Cảm thấy bị xúc phạm và bức xúc trước những hành vi đe dọa của nhóm này, các nạn nhân đã làm đơn tố cáo đến Công an TP.HCM.
Ngày 31/7, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ nhân viên thu hồi nợ Công ty CP kinh doanh F88 (Công ty F88) về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.
Các bị cáo là nhân viên thu hồi nợ quá hạn của Công ty F88 gồm: Nguyễn Lê Nghĩa Thông (SN 2000), Trần Quốc Lâm (SN 1998), Ngô Ngọc Nghĩa (SN 1996, cùng ngụ TP.HCM) và các bị cáo: Trần Ngọc Thảo (SN 1975, quê Tây Ninh), Nguyễn Văn Ngọc (SN 1978, quê Tiền Giang), Từ Hải Nguyên (SN 1986, quê Lâm Đồng), Nguyễn Hồng Nguyên (SN 1996, quê Bình Định).
Những nạn nhân bị các bị cáo đe doạ, uy hiếp tinh thần đã đến Công an TP.HCM trình báo gồm: chị L.T.H.T, chị N.T.K.X và anh N.T.N. Những người này là khách hàng vay thế chấp (giấy tờ đăng ký xe máy, ô tô) tại Công ty F88.
Theo cáo trạng, khi khách hàng có nhu cầu vay tiền, chỉ cần mang giấy tờ xe đến Công ty F88 để định giá, sau đó sẽ được vay một khoản tiền tương ứng với 1 phần tài sản đã thế chấp.
Ngày 21/9/2022, chị L.T.H.T., đến điểm giao dịch của Công ty F88 tại huyện Bình Chánh, TP.HCM làm thủ tục thế chấp giấy chứng nhận đăng ký xe máy để vay 22,7 triệu đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi xuất 1,1%. Chị T. trả được 3 tháng (gồm tiền gốc và lãi hơn 9,6 triệu đồng) thì hết khả năng thanh toán.
Để đòi nợ, Thông nhiều lần tìm đến nhà, gọi điện thoại chửi bới, xúc phạm, đe doạ tính mạng của chị T. và người nhà. Thông còn nhắn tin chửi bới, xúc phạm bạn bè, anh trai chị T. nhằm uy hiếp tinh thần, để chị này trả nợ.
Một nạn nhân khác là anh N.T.N, thế chấp giấy đăng ký ôtô để vay hơn 80 triệu đồng của Công ty F88. Sau 3 tháng, anh N. không còn khả năng chi trả. Để đòi nợ, Thông đã nhắn tin cho người thân, bạn bè của anh N. chửi bới, đe dọa.
Tương tự như các nạn nhân trên, tháng 4/2022, chị N.T.K.X đến phòng giao dịch chi nhánh Công ty F88 trên đường Bình Long, quận Bình Tân, TP.HCM, thế chấp đăng ký xe máy để vay 30 triệu đồng. Sau khi trả gốc, lãi được 2 tháng, chị X. hết khả năng chi trả. Nguyễn Hồng Nguyên sau đó liên tục nhắn tin cho chị X. và người thân, bạn bè của chị để đe dọa, lăng mạ.
Riêng bị cáo Trần Ngọc Thảo không phải người trong nhóm đòi nợ F88, nhưng lại thuê nhóm này đòi nợ. Theo đó, tháng 7/2021, Thảo góp 180 triệu đồng cùng bà T.T. chơi game cá cược trên mạng. Bốn tháng sau, bà T.T. báo hệ thống đang bảo trì, không đăng nhập được nên không thể rút tiền. Thảo yêu cầu bà T.T. trả lại số tiền để đáo hạn ngân hàng.
Bà T.T. viết giấy nợ Thảo gần 235 triệu đồng. Sau đó, Thảo nhiều lần gọi điện cho bà T.T. đòi nợ nhưng không được nên đã thuê nhóm Ngọc, Nguyên, Nghĩa, Lâm đi tìm bà N.T.T.T. đòi 180 triệu đồng và sẽ được hưởng 50% số tiền đòi được. Sau khi nhận diện được “con nợ”, nhóm Lâm thay nhau đến nhà, nhắn tin đòi nợ, theo dõi lịch trình đi lại, chụp hình con gái bà T.T., sau đó nhắn tin uy hiếp.
Bà T.T. sau đó lo sợ nên chuyển vào tài khoản cho Lâm 10 triệu đồng và Thảo 50 triệu đồng. Hai tháng sau, nhóm Lâm tiếp tục nhắn tin đe dọa đòi nợ, lúc này bà T.T. đến công an trình báo.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX cho rằng, các bị cáo có những tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu, tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả, gia đình có công. Do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Quốc Lâm 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Văn Ngọc 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Lê Nghĩa Thông và Từ Hải Nguyên cùng 2 năm 6 tháng tù; Ngô Ngọc Nghĩa 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Hồng Nguyên 1 năm 6 tháng tù; và Trần Ngọc Thảo 1 năm 4 tháng 21 ngày tù.