| Hotline: 0983.970.780

Những công trình chạy đua với thời gian, vượt qua hạn mặn

Thứ Năm 15/10/2020 , 09:43 (GMT+7)

Từ giữa năm 2019 đến thời điểm này, nhiều cuộc thị sát và hội nghị của các cấp từ Chính phủ đến bộ ngành, địa phương về ĐBSCL tìm giải pháp ứng phó hạn mặn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong một chuyến kiểm tra các công trình thủy lợi vùng ĐBSCL. Ảnh: Minh Đãm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong một chuyến kiểm tra các công trình thủy lợi vùng ĐBSCL. Ảnh: Minh Đãm.

Đồng hành và trách nhiệm với ngành nông nghiệp

Đồng hành xuyên suốt quá trình này phải kể đến Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Ban 10), từ lãnh đạo Ban đến các phòng ban hầu như có mặt trên các công trình và các đoàn kiểm tra thị sát. Chúng tôi cảm nhận được trách nhiệm nặng nề từ lãnh đạo Ban 10 và nhiệm vụ quan trọng của các dự án, công trình thủy lợi trong mùa khô vừa qua.

Ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 chia sẻ: Với nhiệm vụ được Bộ NN-PTNT giao là thực hiện chủ đầu tư các dự án thủy lợi ở khu vực ĐBSCL, Ban 10 đã đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Trong đó, 5/6 dự án do Ban 10 quản lý đã đẩy nhanh tiến độ từ 2 đến 12 tháng. Hoàn thành phần chính của công trình để kịp thời vận hành phục vụ ứng phó với hạn mặn ngay từ đầu mùa khô 2019-2020.

Với việc đưa vào vận hành 5 công trình sớm hơn từ 2-12 tháng so với kế hoạch, nhờ đó chủ động kiểm soát mặn, ngọt trực tiếp cho khoảng 83.000 ha, vùng ảnh hưởng trên 300.000 ha của các tỉnh trong khu vực.

Qua đó, góp phần đặc biệt quan trọng hỗ trợ sản xuất, giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra đối với ĐBSCL trong mùa khô 2019-2020.

Dự án Cống âu thuyền Ninh Quới, tỉnh Bạc Liêu vượt tiến độ xây dựng hơn 1 năm. Ảnh: Trọng Linh.

Dự án Cống âu thuyền Ninh Quới, tỉnh Bạc Liêu vượt tiến độ xây dựng hơn 1 năm. Ảnh: Trọng Linh.

Những công trình tiêu biểu 

Ông Linh chia sẻ về những công trình tiêu biểu, đó là: Tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít, tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (ICRSL).

Dự án có 3 cống Vũng Liêm, Bông Bót, Tân Dinh. Đây là dự án điển hình về nỗ lực trong thực hiện của các đơn vị.

Theo hợp đồng xây dựng, các cống này sẽ hoàn thành vào tháng 8, 9/2020. Tuy nhiên, với nỗ lực cao độ của các đơn vị, đến tháng 1/2020 đã hoàn thành phần chính của công trình, bàn giao tạm thời cho địa phương vận hành phục vụ sản xuất (vượt tiến độ 5-6 tháng).

Các cống được đưa vào vận hành từ tháng 1/2020, đã kịp thời kiểm soát mặn trực tiếp cho 28.459 ha diện tích đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (Vĩnh Long) và huyện Cầu Kè (Trà Vinh) trong mùa khô 2019-2020.

Công trình được người dân, các cấp chính quyền, ban ngành của địa phương đánh giá rất cao về tính kịp thời, hiệu quả đầu tư.

Cống Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long có ý nghĩa giúp đời sống bà con tốt lên, giúp địa phương chủ động hơn trong ứng phó biến đổi khí hậu trong tình hình mới. Ảnh: Minh Đãm.

Cống Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long có ý nghĩa giúp đời sống bà con tốt lên, giúp địa phương chủ động hơn trong ứng phó biến đổi khí hậu trong tình hình mới. Ảnh: Minh Đãm.

Trong vùng Nam Măng Thít các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, ngoài công trình trên, công trình nạo vét kênh Mây Phốp - Ngã Hậu cũng đã hoàn thành toàn bộ công trình từ cuối năm 2019. Công trình này vượt tiến độ khoảng 2 tháng, đã phục vụ rất tốt việc dẫn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, tưới tiêu, phát triển giao thông thủy bộ của khu vực Nam Măng Thít. 

Đối với Dự án Cống âu thuyền Ninh Quới, tỉnh Bạc Liêu, theo hợp đồng xây dựng phải đến tháng 4/2021 mới hoàn thành công trình để vận hành phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, trên cơ sở dự báo về tình hình hạn mặn có thể xảy ra trong mùa khô 2019-2020, Ban 10 đã yêu cầu các nhà thầu tập trung cao nhất về nhân lực, thiết bị, làm 3 ca để có thể hoàn thành sớm nhất.

Kết quả phần chính của công trình đã kịp hoàn thành từ đầu tháng 1/2020. Đã bàn giao tạm thời để địa phương vận hành phục vụ sản xuất từ giữa tháng 1/2020. Phần chính của công trình thực hiện vượt tiến độ hơn 12 tháng so với hợp đồng, vận hành phục vụ sớm hơn so với kế hoạch 2 mùa khô.

Qua vận hành trong các tháng qua đã phục vụ rất tốt kiểm soát nguồn nước mặn, ngọt. Đã kịp thời ứng phó với hạn hán, xâm hập mặn mùa khô 2019-2020, phục vụ sản xuất ổn định cho khoảng 80.000 ha của các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang.

Đây là một trong các công trình tiêu biểu nhất trong việc đẩy nhanh tiến độ để kịp thời ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020, đồng thời là công trình tiêu biểu trong hiệu quả đầu tư.

Riêng kênh Mây Phốp - Ngã Hậu tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 10/2019. Cấp bổ sung nguồn ngọt cho tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, vượt tiến độ hợp đồng khoảng 2 tháng, phát huy sớm hiệu quả dự án 1 năm.

Dự án gồm hoàn thành nạo vét, mở rộng 24,54/24,54 km kênh Mây Phốp - Ngã Hậu, các cống hở, cống ngầm, cầu giao thông dọc bờ kênh.

Ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (đứng) chia sẻ về một số dự án thủy lợi vùng ĐBSCL. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (đứng) chia sẻ về một số dự án thủy lợi vùng ĐBSCL. Ảnh: Trọng Linh.

Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 tỉnh Bến Tre (phần Ban 10 quản lý), ngày 13/12/2019, Ban 10 đã bàn giao tạm thời cho địa phương quản lý, vận hành 18/21 cống phục vụ ứng phó hạn, mặn năm 2019-2020.

Hệ thống thủy lợi Trạm bơm cống Xuân Hòa tỉnh Tiền Giang gồm sửa chữa cửa van cống Xuân Hòa. Tháng 12/2019, gói thầu đã hoàn thành, bàn giao tạm thời cho đơn vị quản lý khai thác. Toàn bộ 3 cửa van của cống đã được bổ sung thành cửa van đóng mở cưỡng bức bằng xi lanh thủy lực.

Đối với cống Rạch Gốc hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng ngày 18/9/2019, cống Xoài Hột bàn giao tạm thời. Cống Xoài Hột và Vàm Kênh hoàn thành bê tông thân cống, lắp đặt cửa van và đã bàn giao tạm thời cho địa phương vận hành cửa cống để ngăn mặn giữ ngọt mùa khô 2019-2020 từ tháng 12/2019. Trạm bơm cống Xuân Hòa đã hoàn thành toàn bộ công trình từ tháng 1/2020 vượt tiến độ 8 tháng, cấp nước bổ sung cho vùng dự án, phục vụ sản xuất.

Qua các hội nghị vừa qua đều đánh giá rất cao hiệu quả đưa vào vận hành sớm các công trình thủy lợi này. Chính vì vậy, mặc dù mùa khô năm 2019-2020, xâm nhập mặn đến sớm, thời gian hạn, phạm vi, cường độ cao hơn so với năm 2015-2016 nhưng thiệt hại đã được giảm thiểu đáng kể.

Cụ thể, tổng diện tích lúa bị thiệt hại 58.400 ha, chỉ bằng 14% so với diện tích bị ảnh hưởng năm 2015-2016. Tổng diện tích cây ăn trái bị thiệt hại là 11.180 ha, chỉ bằng 30% so với diện tích bị thiệt hại năm 2015-2016. Tổng cộng có khoảng 96.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt trong thời gian diễn ra hạn, mặn, chỉ bằng 45% mức ảnh hưởng năm với năm 2015-2016.

Theo đó thời gian tới tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để kịp thời đưa vào vận hành chống hạn. Tổ chức vận hành hợp lý công trình thủy lợi để lấy, tích trữ được cao nhất lượng nước ngọt xuất hiện trong thời kỳ xâm nhập mặn. Phân chia, điều tiết nguồn nước mặn, ngọt bảo đảm phục vụ cho các mục tiêu dùng nước, tuyệt đối không để xảy ra tranh chấp, xung đột nguồn nước.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Qua vận hành cống âu thuyền Ninh Quới gần như chúng ta kiểm soát hoàn toàn phân ranh mặn ngọt của Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Dự án sau khi đưa vào sử dụng đã góp phần cùng với những công trình khác chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa của các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang. Điều tiết tốt nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản trong vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu.

Công trình cống Âu thuyền Ninh Quới nằm trên trục kênh Quản lộ Phụng Hiệp là dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch xây dựng thủy lợi vùng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long: Cống Vũng Liêm điều tiết nước sản xuất, ngăn mặn, là công trình có ý nghĩa giúp đời sống bà con tốt lên, giúp địa phương chủ động hơn trong ứng phó biến đổi khí hậu.

Đối với việc khai thác vận hành, bảo trì còn có những điểm mới cho nên tỉnh chúng tôi đã có những kiến nghị đối với Bộ NN-PTNT thông qua Ban 10 là chủ đầu tư. Tỉnh cùng với đơn vị thi công tổ chức bàn giao, chuyển giao công nghệ để khai thác và bảo trì có hiệu quả.

Chúng tôi kiến nghị chủ đầu tư phải có đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để khai thác hiệu quả cống này.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất