Dọc theo con đường rừng quanh co dẫn từ địa bàn hành chính bản Kịt (xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) vào sâu vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pù Luông, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến cảnh tượng hàng loạt cây gỗ đủ mọi kích cỡ bị đốn hạ không thương tiếc.
Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pù Luông thành lập năm 1999, nằm ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hoá, thuộc địa bàn 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước. Pù Luông mang trong mình những giá trị cảnh quan thiên nhiên phong phú với sự đa dạng về các loại động thực vật.
Thế nhưng với sự tàn phá nặng nề của con người, những cánh rừng nguyên sinh quý hiếm nơi đây đang “chảy máu” từng ngày, vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ vỹ trước kia đang đứng trước nguy cơ biến mất.
Cây bị chặt nằm la liệt trong rừng
So với thời điểm năm 1990 trở về trước, tình trạng khai thác vàng trái phép tại bản Kịt giảm đi nhiều. Sau khoảng thời gian dài khai thác vô tội vạ, nguồn tài nguyên quý giá này đã dần cạn kiệt, các “bưởng” nhận thấy miếng mồi béo bở không còn khả năng sinh lợi nên đã cao chạy xa bay.
Thế nhưng, có khá nhiều phu vàng vẫn ấp ủ tham vọng đổi đời, ngày đêm vẫn bám trụ vùng rừng thiêng nước độc hòng chờ vận may tìm đến.
Quá trình tìm hiểu được biết, tại bản Kịt có hàng chục mỏ vàng đang hoạt động trái phép, ngày ngày các phu vàng vẫn ngang nhiên đưa máy móc, phương tiện vào đục khoét, phá hoại tài nguyên rừng.
Điều đáng nói, sự việc trên kéo dài đã hàng chục năm nay nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng gần như bỏ ngỏ, việc này khiến cho dư luận không khỏi hoang mang, nhiều người phân vân không biết rồi đây những cánh rừng nguyên sinh quý hiếm trong KBTTN Pù Luông rồi sẽ về đâu (?!)
Những thân cây có kích thước lớn vừa bị đốn hạ
Ngoài việc đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ quá trình khai thác vàng trái phép, rừng Pù Luông cũng đang oằn mình “kêu cứu” trước tình trạng lâm tặc chặt phá gỗ vô tội vạ.
Dọc theo con đường rừng quanh co dẫn từ địa bàn hành chính bản Kịt vào sâu tận vùng lõi của KBTTN, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi hàng loạt cây gỗ đủ mọi kích cỡ bị đốn hạ không thương tiếc.
Để tiện bề vận chuyển ra ngoài, những đối tượng lâm tặc đã trực tiếp tiến hành xẻ gỗ ngay tại hiện trường, nhiều thân cây đã bị xẻ thành tấm vuông vắn. Chỉ một số cây được lực lượng Kiểm lâm đánh dấu kiểm tra, còn lại đa phần không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của việc đã xử lý.
Chỉ một số cây được đánh dấu kiểm tra
Tại các điểm bị chặt phá, ngoài số gỗ đã có dấu hiệu hoai mục, vẫn còn khá nhiều cây gỗ mới bị đốn hạ, trong số đó có những cây đường kính rất lớn, một người ôm không xuể.
Trao đổi vấn đề này với ông Lê Thế Sự, Giám đốc kiêm Hạt trưởng KBTTN Pù Luông thì được biết, vấn đề an ninh rừng được cán bộ nơi đây kiểm tra thường xuyên theo quy định, mỗi chuyến đi thực tế đều có đánh dấu vị trí ảnh hưởng do các đối tượng lâm tặc khai thác. Ông Sự thừa nhận có việc một số cây nằm ven đường đi bị chặt phá nhưng đa phần chỉ là cây nhỏ: “Địa điểm nói trên thuộc Tiểu khu 254, những cây gỗ bị khai thác thuộc nhóm 5 và nhóm 7, kích thước không lớn và không phải gỗ quý”.
Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ với ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, ông Khoa khẳng định: “Việc các đối tượng lâm tặc chặt gỗ là có thật nhưng diễn ra lâu rồi, đa số các cây gỗ bị chặt đã bị hoai mục, chỉ còn một chút phần lõi phía trong mà thôi”.
Nhiều cây to bị đốn hạ không thương tiếc
Khi được hỏi về trách nhiệm của các bên liên quan, ông Khoa trả lời: “Chính quyền địa phương chỉ có nhiệm vụ quản lý Nhà nước, việc để xảy ra tình trạng phá rừng và khai thác vàng trái phép, trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng là KBTTN Pù Luông”.
UBND tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị ban, ngành liên quan cần sớm vào cuộc, nhanh chóng triển khai phương án phù hợp để khắc phục tình trạng rừng nguyên sinh Pù Luông tiếp tục “chảy máu”.
Theo ông Nguyễn Thế Anh, Chánh văn phòng UBND huyện Bá Thước, sau khi lực lượng cứu nạn cứu hộ tiếp cận được hiện trường hang Nước (bản Kịt, xã Lũng Cao) và đưa thi thể 3 phu vàng ra ngoài thành công (NNVN đã đưa tin), các đơn vị chức năng đã cho nổ mìn để lấp hang. Nhằm chấm dứt tình trạng khai thác vàng trái phép, huyện sẽ có phương án trình lên UBND tỉnh Thanh Hóa xin lấp hết các miệng hang vàng trong KBTTN Pù Luông. Trước đó, huyện Bá Thước cũng đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, tiến hành rà soát hiện trạng rừng trên địa bàn, yêu cầu phải có báo báo trước ngày 30/6/2016. |