Không chỉ thức ăn độc hại, bẩn mà người Trung Quốc đang phải sống trong một môi trường không trong sạch. Phát triển kinh tế kèm theo những ngành công nghiệp và chất thải độc hại bắt đầu đổ về những làng quê yên ả, biến nơi đây thành những "làng ung thư" đáng sợ.
>> Đầu độc nhau bằng thịt thối
>> Thịt thối, dầu ăn nước cống của Trung Quốc
Trong không khí mùa xuân dễ chịu, các khu ruộng bậc thang ở làng Liuchong, tỉnh Hồ Bắc đang ngập tràn hoa cải vàng ươm. Thế nhưng, bên trong một ngôi nhà nhỏ, Zhang Runxiang năm nay 42 tuổi đang nằm cuộn tròn, cô đang phải chịu đựng sự đau khổ của ung thư tử cung giai đoạn cuối.
Người mẹ già đang ngồi bên giường vuốt ve bàn tày gày gò, lạnh toát của cô trong khi người chồng là Zhou Yuansheng đi bộ trong nhà không ngừng thở dài và lắc đầu.
Ông Zhou nói: “Vợ tôi bị ung thư cách đây 3 năm, sau khi họ bắt đầu đào bới trong làng này. Các hoạt động khai thác của khai thác của họ đã làm nguồn nước nhiễm độc và cô ấy đã uống phải”.
Như nhiều dân cư khác trong làng, bị mất nhiều người thân vì ung thư trong vài năm gần đây, ông Zhou đổ lỗi tình trạng này cho Cty khai thác hóa chất Dasheng. Cty này đã hoạt động ở đây được gần 10 năm trong lĩnh vực khai thác phốt phát để sản xuất phân bón.
Ông Zhou lắc đầu chia sẻ: “Ở làng này bây giờ rất nhiều người bị ung thư. Tất cả các loại ung thư”.
Những câu chuyện thế này không hề xa lạ ở Trung Quốc. Sau 3 thập kỷ phát triển kinh tế vượt bậc, họ đã khiến những vùng nông thôn bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất độc hóa học. Đáng buồn thay, khu vực này chính là những nguồn cung cấp thực phẩm chính. Bằng chứng rõ ràng nhất là tỉ lệ ung thư ở Trung Quốc hiện nay tăng 80% so với khi bắt đầu cải cách kinh tế 30 năm trước.
Zeng Xiangbin, một luật sư môi trường ở Vũ Hán đã đến làng Liuchong để đánh giá các thiệt hại từ hoạt động khai thác, sản xuất của Cty hóa chất Dasheng. Bên bờ con sông trong làng, hàng nghìn tấn tro, phụ phẩm của quá trình sản xuất phân bón đã chất thành đống cao như núi.
Hằng này, các xe tải của Dasheng đều đem tro đến đổ bên bờ sông. Trong đó chứa rất nhiều hóa chất có thể gây ung thư như thạch tín, crom hay canxi. Theo thống kê, hằng năm có khoảng 300 triệu tấn tro loại này được đổ ra các bãi thải giống làng Liuchong ở khắp Trung Quốc. Đây là kết quả của việc vươn lên chiếm ½ sản lượng phân bón trên thế giới của họ.
Người dân làng Liuchong biểu tình phản đối Cty Dasheng
Chết dần chết mòn
Yao Chengying, một người dân trong làng Liuchong nói rằng dòng chảy từ trên núi đem theo chất độc từ tro phân bón cùng với khí thải từ các nhà máy của Dasheng đang giết chết ngôi làng này. Cây cối trong làng tự chết, những quả dưa hấu được trồng ở đây cũng không thể ăn được, đến cả lợn cũng không ăn chúng nữa, bà Yao chia sẻ.
Là người nuôi lợn, bà Yao tiết lộ rằng, ngày càng có nhiều lợn con dị dạng bẩm sinh và chết sau khi ra đời không lâu. Trong khi đó, các sản phẩm nông nghiệp khác như lúa, ngô của làng đều bị thương gia mặc định nghĩ là có độc và không mua. Điều này khiến cho người dân trong làng rơi vào cảnh khốn đốn vô cùng.
Bà Yao cho biết, từ năm 2010, những người dân trong làng đã tụ họp nhau biểu tình phản đối trước cổng nhà máy Dasheng, ngoài ra họ cũng đến Bắc Kinh để khiếu nại lên chính quyền trung ương.
Sau khi nhận phải nhiều áp ực từ chính quyền địa phương, cuối cùng Dasheng cũng bố trí để đền bù cho những gia đình có hoa màu và gia súc bị bệnh nhưng không đả động đến các nạn nhân ung thư trong làng, vì thế người dân vẫn tụ tập biểu tình phản đối.
Điều này đã khiến chính quyền lo sợ và cảnh sát địa phương đã bắt giữ 2 người, trong đó có chồng bà Yao để cảnh báo những người biểu tình khác. Hai người đàn ông đã bị bắt và bỏ tù với tội danh tống tiền doanh nghiệp. Theo ba Yao thì đó là do Dasheng đã ủng hộ rất nhiều tiền cho địa phương nên chính quyền muốn giúp đỡ họ giải quyết rắc rối với người dân.
Trưởng làng: “Tôi vô cùng xấu hổ”
Trong bối cảnh căng thẳng đó, trưởng làng Liuchong chạy như con thoi, giải quyết những đấu tranh, căng thẳng giữa người dân, Cty Dasheng và các quan chức chính quyền thành phố Zhongxiang, cấp trên của làng.
Ông Li Jun, trưởng làng tâm sự: “Là người đứng đầu ở đây, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ khi không thể làm gì để giúp người dân có nước sạch sử dụng. Những người dân ở đây có quyền được phàn nàn về tình trạng hiện tại. Mặc dù tôi đã trình báo với cấp trên của mình ở thành phố nhưng kinh phí làm đường ống dẫn nước sạch cho làng hiện nay quá lớn, vẫn phải nằm trong danh sách chờ đợi”.
Trong năm 2012, nhiều lần các quan chức thành phố đã cử ông Li đến Bắc Kinh để trấn an những dân làng ở đó vì lo sợ họ sẽ kiện cáo quy mô lớn với chính quyền trung ương. Ông Li nói: “Năm ngoái dân làng tôi đến Bắc Kinh 3 lần. Sau đó tôi đã mất chức bí thư vì không thể kiềm chế được sự tức giận của họ”.
Mặc dù phải chịu cảnh "trên đe dưới búa" nhưng ông Li vẫn còn nhiều điều phải lo lắng, không chỉ là việc công. Người cha già của ông là một trong số hàng chục người dân làng Lichong đã qua đời vì ung thư.
Trở lại gia đình ở đầu câu chuyện, những ngày này, căn nhà nhỏ của ông Zhou đang chứng kiến cảnh bà con cô bác tập trung đến hỏi thăm.
Trong nhà, vợ ông đang chiến đấu những ngày cuối cùng với căn bệnh ung thư quái ác. Con trai cả của ông năm này 20 đang đi làm ở miền Nam cũng đã về nhà để bên mẹ những ngày cuối.
Ông Zhou tâm sự: “Trước khi đổ bệnh, gia đình tôi có đủ tiền cho con theo học hết trung học và vào đại học. Nhưng các đợt hóa trị liệu đã làm tài chính gia đình cạn kiệt, con trai tôi đã phải bỏ học và trở thành công nhân các nhà máy ở miền Nam”.
Và sau khi các phóng viên rời khỏi làng Liuchong 2 ngày, người vợ xấu số của ông Zhou đã qua đời ở tuổi 42. Cô trở thành người làng mới nhất phải rời bỏ cuộc sống vì những hậu quả nền công nghiệp khai khoáng ở đây.