành công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới đã mang lại hiệu quả khá cao. Người dân đã chung tay hiến đất, cây trồng, kiến trúc làm đường, công trình giao thông thuỷ lợi nên các tiêu chí đạt và vượt theo quy định. Địa phương xác định thế mạnh là nông nghiệp, trong sản xuất đã hình thành những vùng chuyên canh, hình thành tổ chức hợp tác sản xuất. Vì vậy, kinh tế của người dân ngày càng ổn định hơn.

Ông Hiếu cho biết: Mục tiêu năm 2020 xã Thuận An quyết tâm giữ vững xã nông thôn mới nâng cao và phấn đấu đến năm 2023 sẽ được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.