Có thể nói ở miền Tây, không nơi nào có nhiều măng tre Mạnh tông như ở đây.
Núi Cấm là một trong những ngọn núi hùng vĩ nằm trong khu tam giác thuộc 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang), là nơi có độ dốc ít, nền đất pha cát, giàu chất dinh dưỡng, khí hậu điều hoà và mát mẻ nên cây cối quanh năm tươi tốt.
Ngoài những đặc sản như bơ, mít, dâu, mãng cầu, xoài, chuối, rau, củ…, núi Cấm còn là một vựa măng tre Mạnh tông lớn nhất trên vùng Bảy Núi (An Giang), mỗi năm cho sản lượng lên đến hàng trăm tấn, cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL.
Ông Phan Thanh Tài, chủ tịch UBND xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, cho biết hiện ở núi Cấm có 4 ấp là Vồ Thiên Tuế, Vồ Bồ Hong, Vồ Đầu, Vồ Chư Thần, ước có trên 50% hộ nông dân trồng tre lấy măng xen với trồng rừng trên núi, nhiều nhất là tre Mạnh tông.
Hộ trồng ít nhất cũng vài ba chục bụi, nhiều nhất đến vài chục công tre Mạnh tông. Loại cây trồng này đang cho thu nhập cao vì giá măng hiện ở mức từ 5.000- 7.000 đ/kg. Còn lúc đầu mùa giá từ 22.000 – 24.000 đ/kg.
Riêng ở vùng Bảy Núi, chủ yếu là núi Cấm, nhờ đất rộng người thưa, thiên thời địa lợi nên cây tre, kể cả tre Điền trúc có cơ hội phát triển mạnh theo mô hình nông lâm kết hợp, góp phần xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống cho cư dân miền núi. |
Ông Nguyễn Văn Lợi, ở ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, có gần 100 bụi tre măng lớn nhỏ, mỗi năm thu trên 45 triệu đồng, mà không cần vốn đầu tư phân thuốc như trồng các loại hoa màu khác.
Theo ông, cây tre Mạnh tông rất dễ trồng, nhiều người tận dụng đất rừng, đất rẫy, nơi có các dòng suối chảy qua hoặc dọc theo các sườn đồi thoai thoải để gây trồng.
Tre có thể trồng bằng hom gốc, hom thân nhưng cách phổ biến nhất là chọn những cây tre tơ tách ra nhân giống.
Sau 2 năm chăm sóc cây bắt đầu cho măng, bình quân mỗi bụi trên 4 năm tuổi cho từ 50 - 80 kg/năm.
Hằng năm, măng tre bắt đầu mọc lai rai khi có mưa xuống và măng ra nhiều nhất vào tháng 6- 7 âm lịch, rồi kéo dài đến hết tháng 12, măng vào vụ rộ giá càng rẻ.
Ông Lương Văn Hiếu, sống gần đỉnh núi thuộc ấp Vồ Thiên Tuế, xã An Hảo cho biết, năm nào mưa sớm, mưa nhiều măng mọc dầy hơn so với các năm khô hạn. Vào những ngày đầu vụ, không khí trên núi Cấm diễn ra thật tất bật. Từ sáng sớm đã có những chuyến xe thồ và đoàn người gánh mướn vội vã chuyển hàng xuống núi để kịp giao cho bạn hàng, mỗi ngày trên 10 tấn măng tươi.
Anh Hà Văn An, một trong sáu chủ vựa lớn ở chân núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên cho hay: Vào thời điểm tháng 9, mỗi ngày anh thu mua từ 1 - 3 tấn măng tươi. Ngoài các vựa thu gom măng ở ấp An Hoà, còn có những chuyến hàng đi thẳng từ Lâm Viên tới Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ và các chợ ở TP.HCM. Bình quân mỗi chuyến trừ hết chi phí còn lãi gần 7 triệu đồng.