| Hotline: 0983.970.780

Chi trả tiền hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid-19 tại Thanh Hóa:

Những câu chuyện cười ra nước mắt

Thứ Ba 19/05/2020 , 06:55 (GMT+7)

Hộ nghèo không được nhận tiền hỗ trợ covid-19; hàng nghìn người trùng lặp, người nhà cán bộ thuộc hộ cận nghèo... Đó là những câu chuyện đang diễn ra tại Thanh Hóa.

Hộ nghèo vẫn không được nhận tiền hỗ trợ covid-19

Người dân Thiệu Thành bàn tán xôn xao về việc chi trả tiền hỗ trợ dịch bệnh covid-19. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân Thiệu Thành bàn tán xôn xao về việc chi trả tiền hỗ trợ dịch bệnh covid-19. Ảnh: Võ Dũng.

Nghe thông tin được nhận tiền hỗ trợ dịch bệnh covid-19, anh Nguyễn Duy Hưng, một hộ nghèo có hộ khẩu tại thôn Thành Thượng, xã Thiệu Thành (Thiệu Hoá, Thanh Hoá) vội bắt xe từ Kon Tum trở về nhà. Thế nhưng, chờ mãi vẫn không nghe gọi đến lượt mình, anh Hưng hỏi cán bộ xã thì được biết, gia đình anh không thuộc diện được nhận hỗ trợ.

Bà Lê Thị Thịnh, 76 tuổi, mẹ anh Hưng cho hay, con trai mình đi xuất khẩu lao động nhưng không may gặp tai nạn, phải mổ não. Về nước thì kinh tế khánh kiệt, hai vợ chồng và hai đứa con ở chung với bố mẹ già. Vì quá khó khăn, vợ chồng anh phải khăn gói vào Kon Tum làm cửu vạn.

“Tôi chỉ nghe nói là không được nhận tiền hỗ trợ vì con tôi đứng tên hộ nghèo nhưng đã ghép vào một hộ nghèo khác. Hộ đó được nhận tiền còn gia đình tôi thì không. Dù bố bị gãy chân đang phải điều trị nhưng sáng nay nó bắt xe đi vào Kon Tum để kiếm tiền rồi” – bà Thịnh cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hoa, cùng thôn với anh Hưng cũng rơi vào tình cảnh éo le không kém. Dù là hộ nghèo nhưng khi lên xã nhận tiền hỗ trợ, bà Hoa mới biết gia đình mình không có trong danh sách. Chị Hoa thắc mắc mãi thì ông Nguyễn Xuân Tăng, cán bộ chính sách xã Thiệu Thành trả lời, gia đình chị không có trong danh sách là do sơ suất của cán bộ xã, thôn(?).

Trong khi hộ nghèo không được nhận tiền hỗ trợ dịch bệnh covid-19... Ảnh: Võ Dũng.

Trong khi hộ nghèo không được nhận tiền hỗ trợ dịch bệnh covid-19... Ảnh: Võ Dũng.

Trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Oai – Mai Thị Hằng oái oăm nhất trong số những gia đình chúng tôi tiếp xúc. Từ 4 năm nay, gia đình ông bà thuộc diện hộ nghèo. Nguyên nhân là bởi, cả hai lao động chính trong gia đình này đều mắc bệnh hiểm nghèo. Anh Oai bị ung thư thực quản đã nhiều lần phẫu thuật, xạ trị. Còn bà Hằng bị bệnh tim mạch, thuộc diện bảo trợ xã hội.

“Là hộ nghèo từ năm 2016 nhưng kể từ 2019 thì gia đình tôi không được nhận bất cứ khoản hỗ trợ nào. Các khoản hỗ trợ ấy đi về đâu thì chúng tôi không biết.

Hai lao động chính gia đình tôi chỉ có 1,4 sào ruộng, được lứa lợn thì dịch tả lợn châu Phi chết hết, thu nhập chẳng có gì, tuần nào cũng ra Hà Nội nằm viện. Có đứa con đi xuất khẩu lao động ở Nhật thì vừa sang đã có dịch covid-19, 3-4 tháng nay không gửi tiền về trả nợ rồi. Vậy mà khi lên hỏi xã để nhận tiền thì xã bảo không có. Xã trả lời, gia đình tôi đã được sáp nhập vào hộ bà Lê Thị Chinh, chỉ hộ bà Chinh được nhận tiền còn gia đình tôi thì không có” – bà Hằng cho hay.

Thì vợ con ông Hách Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Thành ở trong ngôi nhà khang trang này lại thuộc diện hộ cận nghèo. Ảnh: Võ Dũng.

Thì vợ con ông Hách Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Thành ở trong ngôi nhà khang trang này lại thuộc diện hộ cận nghèo. Ảnh: Võ Dũng.

“Sáp nhập” hộ nghèo để đảm bảo tiêu chí nông thôn mới

Ông Lê Tiến Đăng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Thành cho biết: “quá trình rà soát chúng tôi đã phát hiện một số lệch lạc nên đã loại một số đối tượng ra ngoài. Ví dụ, có những khẩu không có trong tàng thư của công an xã là do khi sinh con không khai trong hộ khẩu hoặc có những nhân khẩu đã qua đời nhưng không khai tử. Hiện vấn đề này chúng tôi đang chờ kết luận từ UBND huyện Thiệu Hóa. Còn các đối tượng nằm trong danh sách được hưởng, tính đến ngày 15/5 chúng tôi phát hết tiền hỗ trợ covid-19”.

Hộ nghèo đã bị 'sáp nhập' để chạy theo thành tích về đích nông thôn mới. Ảnh: Võ Dũng.

Hộ nghèo đã bị “sáp nhập” để chạy theo thành tích về đích nông thôn mới. Ảnh: Võ Dũng.

Hai cán bộ UBND xã Thiệu Thành là ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Mặt trận xã; bà Nguyễn Thị Giảng, Bí thư đoàn xã; ông Hách Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Thành có người nhà nằm trong danh sách hộ cận nghèo. Ngày 13/5, Ban thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa đã họp, bàn hướng xử lý và quyết định loại ra khỏi danh sách nguồn nhân sự đối với ông Cường, bà Giảng cho Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025. Huyện ủy Thiệu Hóa cũng yêu cầu không tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Hách Văn Thắng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Chấp, trưởng thôn Thành Thượng khẳng định, vì chỉ tiêu đạt chuẩn NTM của thôn, xã nên ở đây có chuyện “sáp nhập” các hộ nghèo lại để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3%.

Theo ông Chấp, cuối năm 2019, thôn rà soát có 15 hộ còn thuộc diện nghèo, 60 hộ cận nghèo/298 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo cao hơn 5% sẽ dẫn đến việc thôn, xã không đạt tiêu chí nông thôn mới. Vì vậy, xã bàn với thôn “phù phép” để “xóa tên” một số hộ, đảm bảo tỷ lệ hộ nghèo ở mức dưới 3%.

“Xã chỉ đạo và thống nhất, ghép nhân khẩu 7 hộ nghèo vào 8 hộ nghèo còn lại. Làm như thế, nhân khẩu nghèo vẫn giữ nguyên nhưng số hộ nghèo giảm xuống, đảm bảo tiêu chí NTM. Thực ra, 7 hộ bị ghép vẫn thuộc diện nghèo, họ cần được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tôi đã có ý kiến, xã phải làm tờ trình lên huyện để họ được hưởng quyền lợi hộ nghèo”.

Theo trần tình của ông Lê Tiến Đăng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Thành: “Cuối năm 2018 toàn xã có 70 hộ hộ nghèo, đến cuối năm 2019 còn 43 hộ. Theo chỉ tiêu huyện giao thì xã Thiệu Thành phải thoát nghèo 30 hộ để đảm bảo dưới 3% hộ nghèo. Chúng tôi giao cho các thôn nắm bắt tình hình, phát triển các mô hình kinh tế giúp dân thoát nghèo. Từ cơ sở các tiêu chí, những hộ có thể thoát nghèo thì ta làm theo quy trình. Trên cơ sở điều tra thì ta làm thủ tục, giảm nghèo cho những hộ đó. Còn có hay không chuyện “sáp nhập” hộ nghèo thì tôi không dám khẳng định, phải chờ kết quả thanh tra của huyện.

Còn ông Đào Hồng Quang, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Thiệu Hóa cho biết, tính đến ngày 16/5, qua xác minh bước đầu, đơn vị này xác định tại xã Thiệu Thành có tới 18 hộ nghèo bị sáp nhập vào các hộ nghèo khác.

“Nguyên nhân sáp nhập hộ nghèo lại với nhau là để giảm chỉ tiêu hộ nghèo ở các thôn, để các đơn vị đạt chỉ tiêu chuẩn nông thôn mới. Chúng tôi đang tiếp tục làm rõ và thực hiện việc tách, đưa hộ nghèo nào về hộ nghèo đó, và khi nào xong sẽ triển khai việc chi trả tiền hỗ trợ của Chính phủ đầy đủ cho các hộ”- vẫn lời ông Quang nói.

Ông Lê Tiến Đăng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Thành: 'Phát hiện một số lệch lạc trong việc chi trả nên chúng tôi đã loại một số đối tượng ra ngoài'. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Lê Tiến Đăng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Thành: “Phát hiện một số lệch lạc trong việc chi trả nên chúng tôi đã loại một số đối tượng ra ngoài”. Ảnh: Võ Dũng.

Cũng theo ông Quang, thực hiện việc chi hỗ trợ của Chính phủ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đợt 1 UBND huyện Thiệu Hóa tổng hợp danh sách ở tất cả các xã, thị trấn gửi lên, thì có tổng cộng 43.100 người được hưởng tiền hỗ trợ. Thế nhưng, trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ, do phát hiện nhiều địa phương có dấu hiệu bất thường, sai sót nên UBND huyện Thiệu Hóa yêu cầu rà soát lại.

Kết quả rà soát đến ngày 16/5, thì tổng số người được hưởng giảm xuống còn 39.009 người (tức là giảm 4.091 người). Số người giảm xuống thuộc các trường hợp do trùng lặp, không đúng đối tượng, chuyển nơi ở khác hoặc đã chết.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm