Hỗ trợ kịp thời cho dân
Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ – CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày 29/4 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 1757/QĐ-UBND về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...
Để kịp thời chi trả, hỗ trợ nhanh cho các đối tượng, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện, thị xã chủ động tạm ứng từ các nguồn tài chính hợp pháp của ngân sách quận, huyện, thị xã để chi trả theo đúng quy định.
Theo Phòng lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB-XH) huyện Thường Tín, ngay từ đầu UBND huyện chỉ đạo các các phòng, ban phối hợp để làm thủ tục rút kinh phí hỗ trợ và giao về UBND các xã trao trả trong ngày 30/4 và đến ngày 4/5 đã hoàn thành giao số kinh phí về các xã hoàn tất chi trả cho người dân.
Hiện tổng số đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo hưởng hỗ trợ trên địa bàn huyện là trên 20.000 người, với tổng kinh phí trên 26 tỷ đồng. Mức hỗ người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội là 500.000 đồng/người/tháng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo mức hỗ trợ 250.000 đồng/người/tháng.
Thời điểm này, các xã, thị trấn đã hoàn thành chi trả 100% cho các đối tượng chính sách gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, UBND huyện tăng cường vai trò giám sát của Ban công tác mặt trận tại cơ sở. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan thanh tra, kiểm tra, chính quyền các cấp thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất, để bảo đảm việc thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách, phát huy hiệu quả gói hỗ trợ của Chính phủ.
Hơn thế, sau khi rà soát, phân loại xong phải có hội đồng xét duyệt của xã xác nhận, xem xét từng đối tượng, tổng hợp công khai đưa lên huyện, huyện đưa lên thành phố. Mặt trận Tổ quốc, HĐND có thể vào giám sát, kể cả điều tra cấp phát, hỗ trợ tiền.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng phòng LĐ, TB-XH huyện Thường Tín đánh giá: “Hiện huyện đã hoàn thành 100% chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid- 19 gây ra, đây là động lực thúc đẩy cho bà con vượt qua khó khăn trong đợt giãn cách xã hội. Cả hệ thống chính trị huyện đã vào cuộc, “thắp đèn” chi trả cho kịp thời.
Thậm chí ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, chúng tôi vẫn làm việc, phải rà soát cả đêm để kịp thời chuyển tiền xuống địa phương chi trả cho dân. Còn gói lao động việc làm, huyện đang cùng với các xã, thị trấn triển khai, rà soát, đánh giá đối tượng sau đó mới có quyết định chính thức phê duyệt ngân sách để tiếp tục chi trả cho nhân dân”.
“Để chi trả nhanh gọn, minh bạch các cấp cơ sở đã “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”. Chúng tôi quán triệt trả đúng người, đúng đối tượng, tránh sai sót, thất thoát tiền Nhà nước, ai làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Nguyễn Ngọc Nam.
Vui mừng khi nhận tiền
Tại xã Liên Phương (huyện Thường Tín), nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và thông báo cho những cá nhân, gia đình qua hệ thống loa truyền thanh đủ điều kiện được hưởng quyền lợi nên các đối tượng rất trật tự, giãn cách thời gian đến nhà văn hóa thôn chờ nhận tiền hỗ trợ.
Tại đây, xã bố trí đủ các thành phần cán bộ các đơn vị, ban, ngành của xã, thôn hướng dẫn. Cùng với đó, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện chi trả.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Phương cho biết: Vừa qua xã đã làm tốt và hoàn thành việc chi trả gói an sinh xã hội cho người dân một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Vì vậy, người dân rất vui mừng, phấn khởi, cảm ơn Đảng, Nhà nước.
Thời gian tới, để chủ động sinh kế cho người dân, xã có trung tâm tư vấn việc làm hỗ trợ người lao động vào các khu công nghiệp trên địa bàn làm việc; có các nguồn vốn chính sách cho người dân vay ưu đãi để hoạt động kinh doanh, buôn bán trở lại...
Bà Nguyễn Thị Quê (thôn Bích Liên) là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ trong dịp này xúc động, chia sẻ: "Thời gian qua, gia đình tôi đã nhận được bốn lần hỗ trợ, ba lần nhận tiền và một lần nhận nhu yếu phẩm từ phía chính quyền và các nhà hảo tâm khiến gia đình ấm lòng.
Do dịch bệnh gia đình tôi không đi làm đâu được, giờ nhận tiền hỗ trợ của huyện, xã thế này thì đã may mắn lắm rồi. Nhận được tiền, tôi đã đi mua 2 bao tải gạo về dự trữ. Qua đây, tôi xin được nói lời cảm ơn Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội đã luôn quan tâm đến đời sống người dân nghèo như chúng tôi".
Còn ông Lê Công Toàn (thôn Phương Quế) phấn khởi nói: "Đến giờ phút này không có gì phải phàn nàn. Từ xã đến huyện rất quan tâm, chi trả đúng tiêu chuẩn, không chậm trễ, Nhà nước đã hỗ trợ chúng tôi trong lúc không có việc làm nên bà con rất phấn khởi.
Tôi vừa là bệnh binh vừa chất độc hóa học, bệnh tật nhiều nên số tiền này sẽ dùng vào sinh hoạt hằng ngày và mua thuốc thang chữa bệnh".