| Hotline: 0983.970.780

Những đám tang đau thương vì bão số 3

Thứ Hai 09/09/2024 , 17:08 (GMT+7)

Đứa con gái đầu ôm chặt di ảnh cha, khóc nấc, chân đi không vững. Nó đủ lớn để cảm nhận được nỗi đau mất cha và những ngày tháng khó khăn phải đối mặt.

Phép màu không xảy ra

Theo lời kể của người thân anh Bốn, trước thời điểm tàu gặp nạn, trên tàu có anh Nguyễn Văn Bốn (xã Quảng Thạch) và Vũ Văn Cường (xã Quảng Nham, Quảng Xương, Thanh Hóa) túc trực. Dù tàu đã neo đậu tại bến Do (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) thế nhưng do sức gió lớn, sóng to khiến tàu cá chao đảo mạnh, va đập liên tục vào thành bờ. Đứng trước nguy cơ mất an toàn do bão, anh Cường men theo boong tàu, kiểm tra dây neo trước mũi tàu và cọc neo buộc tàu.

Tuy nhiên, do không làm chủ được tình hình, anh Cường bị hất văng xuống biển. Tuy nhiên, do được ngư dân ở tàu bên cạnh phát hiện kịp thời nên ngư dân này được cứu và may mắn sống sót. Lúc này, anh Bốn vẫn trong boong tàu, cố ghì chặt vô lăng, giữ thuyền, nhưng do sóng to gió lớn, cả thuyền và người đều bị sóng đánh chìm không lâu sau đó. Vào 8 giờ, ngày 8/9, lực lượng cứu hộ đã phát hiện thi thể anh Bốn cách vị trí tàu chìm không xa.

Con gái thuyền viên Bốn khóc ngất khi ôm di ảnh cha. Ảnh: Quốc Toản.

Con gái thuyền viên Bốn khóc ngất khi ôm di ảnh cha. Ảnh: Quốc Toản.

Chị Trần Thị Lan (vợ anh Bốn) khóc ngất khi nghe tin tàu khai thác của chồng gặp nạn. Người phụ nữ ấy dù lo lắng nhưng vẫn mong phép màu sẽ đến với chồng mình. Vậy nhưng, mọi chuyện đã không xảy ra.

Người phụ nữ ấy gào khóc bên lĩnh cữu chồng như thể không chấp nhận thảm cảnh vừa xảy ra. Chị Lan chắp tay khẩn cầu ông trời một cơ hội sống cho người đàn ông xấu số. Người thân trong gia đình ôm chặt lấy vợ thuyền viên vỗ về, an ủi để chị cố gắng vượt qua nỗi đau tột cùng.

Vân Anh, đứa con gái đầu của anh chị ôm chặt di ảnh cha, khóc nấc, chân đi không vững. Nó đủ lớn để cảm nhận được nỗi đau mất cha và những ngày tháng khó khăn còn lại mà mẹ cùng chị em nó phải đối mặt. Hàng trăm người dân trong làng xếp hàng chật ních con ngõ nhỏ để bái biệt một người con Quảng Thạch hiền hậu, chăm chỉ vừa về cõi vĩnh hằng.

Hàng xóm láng giềng tiễn đưa thuyền viên bốn về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: Quốc Toản.

Hàng xóm láng giềng tiễn đưa thuyền viên bốn về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: Quốc Toản.

Theo lời kể của gia đình thuyền viên, chiếc tàu cá có công suất 400CV là tài sản mà anh Bốn cùng một số người khác góp vốn để mua lại từ chủ tàu khác. Tuy nhiên, tàu hoạt động được một thời gian thì gặp nạn do bão. Toàn bộ số tiền gần 700 triệu đồng mà gia đình vay ngân hàng để mua tàu nay bỗng chốc mất trắng sau bão. Người phụ nữ ấy từ trước đến nay chỉ quen việc nội trợ, chăm sóc con, nay trở thành trụ cột gia đình và gánh trên vai khoản nợ lớn khó có khả năng thanh toán.

Thương cảm với hoàn cảnh gia đình, sáng nay, chính quyền địa phương cùng nhiều tổ chức đoàn thể trong xã, huyện đã đến thắp hương và chia buồn và đưa tiễn thuyền viên Bốn đến nơi an nghỉ cuối cùng. Dòng người nối dài gần 1km chậm dãi theo sau linh cữu anh Bốn. Khó có ngôn từ nào diễn tả nỗi đau đớn mà người thân của nạn nhân đang phải chịu đựng sau cơn bão tàn khốc.

Khu vực tìm thấy thi thể nạn nhân Bốn. Ảnh: CTV.

Khu vực tìm thấy thi thể nạn nhân Bốn. Ảnh: CTV.

Do ảnh hưởng của bão số 3, tàu cá mang số hiệu TH - 92255 - TS (xã Quảng Nham, Quảng Xương, Thanh Hóa) bị chìm tại bến Do (phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh). Thời điểm tàu đứt dây neo bị nhấn chìm, trên tàu có 2 thuyền viên là Vũ Văn Cường ở xã Quảng Nham và Nguyễn Văn Bốn ở xã Quảng Thạch. Vào thời điểm trên anh Cường đã được tàu neo đậu bên cạnh cứu sống.

Thượng úy hy sinh khi chống bão

Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm, 27 tuổi (quê xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là Đại đội trưởng Đại đội 3, Lữ đoàn 513, Quân khu 3. Anh nhập ngũ tháng 9/2015. Trong quá trình phòng chống bão Yagi, đơn vị anh phụ trách đảm bảo an toàn các đơn vị công trình.

Vào khoảng 9 giờ ngày 7/9/2024, nhận được đề nghị của nhân dân thôn Pạt (bản Pạt), xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, giúp chằng chống nhà cửa của nhân dân,Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm tham gia tổ công tác cơ động đi giúp nhân dân. Trên đường về sau khi lấy vật liệu, thấy đồng đội trượt chân, có thể bị cây đè lên người gây nguy hiểm, thượng úy Khiêm lao vào đỡ và bị ngã.

Đồng đội đã kịp thời đưa đồng chí Khiêm vào Trung tâm y tế huyện Bình Liêu để cấp cứu. Đến khoảng 17 giờ 20 phút cùng ngày, đồng chí Khiêm đã tử vong.

Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Bà Đỗ Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ (huyện Yên Mô, Ninh Bình) cho biết, hoàn cảnh gia đình Thượng úy Khiêm thuộc diện khó khăn, bố làm phụ hồ, mẹ làm nông nghiệp, nhưng anh Khiêm đã nỗ lực học tập, rèn luyện để được phục vụ cho quân đội.

"Bố mẹ đồng chí Khiêm sinh được 4 người con, trong đó Khiêm và một người em đang công tác trong quân đội. Còn 2 em của đồng chí đang tuổi ăn học. Bố đồng chí Khiêm làm nghề thợ xây, còn mẹ làm nông nghiệp ở nhà. Cuối năm 2023, anh Khiêm mới lập gia đình riêng", bà Tuyết cho hay.

Ngày 8/9, Ban Thanh niên Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam có Tờ trình đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đoàn truy tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm (sinh năm 1997), Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn Công binh 1, Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.