| Hotline: 0983.970.780

Những biệt thự tiền tỷ mọc lên từ 'vựa nhãn' Sơn La

Thứ Tư 25/07/2018 , 07:01 (GMT+7)

Từ những gốc nhãn dại, nhờ khéo léo cải tạo và chăm sóc, vài năm qua, cây nhãn đã giúp hàng nghìn hộ dân ở Sơn La làm giàu. 

Điển hình như bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu – nơi được mệnh danh là bản biệt thự. Dân bản gọi vui, đó là những căn biệt thự mọc lên từ gốc nhãn.

09-26-07_2
Những căn biệt thự mọc lên từ... gốc nhãn

Giữa trời nắng chang chang, anh Nguyễn Đức Tình, bản Pha Cúng vẫn phăm phăm dẫn chúng tôi đi thăm vườn nhãn của gia đình. Anh Tình quê gốc mãi Hưng Yên, theo cha mẹ nên lập nghiệp ở vùng đất này từ thuở nhỏ. Theo anh Tình, những cây nhãn dại bén mảnh đất Pha Cúng từ những năm 1990, nhưng năng suất, chất lượng không cao nên ít được để ý. Mãi đến năm 2006, một số người về lại vùng nhãn tổ ở Hưng Yên lấy mắt ghép, quyết tâm cải tạo diện tích nhãn dại.

Từ việc sản xuất nhỏ lẻ, các hộ dân đã biết quy tụ làm ăn, thành lập nên HTXNN Phương Nam ngay tại bản Pha Cúng. Bản thân anh Tình cũng tham gia với chức vụ Phó giám đốc HTX. Anh bảo, gọi cho đúng luật, cho oai thế thôi chứ vẫn đầu tắt mặt tối ngoài vườn với nhãn, xoài và mấy con lợn.

Hiện nay, vùng nhãn của HTX Phương Nam đạt khoảng 60ha với 9 thành viên tham gia. Nếu tính cả diện tích nhãn HTX tham gia tiêu thụ cho người dân thì phải trên 100ha. Mọi năm, năng suất trung bình đạt từ 20 – 25 tấn/ha. Tuy nhiên, vụ nhãn này bội thu, năng suất dự kiến có thể đạt tới 35 – 40 tấn/ha. Cũng theo dự kiến, tổng sản lượng nhãn của toàn HTX Phương Nam và các hộ dân trong bản sẽ đạt khoảng 6.000 tấn. Một con số đột biến với người trồng nhãn ở Yên Châu nói riêng, ở Sơn La nói chung.

09-26-07_1
Niềm vui bội thu nhãn của người dân Sơn La

Nhờ cây nhãn, gia đình anh Tình cũng như nhiều hộ khác đã vươn lên làm giàu, sắm ô tô, xây biệt thự. Nhìn căn nhà đi mỏi chân không hết của gia đình mình, anh Tình bảo, cũng phải vất vả, chắt chiu mới xây được chứ không dễ dàng gì. Trong ngôi nhà với khuôn viên hơn 300 mét vuông ấy, mọi thứ đều được sắm mới, chăm chút, đẹp tinh tươm.

Huyện Yên Châu đang lập hồ sơ đề nghị cấp VietGAP cho 35ha nhãn thuộc HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng. Đồng thời lập hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng cho 72ha. Trong đó: HTX Thanh Sơn 21ha và HTX Phương Nam 51ha.

Đứng trên con đường chính, đưa mắt một vòng quanh bản Pha Cúng, đâu đâu cũng thấy những căn biệt thự lấp ló sau rặng nhãn sai trĩu trịt. Bà Nguyễn Thị Nhinh (SN 1964) mặt rạng rỡ đứng ở cửa nhà đón khách. Căn nhà xây năm 2015, trị giá hơn 2 tỷ của gia đình được sơn màu xanh da trời, nổi bật giữa đồi nhãn.

Bà Nhinh cho biết, những gốc nhãn đầu tiên của gia đình có từ năm 1994. Năm 2006, công cuộc cải tạo, dùng nhãn lồng Hưng Yên ghép cải tạo bắt đầu. Lạ thay, cây như bén hơi nhau mà thích ứng ngay, tỷ lệ thành công rất cao, phát triển tốt. Và tới nay, khi nghĩ lại, nhiều người vẫn ngỡ ngàng vì chất lượng quả của cây nhãn ghép không thua khác gì vùng nhãn gốc ở Hưng Yên. Còn về năng suất, thậm chí còn nhỉnh hơn.

Nhẩm tính, với diện tích 7ha, tính cả năm được, năm mất, mỗi năm gia đình bà Nhinh bán được khoảng 50 tấn nhãn, thu lãi 600 – 700 triệu đồng. Nhìn đồi nhãn sai trĩu trịt, bà Nhinh bảo, năm nay khéo phải tới trên trăm tấn nhãn. Nếu giá cả ổn định, trừ mọi chi phí cũng lãi được khoảng 1 tỷ đồng.

09-26-07_4
Dự kiến năng suất nhãn toàn tỉnh Sơn La năm 2018 khoảng 62 nghìn tấn

Thấy chúng tôi vào thăm, anh Nguyễn Đình Hừa đang quần xắn móng lợn tất tả chạy về pha trà đón khách. Ngồi ở căn nhà cũ xập xệ, xây từ năm 2000, anh Hừa bảo, cũng nhờ cây nhãn, sau bao năm cố gắng, giờ cả gia đình sắp có nhà mới để ở. Đó là một ngôi nhà 2 tầng, diện tích 300 mét vuông, ngay ở mặt đường chính. Ngôi nhà được xây từ tháng 11/2017, đang ở giai đoạn hoàn thiện, tổng chi phí ước tính trên 3 tỷ đồng.

“Nhà tôi có 6ha nhãn, được cải tạo từ năm 2007, tới nay thì cho thu hoạch tương đối ổn định, năng suất khoảng 20 – 25 tấn/ha. Tính trung bình, mỗi năm cũng lãi khoảng 600 triệu đồng. Vụ nhãn năm nay thì bội thu, sản lượng khéo phải gấp đôi năm ngoái”, anh Hường tâm sự.

Ông Đỗ Danh Long, Trưởng phòng kinh tế - hạ tầng huyện Yên Châu cho biết, tổng diện tích nhãn của địa phương này là 1.208ha. Trong đó, diện tích cho sản phẩm thu hoạch ổn định là 480ha. Dự kiến, vùng nhãn Yên Châu sẽ thu rộ và làm 2 đợt trong tháng 8-9/2018. Theo ông Long, không riêng gì Yên Châu, các vùng nhãn của Sơn La năm nay đều được mùa và bội thu. Cây nhãn đã và đang mang lại thu nhập cao, giúp người dân làm giàu, kinh tế chung của địa phương từ đó ngày càng phát triển.

Toàn tỉnh Sơn La hiện có trên 12.000ha nhãn, trồng tập trung ở các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu và Mường La, với các giống nhãn ghép chất lượng cao. Sản lượng năm 2018 dự kiến khoảng 62.000 tấn.

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm