| Hotline: 0983.970.780

Những cánh rừng khô khốc, trơ trụi lá ở Ninh Thuận

Thứ Hai 15/04/2024 , 08:00 (GMT+7)

Những cánh rừng trên địa bàn Ninh Thuận khô khốc, trơ trụi lá, chỉ cần một tàn lửa có thể bùng cháy, trước tình hình này, lực lượng chức năng đang căng mình PCCCR.

Nguy cơ cháy rừng rất cao

Những ngày đầu tháng 4, dưới cái nắng như đổ lửa, chúng tôi ngược lên huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận), dọc theo Quốc lộ 27B, những cánh rừng khộp xanh ngát trước đây nay đã rụng hết lá, cành cây trơ trụi, có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào, thi thoảng phía xa có những đám khói bốc lên do người dân đốt nương làm rẫy xen lẫn trong những cánh rừng.

Hiện nay, cấp cảnh báo cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Thuận đang ở cấp IV. Ảnh: Phương Chi.

Hiện nay, cấp cảnh báo cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Thuận đang ở cấp IV. Ảnh: Phương Chi.

Ông Trần Anh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến (huyện Bác Ái) cho biết, hiện công ty đang quản lý trên 23.600 ha rừng và đất rừng, trong đó chủ yếu là rừng khộp và rừng thông, đây là những loại rừng rất dễ xảy ra cháy trong mùa khô.

Do mấy tháng qua trên địa bàn không có mưa nên các cánh rừng đơn vị quản lý đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp IV và cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Trước tình hình này đơn vị đang căng mình triển khai các biện pháp PCCCR.

Theo ông Vũ, công ty đã cử lực lượng quản lý bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm tra các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao cũng như khai thác lâm sản trái pháp luật. Tổ chức trực PCCCR tại các chốt bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, công ty phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, cử cán bộ đến từng hộ dân canh tác nông nghiệp đan xen trong đất lâm nghiệp ký và thực hiện cam kết không vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR.

“Chúng tôi chủ động triển khai, phối hợp chặt chẽ với Công an huyện, Hạt Kiểm lâm Bác Ái, chính quyền các xã Phước Hòa, Phước Tiến và Phước Tân để tuần tra, truy quét chống phá rừng và PCCCR trong lâm phần quản lý, nhất là các vùng rừng giáp ranh với 2 đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn huyện đó là Vườn quốc gia Phước Bình, Ban quản lý rừng phòng hộ liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu và vùng rừng giáp ranh với huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa”, ông Trần Anh Vũ cho biết.

Những cánh rừng khộp đã rụng gần hết lá, cành cây đã trơ trụi, có thế xảy ra cháy bắt cứ lúc nào. Ảnh: Mai Phương.

Những cánh rừng khộp đã rụng gần hết lá, cành cây đã trơ trụi, có thế xảy ra cháy bắt cứ lúc nào. Ảnh: Mai Phương.

Đặc biệt, công ty đã thành lập 5 tổ cộng đồng tham gia PCCCR, mỗi tổ từ 25 - 30 người, túc trực 24/24 tại các điểm có nguy cơ cháy cao. “Từ đầu mùa khô đến nay, trên lâm phần công ty quản lý đã xảy ra một số điểm cháy rừng, ngoài lực lượng bảo vệ rừng của công ty thì các tổ cộng đồng đã phát huy hiệu quả cùng tham gia chữa cháy rừng. Chúng tôi lập các nhóm Zalo có sự tham gia của các thành viên tổ cộng đồng nên khi xảy ra cháy rừng đã huy động nhanh chóng lực lượng, các điểm cháy đã được dập tắt kịp thời”, ông Trần Anh Vũ nói.

Không lơ là, chủ quan

Ngược quốc lộ 27C lên xã Phước Bình (huyện Bác Ái) những cánh rừng cũng trơ trụi lá. Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình cho biết, hiện nay đơn vị đang quản lý bảo vệ trên 25.000ha rừng, do nhiều tháng qua không có mưa nên toàn bộ diện tích rừng đang ở mức cảnh báo cấp IV.

Vườn quốc gia Phước Bình thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn quản lý chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. Ảnh: Phương Chi.

Vườn quốc gia Phước Bình thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn quản lý chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. Ảnh: Phương Chi.

Theo ông Minh, từ đầu mùa khô đến nay trên địa bàn mới chỉ xảy ra 2 điểm cháy nhỏ và được dập tắt kịp thời. Có được kết quả này, ngay đầu mùa khô đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp PCCCR như làm ranh cản lửa, tu sửa hệ thống đường băng, tại các khu vực trọng điểm dễ phát sinh đám cháy, đốt thực bì có kiểm soát, tổ chức tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức trong PCCCR.

Đồng thời tu sửa, làm mới một số biển báo trên các tuyến đường vào rừng, ở các khu vực trọng điểm, nơi có đông dân cư sống gần rừng. Đặc biệt là ký cam kết với các hộ dân không vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR.

Bên cạnh đó, Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình đã tổ chức lại 9 tổ đội bảo vệ rừng và PCCCR các thôn và các đơn vị, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng tham gia. Chỉ đạo các viên chức phụ trách quản lý bảo vệ rừng kiểm tra, đốn đốc, giám sát các cộng đồng nhận khoán bố trí lực lượng tại 9 điểm trực 24/24, đảm bảo lực lượng và thời gian trực theo đúng cấp dự báo cháy rừng để kịp thời đề xuất các biện pháp có hiệu quả nhằm ứng phó kịp thời với nguy cơ gây cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Tuy nhiên, theo ông Minh, trong quá trình PCCCR, đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn do diện tích rừng tự nhiên lớn, địa hình phức tạp, hiểm trở, giao thông đi lại, thông tin liên lạc trong khu vực khó khăn. Ngoài ra người dân vẫn lén lút vào rừng khai thác các loài lâm sản ngoài gỗ, sử dụng lửa trong rừng, sử dụng lửa lấy mật ong, đốt thực bì không đúng quy trình, quy định nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng.

 “Chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân thực hiện đốt thực bì trên nương rẫy có kiểm soát, đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy; không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Trong ngày, tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 9 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều. Trước khi đốt phải thông báo với trưởng thôn, bản, tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa”, ông Nguyễn Ngọc Minh cho hay.

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được các ngành chức năng Ninh Thuận chú trọng. Ảnh: Mai Phương.

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được các ngành chức năng Ninh Thuận chú trọng. Ảnh: Mai Phương.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có trên 190.000 ha rừng và đất rừng, trong đó có trên 161.000 ha có rừng, tỉ lệ che phủ rừng đạt 47,25%. Trước tình hình nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua, từ ngày 2/4, cấp cảnh báo cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh đã nâng lên cấp IV.

Ông Lê Minh Sang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện nay nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn, tốc độ lan tràn lửa nhanh, Chi cục đã đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện và Ban chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện trực tiếp chỉ đạo việc phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương. Các đơn vị chủ rừng và lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm dễ cháy.

Bên cạnh đó, lực lượng canh phòng phải thường xuyên trên chòi canh và ngoài hiện trường rừng. “Chi cục đã giao các Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR tiếp nhận thông tin cấp dự báo cháy rừng cấp IV hiện nay để thông báo kịp thời cho các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn huyện để chủ động, phối hợp triển khai phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đồng thời yêu cầu các đơn vị chủ rừng báo cáo nhanh tình hình cháy rừng hàng ngày (trước 15 giờ) về Chi cục. Chủ động cập nhật tình hình thời tiết, kiểm tra thảm thực bì và thông tin, báo cáo để kịp thời điều chỉnh cấp dự báo cháy rừng”, ông Lê Minh Sang cho hay.

Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động theo dõi, cập nhật thông tin cháy rừng từ trang Web của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ http://kiemlam.org.vn/ và thông tin dữ liệu do phòng Quản lý bảo vệ và Phát triển rừng (thuộc Chi cục Kiểm lâm) cung cấp, để kịp thời phối hợp xác minh điểm cháy, vụ cháy và tổ chức chữa cháy rừng theo quy định.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm