Tự nguyện xin thoát nghèo
Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) là huyện nghèo, có tỷ lệ người đồng bào Xơ Đăng chiếm 95%. Công tác giảm nghèo thời gian qua đạt nhiều tín hiệu tích cực khi nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững. Chỉ riêng giai đoạn 2019- 2021, huyện có 1.800 hộ thoát nghèo.
Gia đình anh A Chung (thôn Đắk Dơn, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) thoát nghèo vào năm 2019. Trước đó, gia đình anh chỉ trồng mì, ngô, thu nhập không cao, nên được xếp vào hộ nghèo. Tuy nhiên, cuộc sống đổi khác khi gia đình được chính quyền định hướng trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như sâm dây, sơn tra, sâm Ngọc Linh.
Nhận thấy đây là loại cây có giá trị nên A Chung mạnh dạn vay vốn đầu tư. Đến nay, anh đã phát triển vườn sâm Ngọc Linh khoảng 4.000 gốc, chưa kể các loại cây trồng khác như cà phê, sâm dây. Thu nhập mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.
“Sắp tới, khi sâm lớn, thu nhập sẽ còn cao hơn. Việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả không chỉ giúp gia đình tôi thoát nghèo mà anh còn vươn lên khấm khá, mua được ô tô con, xây được nhà to, đẹp”, A Chung vui vẻ khoe.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, huyện xác định giảm nghèo bền vững cho dân vùng cách mạng Tu Mơ Rông là nhiệm vụ xuyên suốt mà tập thể Đảng bộ, chính quyền đặt ra, xem đó là trách nhiệm để tri ân những đóng góp của họ cũng như để đưa vùng đất Anh hùng từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.
Ngoài giảm mạnh hộ nghèo thì ý thức vươn lên thoát nghèo cũng là một điểm sáng. Nơi đây, nhiều hộ dân đã chủ động xin được thoát nghèo. Theo ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây, năm 2022, xã có 6 hộ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. 6 hộ này có điểm chung là hộ gia đình trẻ, biết chịu khó làm ăn. Ngoài làm kinh tế gia đình họ còn biết làm thêm cho hợp tác xã để tăng thu nhập.
“Họ còn biết vay vốn để trồng cây dược liệu. Vì thu nhập ổn định nên người dân tự tin xin thoát nghèo. Nhận đơn, xã phối hợp với phòng chức năng của huyện đi thẩm định, qua đó xác định các hộ này đảm bảo đầy đủ tiêu chí thoát nghèo. Huyện đã có quyết định công nhận thoát nghèo”, ông Dũng chia sẻ.
Trong 6 hộ xin thoát nghèo, có gia đình chị Y Hà (24 tuổi, thôn Đắk Xia, xã Ngọc Lây). Nói về quyết định xin thoát nghèo, chị chia sẻ: “Nhà mình trước trồng lúa, mì, cà phê, mới đây lại trồng cây đương quy, thu nhập vì thế cao hơn. Sắp tới, khi những cây dược liệu mới trồng cho thu hoạch, chắc chắn nguồn thu sẽ còn tăng hơn nữa. Vì thấy sức khoẻ đảm bảo, làm ăn ổn định nên vợ chồng mình vui vẻ xin thoát nghèo”.
Còn tại thôn Đắk Rơ Wang, xã Đắk Pxi, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, việc người dân viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo cũng diễn ra nhiều năm nay. Theo ông Nguyễn Hữu Sơn, Trưởng thôn Đăk Rơ Wang, trong 3 năm 2019, 2020 và 2022, trên địa bàn thôn có 5 hộ viết đơn xin thoát nghèo. Trong đó, riêng năm 2022, có 2 hộ là hộ A Bình và Triệu Văn Hoài. Điểm chung của những hộ này là biết làm kinh tế, muốn nhường suất hộ nghèo cho người khác.
Bí thư Đảng uỷ xã Đắk Pxi Trần Thanh Minh cho biết, năm 2022, xã triển khai cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm trong vùng đồng bào, tuyên truyền hộ nghèo phấn đấu làm kinh tế để thoát nghèo bền vững. “Thực tế, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó có 2 hộ A Bình và Triệu Văn Hoài đã tự nguyện viết đơn thoát nghèo. Xã cũng sẽ lấy tấm gương thoát nghèo này để tuyên truyền cho các hộ dân khác phấn đấu làm kinh tế nhằm thoát nghèo”, Bí thư Đảng ủy Trần Thanh Minh, cho biết.
Hướng đến giảm nghèo bền vững
Còn tại huyện biên giới Chư Prông, tỉnh Gia Lai, chúng tôi được ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện uỷ kể về những tín hiệu vui trong công tác giảm nghèo. Theo đó, huyện có hơn 26.000 hộ, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 18%. Những năm qua, mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, nhiệm kỳ này phấn đấu giảm mỗi năm 3%. Đáng nói, các trường hợp thoát nghèo ít tái nghèo vì các biện pháp giảm nghèo mang tính lâu dài, bền vững.
Ông Đinh Văn Dũng cho biết thêm, để đạt được kết quả giảm nghèo tích cực như trên, huyện triển khai đồng bộ nhiều biện pháp theo hướng bền vững. Theo đó, đối với các doanh nghiệp lớn vào đầu tư trên địa bàn, huyện tổ chức làm việc, đề nghị các đơn vị này phải sử dụng lao động là người nghèo để giúp người dân có thu nhập ổn định.
“Bên cạnh đó, huyện hình thành các mô hình phát triển kinh tế, trong đó hình thành các cánh đồng lớn ứng dụng khoa học công nghệ. Hộ nghèo tham gia sẽ được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật. Ngoài ra, huyện cũng định hướng cho hộ nghèo sử dụng đất hiệu quả, áp dụng mô hình mới để nâng cao giá trị cây trồng trên mảnh đất. Song song với đó, lãnh đạo huyện phân công đoàn thể trực tiếp giúp đỡ hộ nghèo”, ông Dũng chia sẻ. .
Ngoài kết quả đã đạt được, các tỉnh vùng Bắc Tây Nguyên là Gia Lai và Kon Tum đã lên kế hoạch giảm nghèo trong thời gian tới, trong đó chú trọng giảm nghèo bền vững với chi phí hằng trăm tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, nhiều khu vực của tỉnh có địa hình hiểm trở, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, làm tác động trực tiếp thu nhập của người dân. Một số phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào gây ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu dùng. Một bộ phận người nghèo có tâm lý lười lao động, ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước…
Trước tình hình đó, tỉnh đã lên kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, trong đó đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%/năm theo chuẩn đa chiều.
Kế hoạch thực hiện sẽ bao gồm các dự án như hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội huyện nghèo; đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo. Tổng nhu cầu vốn thực hiện kế hoạch là hơn 900 tỷ đồng.
Cũng theo UBND tỉnh Gia Lai, nguyên tắc thực hiện chương trình là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng.
Còn UBND tỉnh Kon Tum thì năm 2023 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4%. Tỉnh đã ban hành kế hoạch với nhu cầu vốn thực hiện là 336 tỷ đồng. Dự án này sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành dạy nghề, hướng nghiệp; xúc tiến liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo với hợp tác xã, doanh nghiệp.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho hay, để giúp dân giảm nghèo, huyện xác định 3 giải pháp chính là nâng cao hiệu quả sản xuất tại chỗ bằng nguồn lực tự có, vốn vay; tham gia các dự án liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã về trồng dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng, làm du lịch; tham gia lao động tại các nhà máy trong nước và xuất khẩu lao động.
Nhằm hiện thực hoá chủ trương 3 ‘chân kiềng’ trên, thời gian qua, Tu Mơ Rông đã giới thiệu mô hình kinh tế trồng sâm, dược liệu để dân tham gia sản xuất; ưu tiên nguồn vốn cho dân vay; kết nối với các công ty, hợp tác xã để dân vào làm nhân công hòng có thu nhập; kết nối xuất khẩu lao động nhằm giúp dân có vốn để đầu tư vườn cây. Nhờ đó người dân không chỉ thoát nghèo mà có hộ còn xây nhà, mua xe cả tỷ đồng. Quan trọng hơn là họ có vườn cây dược liệu để ổn định cuộc sống lâu dài, bền vững.