Chưa thất bại bao giờ
Gắn bó với nghề nuôi gia cầm được 30 năm, đến nay ông Trần Văn Hiệu (thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã kiến thiết được hệ thống trang trại quy mô lớn.
Ông Trần Văn Hiệu có những năm thu lãi hàng chục tỷ đồng từ chăn nuôi gà và lợn giống quy mô lớn. |
Trong đó trang trại quy mô 270 lợn nái bố mẹ, mỗi năm xuất bán ra thị trường hơn 7.000 con lợn giống; trang trại gia cầm với 80.000 con gà bố mẹ (mỗi tháng xuất bán bình quân 1 triệu con gà giống).
“Chăn nuôi thì có lứa lỗ, lứa lãi, nhưng nếu tổng kết kinh doanh hàng năm thì tôi chưa thất bại bao giờ. Năm lãi ít thì vài trăm triệu, năm lãi nhiều lên tới chục tỷ đồng”, ông Hiệu chia sẻ.
Khởi nghiệp từ năm 1989 với nghề nuôi gà thịt, sau đó chuyển sang sản xuất trứng thương phẩm, nhưng trong két của gia đình ông Hiệu hiếm khi có số tiền lớn làm của để dành.
Tất cả lợi nhuận đều được ông hoán đổi thành chuồng trại, thiết bị chăn nuôi để mở rộng quy mô sản xuất. Thậm chí, năm nào vị trại chủ cũng vay tiền của Agribank (lúc nhiều nhất lên tới 25 tỷ đồng) để quay vòng vốn.
Ông nhận thấy giống là yếu tố quan trọng quyết định thành, bại của ngành chăn nuôi. Nhưng, thời điểm 2010 trở về trước, việc tìm kiếm nguồn giống gia súc, gia cầm chất lượng cao, sạch bệnh rất khó khăn. Ý tưởng biến các chuồng gà thương phẩm thành trại giống được nung nấu trong đầu.
Năm 2013, khi cơ sở vật chất đã hoàn thiện, ông Hiệu nhập khẩu 5.000 gà bố mẹ để sản xuất con giống. Những con gà ngoại lai sinh trưởng trong môi trường hoàn toàn biệt lập, với chuồng nuôi được đầu tư hệ thống thông gió và làm mát hiện đại nên “nhả trứng” đều đặn. Tất cả trứng được thu gom, chọn lọc kỹ lưỡng và đưa vào giàn ấp nở.
|
Công nhân trong trang trại gà giống của ông Hiệu đang chăm sóc đàn gà bố mẹ nhập ngoại và thu gom trứng. |
Ông Hiệu cho biết: “Cứ nhắc đến bệnh Marek (còn gọi là bệnh “teo chân gà” hay “ung thư gà”) là nhiều người nuôi gà khiếp sợ. Nhưng, tôi cam kết với khách hàng đàn gà chúng tôi sản xuất đề kháng được với tất cả các chủng virus gây bệnh Marek đang lưu hành, do được tiêm phòng vắc xin đa giá chất lượng cao và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật”.
Trại lợn giống duy nhất sót lại sau “bão” dịch tả Châu Phi
Sau 1 năm kể từ khi “bão” dịch tả lợn Châu Phi càn quét các vùng chăn nuôi, gần như toàn bộ trang trại lợn giống ở huyện Đông Anh gần như bị xóa xổ, duy chỉ còn trại lợn 270 con nái của ông Hiệu vẫn giữ được.
Công cuộc bảo toàn đàn lợn cực kỳ gian truân, chỉ tính riêng chi phí vôi bột và thuốc sát trùng đã lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra còn phải nuôi 8 công nhân túc trực ngày đêm trong suốt giai đoạn cấm trại trường kỳ, nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Sau những tháng ngày điêu đứng vì giá lợn giống xuống thấp, ông Hiệu lại được tận hưởng cảm giác như ngồi trên đống vàng. Mỗi con lợn giống xuất trại giá 1,9 – 2 triệu đồng, sau khi trừ tất cả chi phí lãi khoảng 1 triệu đồng. Bình quân mỗi tháng trang trại của ông Hiệu có khoảng 600 con lợn ra đời, lãi 600 triệu đồng.
Ông Hiệu chia sẻ, xác định theo nghiệp chăn nuôi thì phải sống chung với quy luật trồi sụt của giá cả thị trường. Muốn thành công thì phải có tính kiên trì, đầu tư bài bản và trường vốn. Rất may là những lúc khó khăn nhất, khi chúng tôi gõ cửa Agribank để vay tiền, thì anh em làm tín dụng luôn đáp ứng đầy đủ.
Mỗi ngày trang trại của ông Hiệu thu vài chục ngàn quả trứng, phục vụ lò ấp nở gà giống. |
Vừa mới đầu năm ngoái, ông Hiệu còn nợ Agribank chi nhánh huyện Đông Anh 25 tỷ đồng, thế mà giờ đã trả hết sạch. “Bây giờ tôi tích lũy đủ rồi, cũng chưa có ý định mở rộng sản xuất. Nhưng biết đâu đấy, năm sau tôi lại phải đến nhờ mấy anh tín dụng rót cho chục tỷ chứ chẳng đùa. Làm ăn mà, không chơi thân với “nhà băng” thì chết lúc nào không biết”, ông Hiệu cười hóm hỉnh. |
“Trăm hoa đua nở” trong hoạt động kinh tế nông thôn
Ông Nguyễn Hữu Hòa – Giám đốc Agribank huyện Đông Anh cho biết, những năm qua, hoạt động cho vay theo tổ nhóm, kinh tế trang trại ứng dụng công nghệ cao được chúng tôi đẩy mạnh. Mục tiêu là mỗi trang trại hình thành nét đặc trưng riêng, phù hợp với xu thế phá triển của thị trường và đảm bảo an toàn với hệ sinh thái. Qua đó, đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM.
Không chỉ trang trại chăn nuôi gà và lợn giống quy mô công nghiệp của ông Trần Văn Hiệu, hoạt động kinh tế ở huyện Đông Anh đã hình thành phong trào “trăm hoa đua nở” với nhiều mô hình hiệu quả cao.
Điển hình như HTX Ba Chữ (xã Vân Nội) có hơn 100 thành viên tham gia sản xuất rau an toàn. Bà Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HTX Nguyễn Thị Huyền có thâm niên 13 năm làm tổ trưởng tổ vay vốn.
Hầu hết các xã viên đều vay vốn để sản xuất rau an toàn. Tất cả sản phẩm đầu ra được HTX bao tiêu với giá phù hợp, đảm bảo mỗi héc ta trồng rau đạt lợi nhuận đạt khoảng 450 triệu đồng trở lên.
Sau nhiều năm kinh doanh, nắm bắt được xu hướng thị trường ngày càng ưa chuộng rau sạch chất lượng cao, gia đình bà Nguyễn Thị Huyền quyết định vay 1,3 tỷ đồng của Agribank huyện Đông Anh để đầu tư khu nhà kính rộng 1.000m2, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm mô hình này cho lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng.