| Hotline: 0983.970.780

"Làng ung thư" dưới dãy ngàn Nưa

Thứ Sáu 28/11/2008 , 08:00 (GMT+7)

Từ đầu năm 2008 đến cuối tháng 11 này, toàn xã Tế Thắng có tới 11 người chết vì bệnh ung thư...

Anh Vũ Văn Quang (người có bố và mẹ đều bị chết vì bệnh ung thư gan, phổi) múc một gầu nước giếng khơi màu đùng đục để vo gạo, nấu cơm, nấu nước uống, cho chúng tôi biết: "Do gia đình còn khó khăn, chưa có điều kiện xây bể hứng nước mưa, nên hàng chục năm qua vẫn phải dùng nước giếng khơi để sinh hoạt. Nhiều hôm mưa xuống, nước ngoài đường ngấm vào giếng đục ngầu, múc lên nấu uống làm cả nhà đau bụng quằn quại".

Thống kê của Trạm Y tế xã Tế Thắng, huyện Nông Cống (Thanh Hóa): Từ đầu năm 2008 đến cuối tháng 11 này, toàn xã có tới 11 người chết vì bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư gan và dạ dày; tập trung chủ yếu ở làng Thổ Vị mà bà con quen gọi là "làng ung thư".

Những con số... giật mình

Ông Trần Minh Hán, ở làng Thổ Vị, xã Tế Thắng giở danh sách ghi số người chết vì căn bệnh ung thư ở làng hơn 16 năm qua cho chúng tôi xem với những con số... giật mình: Tổng số bệnh nhân ung thư, nghi bị ung thư tại làng từ năm 1992 đến tháng 11/ 2008 là 84 người. Trong đó, có 40 bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội, 44 bệnh nhân được chẩn đoán ở các bệnh viện tỉnh và huyện nghi bị ung thư nhưng chưa xác định cụ thể. Làng Thổ Vị có 1.900 nhân khẩu, trong 16 năm qua, trung bình mỗi năm làng có 4,9 người bị ung thư, nhiều người đã chết vì căn bệnh này.

Ông Hán (nguyên là trưởng làng Thổ Vị) đã âm thầm làm công việc ghi chép, lưu trữ số liệu về số người chết vì các căn bệnh ung thư. Ông cho biết: "Năm 1993, trong làng có số người chết vì bệnh ung thư nhiều đột biến: 10/18 trường hợp. Đó là ông Lê Văn Ngói (ung thư gan), Trịnh Văn Lãng (ung thư phổi), bà Phạm Thị Vẹm (ung thư gan)... Chính tôi từng đưa nhiều người nhà ra Bệnh viện K Hà Nội để khám, chữa bệnh ung thư, nhưng rồi tất cả đều được bệnh viện trả về nằm chờ chết, vì bệnh đã quá nặng, vô phương cứu chữa. Từ đó đến nay, hằng năm ở làng Thổ Vị đều có người chết vì các bệnh ung thư quái ác và trở thành nỗi ám ảnh đối với bà con trong làng".

Tôi không cầm lòng nổi khi nhìn vào bản thống kê số người chết vì bệnh ung thư ở làng Thổ Vị mà ông Hán lập. Theo thống kê của Trạm Y tế xã Tế Thắng, số người mắc bệnh ung thư gan, phổi, dạ dày ở làng này chiếm tới hơn 80% so với các bệnh khác; trong đó số bệnh nhân nam giới chiếm 80%. Số người mắc các bệnh ung thư dưới 30 tuổi (đã chết) chiếm 8%, số người từ 30- 55 tuổi chết vì bệnh này chiếm 54% và số người từ 55 tuổi trở lên là 38%. Trong làng có 6 hộ có 2 người chết vì mắc bệnh ung thư.

Đặc biệt, gia đình anh Vũ Đình Vương có tới 4 người gồm: bố là ông Vũ Đình Dung, mẹ là Phạm Thị Vẹm; hai anh trai là Vũ Đình Thắng, Vũ Đình Tân đều bị chết vì bệnh ung thư gan. Trong làng hiện có hơn 10 người đã được bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương kết luận là mắc bệnh ung thư gan, phổi, dạ dày, nhưng do bệnh đã quá nặng, hoặc kinh tế gia đình quá khó khăn, không có tiền chạy chữa đành nằm... chờ chết.

Nguyên nhân do nguồn nước sinh hoạt?

Làng Thổ Vị nằm sát chân núi Nưa - nơi có mỏ quặng amiăng (trước kia đã được khảo sát, thăm dò và khai thác). Nguồn nước sinh hoạt của làng được lấy từ giếng khoan, hoặc giếng khơi. Ông Hán cho biết: "Từ năm 1975 đến 1978, làng phát động phong trào đào và sử dụng nước giếng khơi, nên các hộ dân nơi đây thường dùng nước giếng khơi. Các giếng này đều được kè bằng những viên đá lộ thiên, lấy từ núi Nưa về có chứa các sợi amiăng.

Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống đường giao thông trong làng đều được rải đá có chứa loại sợi này. Khi gặp mưa, sợi amiăng trong đá tan vữa ra, đục như nước vo gạo, rồi chảy xuống ao, hồ, thẩm thấu vào giếng khơi của các gia đình. Đây có thể là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh ung thư mà bà con nơi đây đang hằng ngày phải hứng chịu".

Giếng khơi bị nhiễm chất amiăng nặng, nhiều gia đình ở làng Thổ Vị đã ý thức đầu tư hàng triệu đồng để khoan giếng. Dù các giếng khoan có độ sâu từ 50- 60 m của các gia đình như ông Hán, anh Sáng, anh Hưng... nhưng nguồn nước vẫn bị ô nhiễm nặng, không thể sử dụng được. Theo kết quả xét nghiệm nguồn nước tại làng Thổ Vị của Trung tâm Y tế dự phòng và Sở Khoa học - Công nghệ Thanh Hóa thì nhiều mẫu nước ở đây không đạt tiêu chuẩn vệ sinh về mặt khuẩn học đối với nước ăn, uống, sinh hoạt theo Quyết định số 1329 (ngày 18/ 4/ 2002) của Bộ Y tế.

Về xét nghiệm lý hóa, các mẫu nước đều không đạt vệ sinh cho phép đối với tiêu chuẩn nước ăn, uống, sinh hoạt. Các mẫu nước đều lờ lờ, đỏ đục, có váng, độ kiềm toàn phần thấp, độ mặn, độ cứng, độ ô xy hóa đều cao. Hiện nay, tất cả các mẫu nước lấy từ giếng khơi, giếng khoan ở làng Thổ Vị đều bị nhiễm các chất amiăng, sắt, natri, thạch tín cao gấp hàng chục lần cho phép, không có mẫu nào đảm bảo dùng làm nước sinh hoạt. Đây là kết luận đã được chính quyền xã Tế Thắng công bố rộng rãi tới nhân dân trong làng.

Vẫn biết nguồn nước bị ô nhiễm nặng là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh ung thư, nhưng hiện nay bà con nơi đây vẫn phải dùng nguồn nước này, vì lấy đâu ra nguồn nước an toàn hơn. Cứ một đến hai tháng, nhân dân làng Thổ Vị lại đau buồn tiễn đưa thân nhân của mình về với cõi vĩnh hằng vì mắc các bệnh ung thư. Những nạn nhân "sống chung" với bệnh ung thư nhiều năm qua đang quằn quại, đau đớn và chờ đến lượt lưỡi hái "tử thần" mang đi...

Hiện nay, các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa vẫn chưa có một công trình nghiên cứu, giải pháp hữu hiệu nào để giúp người dân làng Thổ Vị. Chính quyền và nhân dân xã Tế Thắng rất mong nhà nước xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt đảm bảo cho làng Thổ Vị, để nơi đây không phải chứng kiến những cái chết đau đớn do bệnh ung thư gây ra.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm